20% trẻ em 3-4 tuổi ở Anh có điện thoại di động riêng

Theo nghiên cứu của Ofcom, cứ 5 trẻ 3-4 tuổi ở Anh thì có một trẻ có điện thoại riêng. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng điều này không hẳn có hại do mục đích sử dụng khác nhau.

Nghiên cứu mới từ Ofcom phát hiện ra 1/5 trẻ em 3-4 tuổi sử dụng điện thoại riêng để xem video, sử dụng mạng xã hội và chơi trò chơi trực tuyến.

Giáo sư Tim Smith, nhà tâm lý học nhận thức tại Đại học London, nhận định không phải tất cả thời gian trên màn hình đều giống nhau.

"Nếu trẻ nhỏ được cho xem các ứng dụng học tập, điều này có thể có lợi cho sự phát triển của chúng", ông nói.

Chuyên gia tranh cãi

Các nhà khoa học cũng đồng ý rằng bối cảnh sử dụng ứng dụng, nội dung với trẻ tiếp xúc là các yếu tố quan trọng đánh giá lợi ích hoặc tác hại của việc trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử sớm.

Một số lo ngại về việc rất nhiều trẻ em 3 và 4 tuổi có điện thoại riêng.

“Báo cáo nói rằng trẻ chủ yếu sử dụng điện thoại để xem video. Tôi chỉ là không hiểu tại sao chúng không xem bằng tivi gia đình hoặc máy tính chung”, giáo sư Pete Etchells của Đại học Bath Spa (Anh) cho biết.

1/5 trẻ em 3-4 tuổi tại Anh được sở hữu điện thoại riêng. Ảnh: iStock.

Theo ông, bản thân việc truy cập vào thiết bị điện tử không phải là vấn đề đáng lo ngại. Điều đáng lo hơn là nguy cơ truy cập các nội dung không phù hợp, không được kiểm soát đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó, cần có các hỗ trợ giúp chúng hiểu và sử dụng thiết bị kỹ thuật số.

Những nhà khoa học khác lại chỉ ra trẻ nhỏ có xu hướng sử dụng điện thoại như đồ bỏ đi. Phần lớn trẻ 3-4 tuổi sở hữu điện thoại cũ đã tháo thẻ sim và chỉ có sẵn một số ứng dụng.

Bà Sonia Livingstone, giáo sư Tâm lý xã hội tại Trường Kinh tế London (Anh), đoán rằng không nhiều trẻ em được sử dụng điện thoại có thể thực hiện chức năng nghe gọi.

"Vì vậy, rất có thể chúng dùng điện thoại để xem các video hài hước", bà nói.

Tiếp xúc với màn hình sớm có thể ảnh hưởng sự phát triển của trẻ

Báo cáo của Ofcom đã khiến Ủy viên Trẻ em của Anh phải lên tiếng. Đại diện đơn vị này, bà Rachel de Souza nhấn mạnh với Telegraph: “Trẻ nhỏ không cần điện thoại có kết nối Internet".

Cũng theo báo cáo của Ofcom, 92% trẻ 3-4 tuổi xem các nền tảng phát trực tuyến video như YouTube (trên tất cả thiết bị), 50% trong số đó biết gửi tin nhắn bằng giọng nói và video, 23% sử dụng mạng xã hội, 18% chơi trò chơi trực tuyến, 11% đã đăng nội dung phát trực tuyến video của riêng mình.

Cô Nova Cobban, cựu giáo viên chuyên dạy trẻ 5-6 tuổi, cho biết trẻ sử dụng công nghệ có 2 kiểu nổi bật.

“Kiểu đầu tiên là những đứa trẻ được xem YouTube từ rất sớm và chế giễu những người bạn không được như mình. Kiểu còn lại là nhiều đứa trẻ bị mất kết nối với thế giới xung quanh vì được tiếp cận với trò chơi điện tử sớm", cô nhận xét.

Cobban là nhà tâm lý học cũng là mẹ của một đứa trẻ 4 tuổi. Cô cho biết sẽ không bao giờ cho con gái sở hữu riêng một chiếc điện thoại ở độ tuổi này, mặc dù thỉnh thoảng, cô vẫn để con gái mình sử dụng.

Cô cho hay những đứa trẻ có đủ mánh khóe để giấu bố mẹ xem các nội dung không được phép.

Đứa trẻ có đủ mánh khóe để tránh bố mẹ xem các nội dung không phù hợp. Ảnh: iStock.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019 tuyên bố trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem bất kỳ thiết bị điện tử nào. Trẻ dưới 5 tuổi không nên ngồi trước màn hình quá một giờ/ngày. Thời gian xem thiết bị điện tử cao có thể gây ra việc chậm phát triển ở trẻ em 2-5 tuổi.

Theo Ryan Lowe, nhà trị liệu tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên kiêm phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà trị liệu tâm lý trẻ em (ACP), trẻ em 2-5 tuổi có thể học những gì được dạy vào thời điểm đó.

Cô cũng lo ngại việc sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ làm suy giảm mối quan hệ của trẻ với những người thân xung quanh.

Chưa có thời lượng cụ thể dành cho trẻ em

Tuy nhiên, lời khuyên của WHO đã bị các chuyên gia phát triển trẻ em bao gồm Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia (Anh) phản bác. Họ dẫn chứng các trường hợp nhiều gia đình phải nuôi con trong không gian chật chội và không có không gian để trẻ ra ngoài chơi.

Năm 2019, các quan chức y tế Anh đã kết luận chưa đủ nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn sử dụng thiết bị điện tử cho trẻ em.

Bà Jennifer Howze, Tổng biên tập của nền tảng nuôi dạy con Netmums, cho rằng nhiều cha mẹ nhận thức rõ mặt trái của việc cho con xem điện thoại sớm nhưng họ vẫn để trẻ xem vì cần không gian yên tĩnh để làm việc, kiếm thêm chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, điện thoại cũng có thể có ích nếu trẻ em biết cách sử dụng chúng một cách thích hợp.

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số. Vì thế, thay vì cấm đoán, tôi nghĩ chúng ta nên dạy trẻ em cách tốt nhất có thể để sử dụng các công cụ kỹ thuật số", tiến sĩ Pauldy Otermans, giảng viên cao cấp về Tâm lý học tại Đại học Brunel London (Anh), đề xuất.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/20-tre-em-3-4-tuoi-o-anh-co-dien-thoai-di-dong-rieng-post1422390.html