24 triệu USD thành lập khu bảo tồn voi ở Quảng Nam

Sau khi đàn voi 7 con được phát hiện ở Quảng Nam, Chính phủ Mỹ phối hợp cùng địa phương thành lập khu bảo tồn voi tại đây.

Đoàn Đại sứ quán Mỹ và chính quyền Quảng Nam trực tiếp khảo sát nơi có voi ở. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngày 7/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ngài Ted Osius đã đến trụ sở xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) để cùng Bộ Nông nghiệp và chính quyền sở tại thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.

Người dân tận thấy đàn voi 7 con

Khu bảo tồn voi có diện tích gần 19.000 ha, nằm trên địa phận hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, do kiểm lâm Quảng Nam quản lý, sẽ bảo vệ sinh cảnh cho một trong những quần thể cuối cùng của loài voi châu Á đang nguy cấp tại Quảng Nam.

Voi xuất hiện ở huyện Nông Sơn đã từ lâu. Năm 2011, hai bộ xương voi được phát hiện tại xã Quế Lâm. Nhiều lần người dân tận thấy đàn voi, hoặc phát hiện dấu chân voi, vết cây bị quật ngã. Nạn săn bắt, buôn bán trái phép ngà voi khiến nhiều voi đực đã bị giết hại.

Năm 2015, Tổng cục Lâm nghiệp lựa chọn Quảng Nam nằm trong vùng dự án "khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam". Đoàn chuyên gia được cử đến phối hợp với kiểm lâm địa phương khảo sát voi trên địa bàn, ghi nhận ở Quế Lâm có đàn voi 6 đến 7 con có đầy đủ voi đực, cái, nhỡ và voi con.

Tháng cuối tháng 1 và tháng 7 vừa qua, đàn voi gồm 6 con lớn và một voi con xuất hiện ở bìa rừng xã Quế Lâm. Trên đường đi, đàn voi dẫm vỡ một số ống dẫn nước từ núi về khu dân cư. Chúng dừng lại ở ven suối Khe Dứa, Khe Cắt giáp ranh giữa xã Quế Lâm và Phước Ninh để uống nước.

Người dân địa phương được kiểm lâm thông báo việc đàn voi xuất hiện, đồng thời khuyến cáo ít đi lại, không được ngủ qua đêm trong các chòi canh nương rẫy, đề phòng xung đột với đàn voi và bị tấn công. Bên Khe lớn (một nhánh của sông Thu Bồn) đàn voi thỏa thê tắm mát, phơi nắng.

"Người dân lại gần cách đàn voi khoảng 50 mét nên dễ dàng quan sát. Mỗi khi voi về bên bờ suối, nó phát ra tiếng kêu lớn nghe như còi xe tải", anh Phúc, nhà cạnh Khe Lớn nói và cho biết nơi ở chính của voi là khu rừng nguyên sinh cách bờ suối chỉ khoảng 2km.

Voi châu Á được xếp vào loại EN - nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới, loại CR - cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB - loài nguy cấp quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định 32 của Chính phủ.

Lo được sinh kế, người dân sẽ là người bảo vệ rừng

Đại sứ Ted cho biết, mục đích của Chính phủ Mỹ khi tham gia dự án là cải thiện sinh kế cho người dân. Cách tốt nhất bảo tồn được đa dạng sinh học ở Quế Lâm và Phước Ninh là 20 nghìn người dân địa phương có được việc làm.

"Điều quan trọng là làm sao để tất cả mọi người cùng hiểu và tham gia vào công tác bảo tồn. Tôi thực sự mong một ngày nào đó tôi sẽ mang những đứa trẻ nhà tôi đến đây, và chúng sẽ thấy được câu chuyện bảo tồn voi ở Quảng Nam tốt như thế nào", ông Ted nói.

Theo đại sứ, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế (USAID) sẽ hỗ trợ 24 triệu USD (tương đương hơn 540 tỷ đồng). Nếu kêu gọi được thêm các nhà đầu tư tư nhân thì nguồn hỗ trợ sẽ còn được tăng lên, vì Quảng Nam là địa phương quản lý tốt và sử dụng đúng mục đích nguồn lực .

"Có voi xuất hiện thì rất mừng, nhưng cũng rất lo", ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, nói. Khi báo chí tuyên truyền việc voi về làng, được rộng rãi nhân dân để ý nhưng cũng lo lâm tặc sẽ tìm đến săn bắn, chính quyền sở tại phải cắt cử nhiều đoàn đi bảo vệ.

Khi hỏi huyện sẽ tạo sinh kế cho người dân như thế nào, ông Trung thật thà nói: "Cũng chưa biết tạo cái gì". Trong suy nghĩ hiện giờ của vị chủ tịch huyện, là làm cách nào đó để giao đất lại cho dân sản xuất dưới tán rừng. Ông kiến nghị giao rừng cho dân quản lý, trả chi phí cho dân. "Chính người dân mới là những người bảo vệ rừng thực sự", ông nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cho biết địa phương đang có 4 khu bảo tồn, với hơn 140 nghìn ha rừng đặc dụng, trong đó có bảo tồn Sâm Ngọc Linh, sao la, voi... "Đây là một trong những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam khi đánh giá được sự cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn được các loài động vật quý hiếm", ông nói.

"Trách nhiệm của chính quyền địa phương và kiểm lâm là phải tuyên truyền cho người dân hiểu được trách nhiệm phải bảo vệ đàn voi, bằng cách nào đó để vừa chung sống hòa bình với voi nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của bà con", ông nói thêm.

Sau lễ công bố thành lập Khu bảo tồn voi, đại sứ Ted Osius đã cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam băng rừng để lắng nghe tâm tư của những người dân xã Quế Lâm từng trực tiếp bắt gặp đàn voi. Ngài đại sứ không ngần ngại xắn quần băng qua con suối nơi đàn voi lui về uống nước, hay đi men theo con đường mòn để quan sát khu rừng voi sinh sống.

Trước lúc chào tạm biệt, ngài đại sứ cài lên áo vợ chồng ông Bảy Công ở thôn Cấm La (xã Quế Lâm) biểu tượng hai lá cờ Mỹ và Việt Nam được gắn liền với nhau. "Đây là biểu tượng cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ", ông nói bằng tiếng Việt và nở nụ cười.

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/moi-truong/24-trieu-usd-thanh-lap-khu-bao-ton-voi-o-quang-nam-58782.html