2018 - thảm họa của báo giới

Trên toàn thế giới, con số nhà báo bị giết hại vì nguyên nhân bị trả thù do công việc mà họ làm đã tăng gần gấp đôi trong năm nay - theo Báo cáo thường niên mà Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) công bố trong hôm 19/12.

Các nhà báo thiệt mạng được Time bình chọn là “Nhân vật của năm 2018”. (Nguồn: Time).

53 nhà báo thiệt mạng

Tổ chức có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ này cho hay, có 34 nhà báo đã bị sát hại vì lý do trả thù công việc mà họ đã làm trên phạm vi toàn thế giới, tính đến ngày 15/12 vừa qua. Còn tổng số nhà báo bị sát hại là 53 người. Để so sánh, trong năm 2017, có tổng cộng 18 nhà báo bị giết hại vì mục đích trả thù, và tổng số nhà báo thiệt mạng là 47 người.

Bản báo cáo mới nhất cũng tính cả vụ nhà báo của tờ Washington Post bị ám sát mới đây, ông Jamal Khashoggi – một công dân Arab Saudi bị giết hại một cách dã man, nghi do bàn tay của chính quyền Riyadh. Cái chết của ông vào ngày 2/10 vừa qua bên trong Lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã làm dấy lên làn sóng phản ứng trên toàn cầu, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao đối với chính quyền Arab Saudi, đặc biệt là Thái tử nước này, Mohammed bin Salman.

Nhà báo Khashoggi đã tới Mỹ sinh sống dưới dạng lưu vong, và đã tới Lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul để hoàn tất thủ tục kết hôn với hôn thê người bản địa. Nhưng kết cục của ông là bị ám sát và phân xác bởi các đặc vụ của Arab Saudi.

Thêm vào các vụ giết hại nhà báo vì mục đích trả thù, có nhiều nhà báo cũng thiệt mạng trong lúc đang làm việc giữa vùng chiến sự, hoặc đang thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm khác.

Quốc gia được cho là “chết chóc” nhất đối với nhà báo trong năm 2018 là Afghanistan - nơi ghi nhận 13 trường hợp nhà báo bị giết hại. Nhiều trong số các trường hợp trên là do các vụ nổ, được gây ra bởi những kẻ đánh bom tự sát hoặc do các tay súng của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - theo báo cáo của CPJ.

Mỹ lọt top 5 nước nguy hiểm với nhà báo

Tổ chức Phóng viên xuyên biên giới (RWB) - nhóm hoạt động vì tự do báo chí, hôm 17/12 vừa qua nói rằng, riêng trong năm nay, Mỹ đã lần đầu tiên lọt vào top 5 quốc gia nguy hiểm nhất đối với nhà báo, khi có tới 6 trường hợp nhà báo thiệt mạng được ghi nhận.

Trong số các trường hợp này, có 4 nhà báo thiệt mạng trong vụ xả súng xảy ra tại tòa soạn của tờ Capitol Gazette, bang Maryland vào ngày 28/6. Vụ xả súng đẫm máu này là vụ tấn công được xem là tàn bạo nhất nhằm vào giới truyền thông trong lịch sử của nước Mỹ. Kẻ xả súng từng đe dọa tờ báo này sau khi cho rằng các phóng viên đưa tin khiến hắn thua một vụ kiện. Ngoài ra, trong số 6 trường hợp nhà báo thiệt mạng ở Mỹ còn có 2 trường hợp chết trong lúc đang ghi hình lúc thời tiết cực đoan.

CPJ cũng cho biết, việc bắt giữ và giam cầm các nhà báo cũng đang có xu hướng tăng dần. “Bối cảnh của cuộc khủng hoảng này rất phức tạp, và có liên hệ chặt chẽ với những sự thay đổi trong công nghệ. Công nghệ tiên tiến giúp nhiều người hoạt động báo chí dù không chuyên môn, thậm chí nhiều kẻ cực đoan và các nhóm tội phạm cũng có thể hoạt động tuyên truyền để phát tán các thông điệp độc hại của chúng”- Báo cáo của PCJ nêu rõ.

Tạp chí Time hồi tuần trước cũng chính thức công bố rằng, các nhà báo bị giết hại và cầm tù trở thành gương mặt của năm 2018. Những nhân vật này bao gôm: Nhà báo Jamal Khashoggi, Maria Ressa bị giam cầm ở Philippines, Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị giam ở Myanmar, và các nhà báo bị sát hại trong vụ xả súng ở Capitol Gazette.

Cũng có nhiều nhà báo tử nạn ở Slovakia trong năm nay. Trong số đó là phóng viên điều tra 27 tuổi Jan Kuciak, người nhận 1 phát bắn chí mạng khi đang thực hiện bài viết điều tra về nạn tham nhũng. Ở Malta, tình trạng này cũng tương tự. Nhà báo Daphne Caruana Galizia, cũng trong nhiệm vụ tương tự, đã thiệt mạng do một trái bom đặt trong xe của bà.

Có ít nhất 4 nhà báo bị ám sát ở Mexico, 2 nhà báo ở Brazil. Trong khi đó ở Palestine, có 2 nhà báo bị bắn chết bởi binh sỹ Israel trong lúc các cuộc biểu tình đang diễn ra rầm rộ ở Dải Gaza - theo CPJ.

Ngược lại, ở Syria và Yemen, nơi diễn ra 2 cuộc nội chiến đẫm máu, trong năm nay lại có ít nhà báo bị thiệt mạng hơn nếu so với năm 2011. Có 3 nhà báo thiệt mạng ở Yemen, và ở Syria, CPJ ghi nhận 9 nhà báo thiệt mạng - con số nhỏ hơn nhiều so với 31 nhà báo thiệt mạng vào năm 2012. Tuy nhiên, mức giảm này có thể là do quyền tiếp cận bị hạn chế đối với báo giới.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/2018-tham-hoa-cua-bao-gioi-tintuc425752