23 cây gỗ giổi cổ thụ ở Bình Định bị đốn hạ vô chủ?

Theo lý thuyết, 23 cây gỗ giổi cổ thụ vừa được phát hiện bị lâm tặc đốn hạ tại khoảnh 4 tiểu khu 142 và khoảnh 8 tiểu khu 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, nằm trong diện tích rừng do BQL Rừng phòng hộ (BQL RPH) huyện Vĩnh Thạnh quản lý...

“Lỗ hổng” chết người

BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trên thực tế, đơn vị này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) diện tích rừng nói trên. Nói cách khác, BQL chưa thực sự là chủ rừng, đây là 1 trong những lý do cánh rừng tự nhiên nói trên bị “bỏ ngỏ", lâm tặc mặc sức tàn phá.

Theo ông Trần Phước Phi, PGĐ phụ trách BQL, năm 2007, sau khi tách ra từ Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh được giao quản lý 14.290ha rừng phòng hộ.

Ông Trần Phước Phi, Phó GĐ phụ trách BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh

Năm 2009, thực hiện Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 28/2/2008 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có 14.741,5ha rừng và 8.173,4ha đất lâm nghiệp không có rừng được quy hoạch rừng phòng hộ, thuộc UBND các xã, thị trấn quản lý về mặt hành chính, chưa có chủ rừng đích thực.

Đây lại là những khu rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu đầu nguồn hồ chứa nước các công trình thủy lợi, thủy điện và rừng di tích lịch sử. Đối tượng rừng và đất rừng nói trên luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Để quản lý, UBND huyện Vĩnh Thạnh giao BQL RPH huyện lập phương án quản lý, bảo vệ rừng, báo cáo để UBND huyện báo cáo UBND tỉnh Bình Định giao những diện tích rừng chưa có chủ cho BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh.

Ông Trần Phước Phi giải thích nguyên do chậm trễ: “Muốn được cấp sổ đỏ chúng tôi phải thuê đơn vị chuyên môn đo đạc hiện trạng, thống kê, xác định trữ lượng, khoản phí này là khá lớn, đơn vị chúng tôi không kham nổi nên chưa làm được”.

Số diện tích rừng được giao thêm cho đến nay là khoảng 20.000ha, trong đó có khu rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 142 và 145 nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, tổng cộng BQL đang quản lý khoảng 35.000ha. Từ đó đến nay đã gần 10 năm, nhưng hiện diện tích rừng được giao thêm vẫn chưa được cấp thẩm quyền cấp sổ đỏ.

“Gánh nặng” thiếu nhân lực

Sau khi vụ lâm tặc đốn hạ 23 cây gỗ giổi cổ thụ nằm tại khoảnh 4 tiểu khu 142 và khoảnh 8 tiểu khu 145 do BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh quản lý bị phát hiện, ông Trần Phước Phi giải trình với các cơ quan báo chí: “Mặc dù diện tích rừng được giao thêm chưa được cấp sổ đỏ, nhưng chúng tôi cũng không bỏ mặc, vẫn tổ chức tuần tra định kỳ. Nhưng do nhân lực quá thiếu, nên chỉ chú tâm đến các điểm nóng, những vùng rừng dưới thấp, gần đường giao thông, nhất là vùng rừng giáp ranh với huyện KBang (Gia Lai) có nguy cơ cao bị lâm tặc tấn công. Do đó, vùng rừng thuộc tiểu khu 142 và 145 nằm trên đỉnh núi, xa đường giao thông, chúng tôi không nghĩ lâm tặc sẽ tổ chức khai thác ở đây nên không lập chốt bảo vệ rừng”.

Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, làm việc với báo chí

Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến 23 cây gỗ giổi cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ khiến dư luận dậy sóng suốt mấy ngày qua. Trước vụ khai thác gỗ trái phép “tày đình” này, dẫu BQLRPH huyện Vĩnh Thạnh chưa phải là chủ rừng thực thụ, nhưng đơn vị này vẫn phải “đứng mũi chịu sào” về mặt trách nhiệm.

Chúng tôi có buổi làm việc với ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, về trách nhiệm của địa phương khi để xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép có khối lượng lớn nói trên, buổi làm việc có ông Trần Phước Phi tham gia, ông Phi “ca thán” thêm về vấn đề nhân lực.

Khi mới thành lập, BQL được giao 14.290ha rừng phòng hộ với 15 biên chế. Đến nay, khi diện tích rừng đã được giao lên đến 35.000ha, mà nhân lực của đơn vị cũng chỉ 15 người. “Theo quy định, 1 người quản lý 700ha rừng, như vậy với 35.000ha rừng đơn vị chúng tôi phải cần đến 50 người để thực hiện nhiệm vụ, trong khi hiện chúng tôi chỉ có 15 người”, ông Phi nói.

“Vừa qua BQL RPH huyện Vĩnh Thạnh thuê đơn vị tư vấn chỉ có chức năng quy hoạch rừng, không có chức năng quy hoạch đất, nên hồ sơ không được hội đồng thẩm định chấp thuận, bởi theo quy định giao đất gắn với giao rừng. Hiện mọi thủ tục đã được làm hoàn tất và đã gửi cho Sở NN-PTNT cùng Sở TN-MT, chỉ chờ các Sở trình UBND tỉnh ký quyết định giao quyền cho chủ rừng là BQLRPH huyện Vĩnh Thạnh”, ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh.

VŨ ĐÌNH THUNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/23-cay-go-gioi-co-thu-o-binh-dinh-bi-don-ha-vo-chu-post223865.html