221 nhân viên Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, bệnh nhân nói gì?

Nhiều bệnh nhân đưa ra quan điểm về vụ 221 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, chuyển công tác.

Theo khám định kỳ ở Bệnh viện Bạch Mai 10 năm nay, ông N.V.T., 61 tuổi, ở Bắc Giang chia sẻ, khi biết chuyện hơn 200 nhân viên tại đây nghỉ việc, ông có chút hoang mang, lo lắng. Nhưng là bệnh nhân nên ông thừa nhận chỉ quan tâm tới chất lượng dịch vụ, còn vấn đề nhân sự do lãnh đạo bệnh viện tự sắp xếp. Ông nói miễn sao cho người dân được lợi.

“Trước đây khi đi khám có khi tôi phải mất cả buổi sáng, tới viện tìm phòng cũng khó khăn. Nhưng một năm trở lại đây, khi tới Bạch Mai, ngay từ cổng đã có người hướng dẫn tới từng khu, phòng nên tôi chỉ mất một tiếng là xong. Tôi và nhiều bệnh nhân, người nhà của họ thấy dịch vụ nơi đây thay đổi nhiều, theo chiều hướng tốt hơn. Từ xe điện, ô che nắng, máy sưởi hay thậm chí cả nhà vệ sinh cũng sạch sẽ. Tôi rất yên tâm và hài lòng với dịch vụ bây giờ của Bệnh viện Bạch Mai”, ông T. chia sẻ.

Người dân tới thăm khám ở Bệnh viện Bạch Mai sẽ có người hướng dẫn đi tới các khoa, phòng ngay từ cửa vào.

Người dân tới thăm khám ở Bệnh viện Bạch Mai sẽ có người hướng dẫn đi tới các khoa, phòng ngay từ cửa vào.

Ông L.Đ.P., 51 tuổi, ở Bắc Ninh cũng đưa người nhà tới khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông kể, trước đây đi khám ở Bạch Mai, ông phải đến xếp hàng chờ từ 2h sáng để làm các thủ tục chụp tim phổi, xét nghiệm máu… Nhưng nay thủ tục thăm khám tại đây thay đổi rất nhiều, ông P. rất vui.

“Nghĩ cảnh lọ mọ dậy sớm rồi 2h sáng lên Bạch Mai xếp hàng mà tôi vẫn còn sợ. Giờ bệnh viện thay đổi, chất lượng dịch vụ được nâng cao, nhà vệ sinh sạch sẽ, đến nước uống còn miễn phí, các thủ tục cũng được cải tiến, rút gọn hơn thì bệnh nhân chúng tôi được nhờ. Còn nhân sự vừa qua thay đổi thế nào chúng tôi có đọc báo và được biết. Nhưng thay đổi mà tích cực hơn cũng tốt chứ”, ông P. nói.

Nhân viên y tế sẽ thay người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh nhân nghèo hưởng lợi

Nhiều năm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ông P.C.M., 76 tuổi, ở Bắc Giang cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bệnh viện này. Theo ông M., những thay đổi đó có lợi cho người bệnh và người nhà, đặc biệt là người nghèo vì giúp họ giảm bớt được gánh nặng về kinh tế.

Trước đây khi điều trị, lúc nào ông cũng phải có người thân “kè kè” bên cạnh để chăm sóc, khiến việc ăn uống, sinh hoạt bị ảnh hưởng và rất tốn kém. Nhưng nay phòng của ông đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng lo hết phần việc này. “Chuyện ăn uống họ cũng lo hết, ngày ba bữa 100.000 đồng, giá rẻ lại đa dạng. Hôm nào không muốn ăn thì báo hủy để bệnh viện sắp xếp. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đều bệnh viện lo hết", ông M. nói.

Những trường hợp bệnh nhân phải đi xa, hoặc ảnh hưởng của sức khỏe không thể đi lại, bệnh viện bố trí xe điện để đưa đón.

Là trưởng xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, anh Mai Anh Tuấn, 45 tuổi, ở Hà Nội nhận định, sự thay đổi của Bệnh viện Bạch Mai thời gian vừa qua đều theo hướng có lợi cho những bệnh nhân như anh. Dù chất lượng nâng cao nhiều, nhưng bệnh nhân lại không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào.

Khi nghe tin hơn 200 nhân viên, bác sĩ ở Bạch Mai nghỉ việc, anh đoán là bệnh viện "đang có vấn đề". Tuy nhiên, không rõ những khoa phòng khác thay đổi thế nào, nhưng tại nơi anh và nhiều bệnh nhân khác đang chạy thận thì cảm thấy mọi thứ dần tốt hơn.

“Những người chạy thận như chúng tôi từng sợ nhất là lúc giao ca. Giờ khác rồi, một ca chạy thận của tôi luôn có người trực 24/24 liên tục. Giường bệnh cũng được đánh số và chuông để khi cần bệnh nhân có thể ấn thông báo để có người can thiệp ngay. Chẳng biết việc hơn 200 người nghỉ ảnh hưởng thế nào, nhưng cá nhân tôi là bệnh nhân nghèo thì nhận thấy sự thay đổi này tốt cho người dân. Bệnh nhân cũng được quan tâm đúng nghĩa hơn”, anh Tuấn nói.

Anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận ở Lê Thanh Nghị rất vui vì Bệnh viện Bạch Mai thay đổi, những bệnh nhân nghèo như anh sẽ được hưởng lợi.

Tương tự, khi được hỏi về việc hơn 200 cán bộ, nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc và chuyển công tác, nhiều bệnh nhân khác đều cho rằng đó là sự sắp xếp riêng của lãnh đạo bệnh viện. Là người bệnh nên họ tất cả chỉ quan tâm tới chất lượng dịch vụ. Còn lại nếu có bất kỳ thay đổi nào mà giúp bệnh viện được tốt lên thì cũng là việc nên làm, vì việc đó đem lại lợi ích cho người dân.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, thuộc nhóm những bệnh viện lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê, mỗi ngày nơi đây tiếp nhập khoảng 6.000 đến 7.000 người đến thăm khám và hàng nghìn người điều trị nội trú.

Trong năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa hơn 1 tháng do ghi nhận có ca nhiễm COVID-19. Đáng chú ý, cựu Giám đốc bệnh viện là ông Nguyễn Quốc Anh và một số nhân sự cũ của Bạch Mai cũng bị bắt đề phục vụ công tác điều tra vụ mua sắm trang thiết bị y tế tại đây.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/221-nhan-vien-benh-vien-bach-mai-nghi-viec-benh-nhan-noi-gi-ar607389.html