2019 xuất khẩu Việt Nam tiếp tục phụ thuộc FDI

Tính chung trong năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 35,86 tỷ USD, kể cả dầu thô.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô, đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,8% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 179,33 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,1% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 145,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,4% kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung trong năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 35,86 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33,8 tỷ USD không kể dầu thô. Như vậy, thặng dư thương mại từ khu vực đầu tư nước ngoài là nguồn bù đắp cho phần nhập siêu 25,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, khiến cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 9,9%.

FDI tiếp tục là đầu tàu kéo xuất khẩu Việt Nam trong năm 2019

Trong một bài viết của mình trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh dẫn số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy, giai đoạn 2011-2016, khu vực doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hơn 181%.

Lợi nhuận này của khu vực FDI là lợi nhuận đã khai báo với cơ quan thuế, tức là lợi nhuận sau khi đã trừ đi các khoản chi phí nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu có thể bị nâng giá trị (chuyển giá) để làm giảm lợi nhuận, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Trong thuế và các khoản nộp ngân sách bao gồm cả thuế gián thu và trực thu. Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực FDI đóng góp vào ngân sách mà đấy chính là khoản người dân Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI. Khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực FDI nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước.

Rõ ràng ở đây có sự không tương thích giữa lợi nhuận cao và mức đóng góp ngân sách thấp của khu vực FDI.

Cũng theo vị chuyên gia này, lợi nhuận của khu vực FDI có thể được chuyển về nước họ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy luồng tiền ra thuần năm 2017 khoảng 10,6 tỉ đô la, chiếm khoảng 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo giá hiện hành và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá. Tốc độ tăng của luồng tiền ra cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khá nhiều (hơn ba lần).

Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi. Tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) chiếm trong GDP hiện chỉ là 95% GDP, trong khi năm 2000 tỷ lệ này là 98,6% GDP, theo Tổng cục Thống kê.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/2019-xuat-khau-viet-nam-tiep-tuc-phu-thuoc-fdi-3394060/