200 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Sáng nay 22/9, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh- Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) chủ trì phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: T.Bình.

Kết nối 200 thủ tục

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và các ủy viên Ủy ban 1899.

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái thay mặt lãnh đạo Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899, trình bày báo cáo kết quả công tác những tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020 về triển khai NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

Sau phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban 1899 (tháng 2/2020), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ tích cực triển khai các thủ tục hành chính mới thông qua NSW.

Cụ thể, triển khai chính thức thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với 10 thủ tục hành chính mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 2 thủ tục hành chính của Bộ Y tế.

Xây dựng mới và đã hoàn thành kiểm tra kết nối, đang chuẩn bị triển khai chính thức 14 thủ tục hành chính mới của Bộ Công Thương (6 thủ tục), Bộ Quốc phòng (6 thủ tục), Bộ Y tế (2 thủ tục).

Xây dựng mới và đang trong quá trình kiểm thử đối với 9 thủ tục hành chính mới của Bộ Y tế.

Khởi động triển khai 1 thủ tục của Ngân hàng Nhà nước (đang thống nhất quy trình nghiệp vụ và chỉ tiêu thông tin).

Cập nhật hết tháng 8 năm 2020, có 200 thủ tục hành chính đã được triển khai chính thức tăng 12 thủ tục so với năm 2019 và 23 thủ tục thực hiện kết nối để chuẩn bị triển khai chính thức.

Về kết quả thực hiện, cập nhật đến 25/8, có trên 3,2 triệu hồ sơ của trên 40 nghìn doanh nghiệp thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ, đơn vị liên quan tổ chức 9 đợt tập huấn triển khai các thủ tục mới; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW thông qua Bộ phận hỗ trợ thường trực (Helpdesk) của Tổng cục Hải quan…

Về ASW, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Đến nay, nước ta đã kết nối thêm với 5 nước ASEAN gồm: Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines.

Tính đến ngày 25/8/2020, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 179.763 C/O, tổng số C/O nước gửi sang các nước là 263.684 C/O.

Cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành

Về thực hiện công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành, thời gian qua, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong rà soát, xây dựng văn bản pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành; điện tử hóa thủ tục kiểm tra; đổi mới công tác kiểm tra; rà soát các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành…

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Những nội dung cải cách quan trọng của mô hình mới là: đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng (từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm); thay đổi cách tiếp cận từ kiểm tra chất lượng theo hàng hóa gắn với chủ hàng sang kiểm tra chất lượng theo hàng hóa.

Đồng thời, mở rộng đối tượng miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, đảm bảo vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật.

Mô hình mới cũng giúp minh bạch, công khai thông tin về kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc nâng cấp và áp dụng các hệ thống công nghệ thông tin (Cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành).

Báo Hải quan tiếp tục thông tin các nội dung quan trọng của Phiên họp.

Liên quan đến nội dung quan trọng của lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục hoàn thiện Cổng thông tin Thương mại quốc gia (VTIP).

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục rà soát bổ sung nhân sự triển khai hoạt động của Cổng thông tin Thương mại quốc gia, quy định trách nhiệm các bộ phận liên quan đến Cổng VTIP tại Tổng cục Hải quan, xây dựng kế hoạch triển khai phân công nhiệm vụ cho từng vụ, cục, đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan…

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/200-thu-tuc-hanh-chinh-ket-noi-co-che-mot-cua-quoc-gia-133801.html