25 năm âm thầm nơi xã hội 'giang hồ dậy sóng'

Cũng là bác sĩ nhưng họ phải giấu nghề, không dám nói nơi công tác vì lo sợ mọi người kỳ thị, xa lánh. Họ gọi công việc của mình là nơi xã hội 'giang hồ dậy sóng'.

Không tấp nập người ra người vào như nhiều bệnh viện thông thường khác, cánh cổng Bệnh viện 09 nằm trên đường 70 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) - nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS luôn im ắng lạ thường.

Ít ai biết rằng phía sau vẻ ngoài bình yên ấy là một xã hội “giang hồ dậy sóng". Hầu hết những bệnh nhân nội trú tại đây đều xuất thân từ nghiện ma túy và mại dâm, bị nhiễm HIV/AIDS.

Bệnh viện 09 - Nơi điều trị các bệnh nhân mắc HIV/AIDS

Bệnh viện 09 - Nơi điều trị các bệnh nhân mắc HIV/AIDS

Không dám nói mình là bác sĩ điều trị HIV/AIDS

Cũng là ngành y, làm nghề chữa bệnh, cứu người nhưng có lẽ các bác sĩ tại Bệnh viện 09 đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bác sĩ ở bệnh viện khác. Thậm chí, vì tính chất đặc thù của công việc, không ít bác sĩ đã phải giấu nghề, không dám nói nơi công tác vì sợ… bị mọi người kỳ thị, xa lánh.

Trải lòng với PV Gia đình Việt Nam, bác sĩ Đỗ Thanh Hải - Trưởng khoa Lao (Bệnh viện 09) cho hay, ông đã gắn bó với môi trường “đặc biệt” này hơn 25 năm. Tuy nhiên, suốt mấy chục năm làm nghề ấy, ông “không dám” nói với mọi người về công việc cụ thể của mình.

“Mọi người cũng chỉ biết tôi làm bác sĩ nhưng khi hỏi làm cụ thể ở đâu thì tôi cũng nói chung chung chứ không nói ở Bệnh viện 09 - điều trị cho các bệnh nhân mắc HIV/AIDS. Dẫu sao, mình nên tránh cho bản thân và con cái những ảnh hưởng không đáng có”, bác sĩ Hải tâm sự.

Theo nam bác sĩ, với những người tầm tuổi thì có thể giải thích dễ dàng cho họ hiểu về tính chất công việc, mức độ an toàn khi làm nghề nhưng với lứa tuổi khác, ông lo sợ khó, sợ các con đi học bị bạn bè trêu đùa, phân biệt đối xử vì công việc của bố đang làm.

“Hiểu biết của mỗi người khác nhau, có người hiểu nhưng cũng có người chưa hiểu. Do vậy, tôi không quảng bá ngành nghề của mình, những ai giúp đỡ được thì tôi sẽ giúp.

Các con tôi cũng chỉ biết bố mẹ là bác sĩ, nhưng khi các cháu lớn thì các cháu tự hiểu công việc đặc thù của bố mẹ”, bác sĩ Hải cho hay.

Bác sĩ Đỗ Thanh Hải - Trưởng khoa Lao (Bệnh viện 09)

Lý giải nguyên nhân nhiều người “ngại” tiếp xúc với các bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện 09, vị trưởng khoa Lao cho hay, không ít người nghĩ rằng đây là bệnh viện điều trị bệnh nhân HIV, là nơi chuyên cai nghiện ma túy nên các bác sĩ ở đây cũng rất “đáng sợ”. Không chỉ có vậy, họ còn lo lắng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân sang bác sĩ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải những người làm trong viện 09 lại thường là những người an toàn nhất. Bởi lẽ, họ biết ai là người mắc HIV/AIDS, nắm vững được nguồn lây từ đâu, phòng tránh bệnh như thế nào thay vì ở bên ngoài “lộm nhộm” không biết ai mắc bệnh rồi không may tiếp xúc, nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

“Khi xác định vào bệnh viện, 100% đối tượng của chúng tôi đều bị nhiễm HIV/AIDS, chính vì thế chúng tôi có sự chủ động, thậm chí an toàn hơn bên ngoài. Vì mọi người nhiều khi không biết ai mắc bệnh HIV/AIDS để phòng tránh”, bác sĩ Hải cho hay.

Chuyển công tác vì "sức nặng" công việc

Làm việc trong một môi trường đặc biệt, các bác sĩ Bệnh viện 09 không chỉ đối mặt với những dư luận bên ngoài, nỗi vất vả, sự nguy hiểm trong công việc mà đôi khi còn phải căng mắt, động não để đối phó với nhiều “kiểu bệnh” của những người điều trị tại đây.

“Có những bệnh nhân đóng kín cửa, nhai kẹo cao su rồi bắn bã kẹo lên trần nhà, bác sĩ gọi nhất quyết không mở cửa do mắc bệnh hoang tưởng. Khi người bệnh đã lên cơn nghiện thì không nói trước được điều gì”, bác sĩ Hải tâm sự.

Bác sĩ Hải thăm khám và động viên bệnh nhân đang điều trị tại viện

Trước vô vàn những áp lực đó, bác sĩ Hải cho hay không ít bác sĩ đã phải tạm biệt nơi đây, chuyển công tác. Thậm chí có người bỏ hẳn việc, ra ngoài làm công việc khác vì nhiều lý do khác nhau.

“Có những bác sĩ muốn đến thử sức nhưng làm được thời gian ngắn rồi một đi không trở lại. Cũng không ít người chỉ xem đây là “chốn tạm” trong lúc tìm đường”, bác sĩ Hải đượm buồn khi nhắc về điều này.

Tuy nhiên, đó chỉ là số ít vì vẫn còn rất nhiều nhân viên, y, bác sĩ đã, đang và tiếp tục gắn bó với công việc đặc biệt này, say sưa với bệnh nhân của mình tại Bệnh viện 09. Có lẽ, sợi dây của cái nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và trên hết là trái tim nhân ái đã liên kết và gắn bó họ keo sơn đến vậy.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/25-nam-am-tham-noi-xa-hoi-giang-ho-day-song-d189252.html