200 người ăn bánh mỳ nhập viện: Lại do khuẩn Salmonella

200 người ngộ độc nhập viện sau khi ăn bánh mỳ vỉa hè được xác định là do nhiễm khuẩn Salmonella trong nguyên liệu bánh mỳ.

Sáng 5/12, bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, xác nhận vụ 215 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì vỉa hè là do nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Ăn bánh mỳ ở quán nổi tiếng nhiều năm vẫn có thể bị ngộ độc.

Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và các mẫu thực phẩm gồm thịt heo, giò chả, nước sốt, bơ, hành phi tại quán bánh mì Cô Dung (TP Buôn Ma Thuột) đều nhiễm vi khuẩn đường ruột Salmonella.

Hôm 27/11, sau khi ăn bánh mì tại quán bánh mì Cô Dung ở ngã tư Hoàng Diệu - Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột),, nhiều người dân đã phải nhập viện cấp cứu do đau bụng, nôn ói, sốt… Số bệnh nhân tăng lên từng ngày và đến nay đã có 215 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.

Các bệnh nhân nằm điều trị tại BV đa khoa Thiện Hạnh (127 người), BV TP Buôn Ma Thuột (34 người), BV đa khoa vùng Tây Nguyên (29 người), BV Công an tỉnh Đắk Lắk (tám người), BV Đại học Tây Nguyên (bảy người), BV đa khoa Cao Nguyên (10 người).

Quán bánh mỳ cô Dung kinh doanh hàng chục năm qua, là quán khá nổi tiếng ở TP.Buôn Ma Thuột. Mỗi ngày quán bán ra thị trường hàng trăm ổ bánh mỳ.

Khuẩn Salmonella cũng là loại khuẩn đã khiến 200 cô trò tại trường Mầm non Đông Anh bị ngộ độc phải nhập viện hồi tháng 11 vừa qua.

Vi khuẩn Salmonella (còn gọi là vi khuẩn thương hàn) đã xuất hiện và gây bệnh cho người cách nay hơn 100 năm.

Sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella từ 12 - 72 giờ sau thì bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng do ngộ độc Salmonella như: Tiêu chảy, đau bụng, nôn ói và ói, sốt, đau đầu…

Sang tuần thứ hai có thể có xuất hiện phát ban nhỏ, bằng phẳng ở ngực, bụng, mạn sườn. Ban xuất hiện khoảng từ 7 - 12 ngày rồi biến mất.

Biểu hiện của nhiễm độc thần kinh do độc tố vi khuẩn Salmonella (nhức đầu, mất ngủ, ác mộng, ù tai, nói ngọng). Nặng hơn, bệnh nhân tay run bắt chuồn chuồn hoặc nằm bất động, vẻ mặt thờ ơ, đờ dẫn, li bì, mê sảng, hôn mê (thường ít gặp).

Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thương hàn là chảy máu đường ruột hoặc thủng ruột hoặc nhiễm trùng huyết.

Vi khuẩn này thường được tìm thấy ở trong các loại thực phẩm chưa nấu chín, sản phẩm từ gia cầm, kể cả các sản phẩm bơ sữa bảo quản không tốt. Thịt gà, chim cút và trứng của chúng là những sản phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella rất cao.

Vi khuẩn Salmonella có thể lây lan thông qua tay người chạm vào động vật, thực phẩm đã bị nhiễm.

Vi khuẩn Salmonella có sức sống và sức đề kháng tốt. Vi khuẩn này chịu được lạnh, ở nước đá sống 2 - 3 tháng, nước thường > 1 tháng, trong rau quả 5 - 10 ngày, trong phân 1 đến vài tháng.

Vi khuẩn Salmonella bị diệt ở nhiệt độ 550C/30 phút, cồn 900C/vài phút, các chất khử trùng thông thường diệt được vi khuẩn dễ dàng (chloramin 3%, phenol 5%).

Do đó, để tránh nhiễm vi khuẩn Salmonella, cần phải ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ bằng xà bông trước và sau khi chế biến thức ăn; không ăn trứng sống và chưa nấu chín; nấu chín kỹ thịt gà và chim cút; để riêng biệt giữa thực phẩm nấu chín và chưa nấu.

Sau khi chế biến những món thịt sống, cần rửa sạch các dụng cụ chế biến, bếp… bằng xà bông hoặc dung dịch tẩy rửa.

Hiện chưa có thuốc chủng ngừa Salmonella nên việc phòng ngừa bằng biện pháp vệ sinh cá nhân là quan trọng nhất.

Những người bị tiêu chảy do Salmonella không nên chuẩn bị thức ăn, thức uống cho những người khác cho đến khi triệu chứng tiêu chảy đã được chữa trị dứt hẳn.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/200-nguoi-an-banh-my-nhap-vien-lai-do-khuan-salmonella-3370552/