25 năm xa quê…

Sau những hồi hộp đợi chờ, năm nay, chúng tôi - những người đi hợp tác lao động ở thời Đông Đức (cũ) đã tổ chức một cuộc gặp mặt trong niềm hạnh phúc hân hoan. Buổi gặp gỡ là sự đánh dấu 25 năm ngày chúng tôi đặt chân lên nước Đức.

Mỗi dịp Tết đến, lễ hội mừng Xuân

luôn được bà con kiều bào ở Đức háo hức chờ đón

Với tinh thần "không có việc gì khó” và lòng nhiệt tình vô bờ bến, các anh, chị em "đội chủ nhà” đã tổ chức một đêm họp mặt vô cùng ấm áp, chu đáo và vui vẻ. Buổi tiệc Buffet với đủ món ăn mang đậm bản sắc quê hương, cứ như tiệc của những nhà hàng cỡ lớn ở Việt Nam. Khỏi phải nói chúng tôi đã mừng rỡ đến thế nào khi sau bao năm xa cách mới lại được ôm trọn nhau trong vòng tay ấm áp. Những tiếng la hét, reo hò trong vui sướng chen lẫn những tiếng trầm trồ, xuýt xoa cứ vang lên không dứt trên mảnh sân trước cửa hội trường mỗi khi có một gia đình đội viên đi tới. Có những gương mặt không mấy thay đổi theo thời gian, nếu chẳng xưng tên vẫn nhận ra nhau. Nhưng cũng có những người nếu gặp ở ngoài đường, không một lời giới thiệu, có nghĩ "nát óc” cũng chẳng ra. Đúng là thời gian có sức tàn phá vô cùng mãnh liệt và chẳng chừa một ai.

Ngày đó chúng tôi còn rất trẻ, toàn nam nữ thanh niên vừa rời ghế nhà trường. Vì hoàn cảnh mà "phải” ra đi tìm đường "cứu nước”, "cứu nhà”. Và còn một lý do nữa cũng không kém phần hấp dẫn, đó là nơi chúng tôi sang xuất khẩu lao động lại là nước CHDC Đức - một lựa chọn hàng đầu cho những thanh niên đang háo hức "đi Tây”. Mang trong mình cả bầu nhiệt huyết tuổi trẻ với mơ ước khám phá những chân trời xa lạ, chúng tôi đã khấp khởi, vui mừng nhằm hướng phi trường mà thẳng tiến. Chỉ khổ cho những ông bố, bà mẹ, dù lòng rất vui khi thấy ước mơ của gia đình, của con mình đã thành sự thật nhưng cũng không khỏi bùi ngùi, đau thắt cả gan ruột khi nghĩ đến giây phút phải xa con đang gần kề. Khỏi phải nói đến sự hồi hộp, bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đi máy bay, lần đầu tiên xa nhà, lại xa đến vạn dặm như vậy. Trí tò mò và sự hồi hộp đã khiến chúng tôi mải mê ngắm nghía, chìm đắm trong "biển người” với bao hình ảnh mới lạ mà quên rằng mình sắp phải xa gia đình. Chỉ đến khi yên vị trên máy bay, nhìn lại quê hương qua khung cửa tròn tròn, nhỏ xíu, cố dõi mắt để tìm xem đâu là hình bóng cha, mẹ và người thân thì cái cảm giác mất mát điều gì đó vô cùng lớn lao mới dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Cảm giác đau thắt gan ruột ngày càng trở nên rõ ràng, cuốn phăng chúng tôi đi bằng những tiếng khóc nức nở mà không sao kìm nén được. Vậy là từ nay tôi đã phải xa gia đình, xa bạn bè để một mình lập thân nơi đất khách khi tuổi đời chưa kịp tròn 18…

Quãng đời sống xa quê với bao bỡ ngỡ, khó khăn khi phải làm quen với một phong cách sống, phong cách làm việc hoàn toàn mới lạ đã khiến chúng tôi nhiều lần bật khóc. Không khóc sao được khi lúc nào nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ gia đình, bè bạn lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Trong khi đó tiếng Đức thì chưa đủ giỏi để hòa nhập với xã hội, khí hậu thì khắc nghiệt, băng tuyết lạnh tái tê, vốn là "kẻ thù” của những người quen sống ở phương Nam ấm áp. Ấy vậy mà cứ đều đều 3 - 4 giờ sáng đã phải cắn răng chui ra khỏi chăn ấm để ra bến xe, bến tầu cho kịp giờ làm. Nhưng may mắn là bên cạnh nỗi gian khó, chúng tôi cũng được đón nhận rất nhiều điều ngọt ngào, ấm áp của tình người bản xứ. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được cái cảm xúc lần đầu khi đặt chân vào ngôi nhà mà từ nay mình sẽ gắn bó. Cả căn hộ còn nồng nồng mùi vôi mới, ga giường trắng tinh, bàn, ghế bóng loáng không một hạt bụi. Phòng tắm thì có đầy đủ cả mấy sấy, máy giặt, bồn tắm nằm trắng bong, thơm phức. Thức ăn từ thịt, cá, gà, đồ hộp... đến các loại mì, nui, gạo, mắm, muối, sữa, trứng, nước ngọt, nước suối các loại chất đầy, phòng 5 người ăn cả tuần chưa hết. Tất cả cứ ngẩn ngơ, lâng lâng như lạc vào một thế giới khác. Mở tủ cá nhân của từng người, còn có sẵn từ bộ đồ ngủ cho đến bàn chải, kem đánh răng, giấy viết thư, phong bì... Cảm giác ấm áp, dễ chịu khi được tiếp đón bằng cả vòng tay yêu thương trìu mến, đã khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi dù vừa trải qua quá trình di chuyển kéo dài cả ngày trời.

Khi bức tường Berlin sụp đổ. Cộng đồng người Việt bên đây lại đứng trước một thử thách mới: nhận tiền đền bù rồi về nước hay liều ở lại tìm vận may? Sau một thời gian trăn trở, nghĩ suy đội chúng tôi cũng có hơn một nửa đã ở lại. Phải trải qua bao gian nan, thử thách vì giờ đây tất cả phải "tự thân vận động”, không có nhà nước hay chính phủ nào hỗ trợ. Nhưng cuối cùng cộng đồng người Việt nói chung và các anh, chị em trong đội của tôi nói riêng, với tính cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn vốn có cũng đã vượt qua được mọi khó khăn, an cư, lạc nghiệp nơi đất khách. Hầu hết ai cũng có nhà riêng và một công việc ổn định, dù là tự kinh doanh hay đi làm cho các hãng xưởng. Đó chính là nền tảng vững chãi cho thế hệ thứ hai, thứ ba phát triển một cách chắc chắn và xuất sắc, làm rạng danh cho hai tiếng Việt Nam.

Cộng đồng người Việt nói chung với tính cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn vốn có cũng đã vượt qua được mọi khó khăn, an cư, lạc nghiệp nơi đất khách. Hầu hết ai cũng có nhà riêng và một công việc ổn định, dù là tự kinh doanh hay đi làm cho các hãng xưởng. Đó chính là nền tảng vững chãi cho thế hệ thứ hai, thứ ba phát triển một cách chắc chắn và xuất sắc, làm rạng danh cho hai tiếng Việt Nam.

Kim Anh

(Dillingen - tiểu bang Bayern, CHLB Đức)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75246&menu=1434&style=1