28/34 Sở Y tế kêu thiếu thuốc

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các địa phương về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ngày 29/6, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc.

Tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai

Cụ thể, tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long cho biết đơn vị này đã có thống kê vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học.

Kết quả cho thấy, 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương và đơn vị.

Những loại thuốc đang thiếu chủ yếu là thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…

Ngoài ra, 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.

Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu, như: Thiết bị phòng mổ; thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực; thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm chuyên sâu.

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: thời gian qua, do ảnh hưởng của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

“Việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các Bộ, Ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm;… là những nguyên nhân chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm

Chia sẻ về những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở KCB, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính bao gồm: Chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế…

“Đối với chính quyền các cấp, Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể để giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường nhân lực làm chuyên trách quản lý về trang thiết bị y tế tại Sở Y tế và các cơ sở y tế. Tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định về kê khai giá trang thiết bị y tế để phổ biến, tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn; tổ chức thực hiện đúng quy định, tránh việc chậm trễ trong mua sắm, đầu thầu trang thiết bị y tế” Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết thêm.

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/6, trong Thông báo số 192/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát tổng thể quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, chủ động ban hành quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ xem xét với những giải pháp vượt thẩm quyền.

Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương, chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế tập trung đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu về thuốc, thiết bị và vật tư y tế để chủ động lên kế hoạch đầu tư mua sắm; tăng cường công tác quản lý về dược; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc.

Rà soát, hoàn thiện, ban hành mới quy định về điều kiện, tiêu chí đối với thiết bị y tế; trên cơ sở đó, đẩy mạnh phân cấp hoạt động cấp phép, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm mua sắm của tuyến dưới theo quy định của tuyến dưới.

Hoàn thiện danh mục các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 11/7/2022.

B.Phương

Tổng hợp

Tin liên quan Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế
Không để bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
Hà Nội điều trị khỏi trên 90% bệnh nhân lao các thể

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/28-so-y-te-keu-thieu-thuoc-d201829.html