27 kì về câu chuyện sách giáo khoa

Năm 2018 là năm ấn tượng đặc biệt đối với một phóng viên theo dõi lĩnh vực giáo dục như tôi. Bởi đó không chỉ là năm cả xã hội rúng động trước vụ việc tiêu cực gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong kì thi THPT quốc gia (nay là kì thi tốt nghiệp THPT) mà còn là 'đêm trước đổi mới' chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới.

Vụ việc gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam tạm lắng xuống, để chờ kết luận của cơ quan điều tra, khoảng giữa tháng 8/2018, thông tin thiếu SGK cục bộ từ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đến miền hải đảo xa xôi được báo chí phản ánh. Chỉ còn cách ngày khai giảng năm học mới 2 tuần, phụ huynh vẫn phải chầu chực xếp hàng tại các nhà sách để tìm mua SGK cho con em đi học như thời tem phiếu. Sau những thông tin phản ánh ban đầu, SGK trở thành nút thắt để tôi bắt đầu hành trình bóc tách phần chìm của tảng băng nổi này.

SGK và nỗi niềm của phụ huynh Việt Nam Ảnh: Như Ý

Câu chuyện mở đầu bằng tình trạng học sinh được viết trực tiếp không chỉ sách bài tập mà cả SGK. Những bài tập in trong SGK thay vì học sinh phải giải trong vở thì có luôn phần giải trong sách. Việc này được thực hiện từ bậc tiểu học cho đến THPT. Chính vì vậy, phụ huynh luôn than thở em lớp dưới không học được sách của anh, chị lớp trên. Cũng từ dữ liệu ban đầu đó, những câu chuyện về xuất bản SGK được mở dần từng lớp, từng lớp và qua mỗi lớp có thể thấy những ngõ ngách mạng nhện giăng lợi ích nhóm.

Ngày đó tôi đã sử dụng cụm từ “tiểu xảo” để chỉ những người làm SGK theo chương trình cũ. Tiểu xảo bởi vì họ đã “cài bẫy” phụ huynh để mua SGK mới cho con em. Có tác giả viết SGK đã gọi điện phân trần tỉ lệ cho viết chỉ rất nhỏ, không đáng kể, rằng họ làm thế là tạo thuận lợi cho học sinh. Sách bài tập thay cho vở viết và rẻ hơn một chút. Nhưng thực chất họ đang đánh tráo khái niệm. Bởi không chỉ có sách bài tập mà ở SGK, học sinh đều có thể viết lời giải cho bài tập được đưa ra. Và quan trọng hơn, những người bán sách có quyền “bán bia kèm lạc”, sách bài tập bỗng chốc giống như SGK, không thể thiếu với học sinh.

Trong khi các nước phát triển, học sinh được miễn phí SGK, thì mỗi năm phụ huynh Việt Nam phải móc hầu bao hơn 1 nghìn tỷ đồng để mua khoảng 100 triệu cuốn SGK các loại. Ðiều đáng nói, sau 1 năm đa số “núi” sách khổng lồ này không thể tái sử dụng vì học sinh đã giải bài tập thẳng vào sách.

Những kì đầu xuất bản đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tại kì họp Thường vụ Quốc hội năm đó, các đại biểu đã đặt dấu hỏi trách nhiệm về việc cho phép học sinh viết vào SGK. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là GS. TS Phùng Xuân Nhạ đã phải ban hành chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các trường phổ thông, trong đó yêu cầu giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào SGK.

Sự việc có lẽ đã vượt qua tầm dự đoán của những người trong cuộc. Chính vì vậy, tôi cũng nhận được một số cuộc điện thoại bức xúc vì không có quy định nào yêu cầu bắt buộc học sinh phải viết vào SGK. Thậm chí có tác giả viết sách còn dọa “kiện”.

Tác nghiệp tại kì thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2023 Ảnh: Mạnh Thắng

Phía sau câu chuyện viết vào SGK chính là độc quyền in, phát hành SGK. Suốt bao thập kỉ, đơn vị in và phát hành SGK duy nhất ở Việt Nam là NXB Giáo dục Việt Nam. Họ được tự tung, tự tác trên thị trường. Chỉ riêng số lượng SGK hằng năm được in ra đã bằng bao nhiêu lần in sách của nhiều NXB khác cộng lại. Sách tham khảo cũng theo chân SGK vào trường học với mọi hình thức. Tôi cảm thấy choáng ngợp trước các dữ liệu về SGK mà mình thu thập được. Hóa ra, suốt một thời gian dài, người dân nai lưng kiếm tiền nuôi con em ăn học cũng là đóng góp một phần không nhỏ để nuôi sống, mang lại lợi nhuận “phi mã” cho NXB Giáo dục Việt Nam. Họ có thể không sống bằng SGK nhưng sách tham khảo chính là một miếng bánh béo bở mà NXB này có một lợi thế vượt trội.

Tuy vậy, chương trình, SGK cũ thời điểm đó đã sắp hết vai trò lịch sử. Với chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK, cấp quản lí và người dân hy vọng mong muốn xóa thế độc quyền SGK, học sinh có nhiều hơn một lựa chọn để nâng cao chất lượng học tập. Nhưng khi đó, chúng tôi đã lùi lại một nhịp để đánh giá một cách thận trọng hơn vấn đề. Điều đó được thể hiện ở phần 2 của loạt bài về SGK: chống bắt tay nhau nâng giá SGK. Những nhìn nhận, dự báo của chúng tôi đã xảy ra trong thực tế thời gian qua. Thay vì không độc quyền SGK thì phụ huynh lại đang oằn lưng chi trả giá SGK cao gấp 2-3 lần SGK cũ.

Sau hơn một tháng triển khai, 27 kì báo được tôi và đồng nghiệp cùng theo dõi mảng giáo dục Nguyễn Hà hoàn thiện. Bức tranh khá toàn diện về miếng bánh ngàn lớp SGK được bóc tách từng mảng, trần trụi đến ngỡ ngàng. Có những lúc, tôi bất chợt tự hỏi, tại sao lại có thể xảy ra điều này với giáo dục? Có thể với Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam khi đó vẫn là “vùng cấm” chưa thể mạnh tay. Tuy kết quả tác động của loạt bài mới chỉ dừng lại ở việc Bộ GD&ĐT ra chỉ thị yêu cầu giáo viên không để cho học sinh viết, vẽ vào SGK nhưng có thể thấy những sự kiện tiếp theo của NXB Giáo dục Việt Nam (Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị vướng lao lí) là hệ quả tất yếu đã được nhìn nhận từ trước.

Thời gian đã qua đúng 1 nhiệm kì Bộ trưởng, nhưng tôi cũng không thể quên những chỉ đạo gần như là áp lực thông tin hằng ngày của cố Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, khi đó là Phó Tổng thư kí tòa soạn, kiêm phụ trách Ban Khoa giáo, báo Tiền Phong. Những buổi họp giao ban, anh và Ban biên tập luôn trao đổi, tìm hướng đi phát triển cho tuyến bài. Không chỉ phóng viên chuyên trách mà phóng viên theo dõi nghị trường của báo cũng phải xắn tay vào cuộc; phóng viên ảnh Như Ý cũng phải chạy long sòng sọc qua các nhà sách để nắm bắt các khoảnh khắc minh họa cho bài.

Gần 20 năm gắn bó với lĩnh vực giáo dục, tôi những tưởng các ngõ ngách của ngành đã thuộc làu làu. Nhưng trước những tư liệu về SGK, tôi mới thấy những hiểu biết của mình thật nông cạn. Ở đâu đó, luôn có những người lấy danh nghĩa vì sự nghiệp giáo dục để trục lợi cá nhân. Họ nói vì giáo dục nên họ mới cống hiến, tham gia viết SGK. Nhưng cũng chính họ tìm mọi cách để làm thế nào bán được nhiều sách nhất với giá cao nhất. Nếu không có những chỉ đạo, định hướng từ Ban Biên tập báo, SGK trước mắt tôi vẫn là vùng xám, bập bềnh không rõ thực hư.

Theo dõi ngành, không phóng viên nào muốn có những khoảng tối để đưa ra ánh sáng, nhất là giáo dục. Cũng từ năm 2018, nhiều nhà giáo vướng lao lí vì liên quan đến tiêu cực thi cử, đấu thầu thiết bị trường học, hay buông lỏng trách nhiệm trong quản lí. Đứng trước vành móng ngựa là người thầy, hẳn các cựu học sinh không khỏi những xót xa. Nhưng trước pháp luật, mọi người, mọi ngành nghề đều bình đẳng. Câu chuyện SGK vẫn chưa khép lại khi có những biến thể mới xuất hiện. Đánh giá công tâm, quyết sách hạn chế lợi ích nhóm sẽ mang lại lợi ích cho học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước.

Giáo dục luôn là ngôi đền thiêng ở mỗi quốc gia để phòng ngừa những “tà khí” thâm nhập vào con người từ những năm đầu đời. Dù muốn hay không, những phóng viên theo dõi giáo dục vẫn luôn đồng hành với phụ huynh, học sinh để cùng xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/27-ki-ve-cau-chuyen-sach-giao-khoa-post1587008.tpo