21 hồ sơ thương binh có vấn đề: Xử lý nghiêm đối tượng giả mạo để chiếm đoạt tiền chế độ

Qua xác minh của Bộ LĐ-TBXH, 21 hồ sơ thương binh trên địa bàn BR-VT có dấu hiệu nghi ngờ làm giả hoặc chưa đủ chứng cứ xác thực. Sau khi có kết quả xác minh, cơ quan chức năng tiến hành truy thu khoản trợ cấp đã chi cho các đối tượng này, tuy nhiên, việc truy thu gặp khó khăn. Nhà chức trách cho biết, sẽ tiếp tục các giải pháp mạnh để truy thu, kể cả việc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý.

Cán bộ LĐTBXH phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa tiếp nhận hồ sơ đề nghị được xét duyệt chế độ thương binh.

NHIỀU HỒ SƠ KHÔNG HỢP LỆ

Theo kết quả thanh tra về hồ sơ hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, BR-VT có 21 hồ sơ thương binh có dấu hiệu làm giả hoặc chưa bảo đảm pháp lý: giấy chứng nhận bị thương sử dụng sai font chữ; người được thụ hưởng chế độ không có tên trong danh sách quân nhân bị thương của đơn vị; giấy chứng nhận bị thương sử dụng dấu giả; giấy ra viện không đúng chữ ký.

Chẳng hạn, hồ sơ thương binh của ông Ng.Đ.V (khu phố 4, phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) được xác lập trên cơ sở Giấy chứng nhận bị thương số 373 ngày 30-6-1981 của Trung đoàn 250, Sư đoàn 309. Nhưng kết quả giám định kỹ thuật hình sự cho thấy, phần chữ in phôi tài liệu trên giấy chứng nhận bị thương được in bằng công nghệ laze. Trong khi, vào thời điểm đó, việc in Giấy chứng nhận bị thương chưa sử dụng công nghệ in laser. Ngoài ra, cũng trong bộ hồ sơ của ông Ng.Đ.V, dấu xác nhận trên tài liệu không có hoa văn hình bánh răng xe và hình bông lúa như đặc điểm hình dấu thông thường khác. Do đó, hồ sơ ông Ng.Đ.V có nhiều dấu hiệu nghi ngờ bị làm giả. Cơ quan chức năng phải tiến hành thu hồi số tiền hơn 190 triệu đồng đã chi trả.

Theo trình bày của ông Ng.Đ.V, tháng 8-1980, ông Ng.Đ.V thi hành nghĩa vụ quân sự tại Chu Lai, Quảng Nam-Đà Nẵng, thuộc Sư đoàn 859, Quân khu 5. Tháng 11-1980, ông sang chiến trường Campuchia, thuộc Trung đoàn 250, Sư đoàn 309, đóng quân tại Tà Sanh Sâm Lốp. Ông Ng.Đ.V cho biết, ông bị thương nặng do mìn nổ vào ngày 13-4-1981. Sau khi vết thương lành, ông trở lại đơn vị vào tháng 6-1981 tiếp tục chiến đấu. Đến tháng 11-1983, ông Ng.Đ.V nhận quyết định phục viên, với tỷ lệ mất sức lao động loại 3. Từ năm 2002, Ng.Đ.V làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh. “Tôi là thương binh và rất buồn vì không được hưởng chế độ. Tôi rất muốn được hướng dẫn làm lại hồ sơ, bổ sung giấy tờ và phục hồi chế độ”, ông Ng.Đ.V nói.

Tương tự, ông Ng.V.Ch (khu phố 7, phường 11, TP.Vũng Tàu) là đối tượng bị truy thu tiền trợ cấp thương binh. Ông Ch. cho biết, ông tham gia bộ đội từ năm 1971, huấn luyện tại Diễn Châu (Nghệ An). Sau đó, được chuyển sang chiến đấu tại Lào. Trong quá trình chiến đấu tại Lào, ông bị thương vỡ gò má, mất một ngón tay, mất sức lao động 21%. Do mất hồ sơ gốc, phải làm lại giấy tờ mới nên mới phát sinh vấn đề. “Mong muốn của tôi là được giám định lại thương tật và trích lục lại hồ sơ từ lúc nhập ngũ, bị thương, cho tới xuất ngũ để được phục hồi lại chế độ”, ông Ch. bày tỏ.

SẼ XỬ LÝ NGHIÊM CÁC ĐỐI TƯỢNG CỐ TÌNH CHIẾM ĐOẠT

Sau khi có kết luận thanh tra, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu tỉnh BR-VT ngừng trợ cấp, thu hồi số tiền chi trả sai đối tượng để nộp ngân sách nhà nước. Thực hiện chỉ đạo này, từ giữa năm 2017, Sở LĐ-TB-XH tỉnh BR-VT đã tạm dừng chi trả chế độ thương binh đối với 21 đối tượng. Sau đó, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tiến hành các bước để truy thu số tiền đã chi trả. Trong đó, đối tượng bị truy thu cao nhất là hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên cho đến nay, việc truy thu số tiền chi trả rất khó khăn.

Ông Vũ Nhật Hà, Phó Trưởng phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH cho biết: Đến nay, toàn tỉnh chỉ mới có 2 người đã hoàn trả đủ số tiền đã hưởng gần 190 triệu đồng, 2 người ở huyện Châu Đức và Xuyên Mộc xin trả lại tiền theo đợt và hàng tháng. Còn lại 17 trường hợp chưa hoàn trả. Việc truy thu số tiền đã chi hiện gặp vướng mắc là do phần lớn họ đã lớn tuổi, số tiền phải hoàn trả nhiều, hoàn cảnh khó khăn không có nguồn thu nhập để trả. Ngoài ra, một số trường hợp đang có đơn xin xem xét phục hồi.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, những trường hợp bị tạm dừng trợ cấp đều đã được giải thích rõ lý do. Cũng không loại trừ trường hợp trong số 21 hồ sơ nói trên, có người là thương binh thật, nhưng hồ sơ của họ không bảo đảm các điều kiện để được công nhận là thương binh, hoặc do mất giấy tờ gốc nên đã làm hồ sơ giả để được nhận trợ cấp nhanh hơn. Đối với những hồ sơ bị kết luận giấy tờ gốc không bảo đảm tính pháp lý, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng.

Các hồ sơ hưởng trợ cấp thương binh được làm giả rất tinh vi, khó phát hiện, phải có khoa học kỹ thuật hình sự mới giám định được. Hiện nay, theo quy định, khi tiếp nhận hồ sơ thương bệnh binh chuyển đến, nếu nhận thấy hồ sơ bảo đảm độ tin cậy thì nơi tiếp nhận không cần phải thực hiện việc kiểm tra chéo (kiểm tra giữa các địa phương nơi có hồ sơ chuyển đến và chuyển đi). Hầu hết, sai sót là từ các cơ quan quân sự nơi làm hồ sơ thương binh, trong đó, có một số trường hợp là người từ các địa phương khác chuyển đến.

(Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

“Đối với trường hợp hồ sơ thiếu một vài giấy tờ nhưng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng chi trả lại số tiền đã hưởng thì phải có đơn đề nghị xem xét để Sở LĐ-TB&XH báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến về hướng giải quyết. Những trường hợp không phải người có công, nhưng làm hồ sơ giả để hưởng chế độ thì kiên quyết thu hồi. Nếu không chấp hành hoàn trả tiền trợ cấp đã nhận sai quy định, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý” bà Lê Thị Trang Đài nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201901/21-ho-so-thuong-binh-co-van-de-xu-ly-nghiem-doi-tuong-gia-mao-de-chiem-doat-tien-che-do-835522/