2017 rồi, quẳng gánh lo đi mà vui sống được không?

Xã hội ngày càng phát triển, những gánh nặng mà người trẻ phải gánh vác càng nhiều. Đôi khi nó giống như liều dopping giúp chúng ta thẳng tiến về phía trước, nhưng đôi khi nó lại trở thành những trở ngại…

TIN LIÊN QUAN

Người trẻ đang biến Facebook trở thành sàn kể tội nhau

Chụp selfie, bay tự do và cái chết thương tâm của người trẻ

Nhiều người trẻ dễ buông xuôi, tự tử vì lý do không ngờ

Khi những cái 'like' khiến người trẻ tìm đến chỗ chết

Nỗi lo cơm áo gạo tiền và những đích đến xa vời vợi

Bạn tôi, tốt nghiệp đại học loại giỏi, đã có một công việc ổn định nhưng lúc nào cũng tất bật và âu sầu. Lí do được nó đưa ra là những gì mà nó đang có 'Chưa thấm tháp vào đâu' và 'Chưa hề đủ' với những yêu cầu của xã hội.

Nó có thể liệt kê cho tôi cả một danh sách những thứ cần hoàn thành, từ chuyện gia đình cho đến công việc. Thứ nào cũng quan trọng, thứ nào cũng là những đích đến đúng đắn mà một người trẻ chân chính nên đặt ra. Nhưng vấn đề là với số lượng công việc khổng lồ và những đích đến không ngừng mở rộng như thế, nó có thể sẽ mất cả đời cũng chưa chắc hoàn thành tất cả.

Bạn tôi có những ngày làm việc tới 20 giờ đồng hồ, nhận thêm vài ba công việc khác và thức thâu đêm để hoàn thành các dự án đến mức không có thì giờ ngơi nghỉ. Nhưng nó và hàng ngàn bạn trẻ khác ngoài xã hội kia vẫn dấn thân vào cuộc đua 'cơm áo gạo tiền' một cách đầy hối hả. Một cuộc chạy đua khốc liệt cho khát vọng làm giàu và vị trí xã hội ngàn người mơ ước.

Vẫn biết nhiệt huyết là tốt, khát vọng là tốt, nhưng những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ phải trôi qua bởi hàng chục tiếng vùi mình vào công việc mỗi ngày, ôm đồm quá nhiều những mục tiêu, sự ám ảnh bởi thành công và sức ép kì vọng từ người khác có phải là đúng đắn?

Một con chim hoàn toàn có thể tự bay với đôi cánh của chính mình nhưng nó sẽ nhanh chóng đuối sức, thậm chí không thể cất cánh nếu trên lưng nó chất đầy gánh nặng.

Gánh nặng đôi khi không do mình lựa chọn

Thời gian vừa qua, cộng đồng mạng râm ran chia sẻ câu chuyện về một danh ca nổi tiếng với mức thù lao ngất ngưởng nhưng nhiều năm liền gánh trên mình món nợ kếch xù lên đến hai chục tỉ đồng do chính mẹ ruột gây ra.

Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ về món nợ của mẹ ruột

Đọc những dòng tâm sự đầy trải lòng của anh khi nghẹn ngào kể về nỗi niềm chưa một lần công khai trước báo giới mới thấy, hóa ra 'Gánh nặng' mà con người ta phải gánh gồng đôi khi chẳng phải do họ lựa chọn!

Ba mươi năm trời lai lưng trả nợ từng đồng cho mẹ ruột, ba mươi năm chấp nhận đeo đẳng gánh nặng cơm áo trên vai vì hai chữ 'đạo hiếu', câu chuyện của anh gây sửng sốt cho toàn thể cộng đồng mạng. Bởi không ai có thể ngờ rằng, một danh ca được mệnh danh là ông hoàng nhạc Việt lại có thể chung sống với gánh nặng 'nợ nần' thay cho người khác trong thời gian lâu đến vậy!

Thành thật mà nói, đôi khi chúng ta chẳng hề chào đón những gánh nặng và cần tới chúng để rèn luyện mình, nhưng những gánh nặng vô hình lại cứ lần lượt tìm đến ta như một tất yếu.

Chưa bao giờ, người trẻ lại chất lên vai nhiều gánh nặng đến vậy!

Nợ công của Việt Nam năm 2016 lên tới 86 tỉ đô, nghĩa là mỗi em bé vừa 'oe oe' chào đời, đã phải gánh trên lưng một khoản nợ 29 triệu.

Nhìn vào con số chỉ tiêu của 80 trường Đại học, cao đẳng, sĩ tử muốn đặt chân được vào ngôi trường mơ ước đều trải qua một cuộc chạy đua ngoạn mục, mà đôi khi tỉ lệ chọi lên tới '1 chọi 30 người' (ĐH Tây Bắc, năm 2004). Còn hơn cả tỉ lệ cử tri chạy đua vào Nhà Trắng!

Nhưng đáng buồn là cứ 10 người tốt nghiệp đại học thì lại có 1 người thất nghiệp. Nhu cầu việc làm mỗi năm chỉ khoảng 40 ngàn nhân lực cho sinh viên trình độ Đại học, cao đẳng, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm lên tới 60 ngàn người. Gần 30 ngàn sĩ tử còn lại, sẽ đi đâu về đâu?

Bảo sao mà người trẻ bây giờ phải gồng trên lưng mình nhiều gánh nặng thế! Và cuộc chạy đua để có thể tồn tại trong xã hội đầy rẫy những bon chen của người trẻ chưa bao giờ khốc liệt đến vậy!

Những gánh nặng vô tình từ 'cơm áo gạo tiền' của cuộc sống, từ những vấn đề trời ơi đất hỡi cứ lần lượt tìm đến những người trẻ, và đấy chúng ta vào một cuộc đương đầu không mong muốn. Nhưng giống một con thiêu thân, chúng ta đôi lúc mù quáng lao vào cuộc đua đó mà quên mất rằng, quyền lựa chọn vẫn nằm trong tay mình.

'Quẳng gánh lo đi mà sống!'

Tôi từng nghe một câu chuyện như thế này:

Một giảng viên tâm lý nổi tiếng từng đem đến buổi học của mình một chiếc ly nước lọc chỉ đầy một nửa. Cô hỏi những học viên của mình: 'Ly nước này nặng bao nhiêu?'. Một số sinh viên nhanh chóng đưa ra phán đoán về trọng lượng ly nước nhưng người giảng viên chỉ cười: 'Trọng lượng của ly nước hoàn toàn không quan trọng. Vấn đề là tôi cần phải giữ nó trên tay bao lâu.

Nếu tôi chỉ cầm nó trong vòng một phút, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nếu tôi giữ ly nước trong một tiếng đồng hồ, cánh tay của tôi sẽ bắt đầu mỏi nhừ và đau nhức. Và nếu tôi giữ nó trong một ngày trời, tay của tôi chắc chắn sẽ bị tê liệt. Thực tế là trọng lượng ly nước không thay đổi, nhưng phải giữ nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng nhọc.'

Những áp lực và lo âu mà bạn trải qua giống hệt như việc bạn cầm trên tay một ly nước. Nếu quá mất thời gian để tâm đến nó, chính bản thân bạn sẽ có lúc cảm thấy mệt nhoài và đôi tay trở nên vướng víu để có thể nắm giữ những thứ quan trọng khác.

Vậy thì người trẻ, đừng nao giờ để một ly nước trở thành gánh nặng của mình. Hãy mạnh dạn đặt nó xuống! Hãy mạnh dạn quẳng gánh lo đi!

Cuộc sống có khốc liệt ra sao, những áp lực và gánh nặng có bủa vây như thế nào, hãy tự cho mình quyền buông bỏ nó. Vì đôi khi, 'can đảm buông bỏ' cũng là cách mà một người trẻ bản lĩnh và thông minh sử dụng để cân bằng cuộc sống của mình.

Theo Hoàng Anh/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/2017-roi-quang-ganh-lo-di-ma-vui-song-duoc-khong.html