29/4/1975- 29/4/2023: Cuộc tháo chạy tán loạn

Ngày 29.4.1975, khi Đài phát thanh Quân lực Mỹ tại Sài Gòn phát đi lời thông báo 'Nhiệt độ bây giờ là 105 độ và tiếp tục tăng cao'- 105 degrees and rising, kèm theo là 30 giây của ca khúc quen thuộc ' White Christmas' qua giọng ca của nam ca sĩ Bing Crosby.

Thì tất cả những quân nhân, nhân viên CIA, phi công của lực lượng Air American của CIA và các viên chức Mỹ cùng thân nhân của họ hiểu rằng đã đến giờ cuối cùng ở Việt Nam, không thể chần chừ, phải tìm cách nhanh nhất đến các địa điểm đã được chỉ định để lên máy bay tiến hành cuộc di tản ra khỏi Sài Gòn.

Mỹ lập một cầu hàng không huy động tất cả các máy bay trực thăng có thể có, kể cả máy bay từ Hạm đội 7 Thái Bình Dương cũng hỗ trợ tăng cường để đưa người đi. Cuộc di tản đã trở thành một cuộc tháo chạy tán loạn của Mỹ vào những giờ cuối cùng của chiến tranh.

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

Đầu tiên, Mỹ còn rất “chảnh”, đặt cái tên mỹ miều cho cuộc rút chạy “ra đi có trật tự”.

Nhưng sang đến sáng ngày 30.4.1975, khi tiếng xe tăng Quân Giải phóng đang dần áp sát Sài Gòn, thì không chỉ là cuộc rút lui trật tự mà là trong "cơn lốc kinh hoàng" của cuộc tháo chạy mệnh danh "người liều mạng" rồi "móng quặp chặt", hàng ngàn người tranh nhau bám càng trực thăng trong cơn hoảng loạn.

Mặc dù từ ngày 10 tháng 4 năm 1975 Bộ chỉ huy quân Giải phóng đã tuyên bố: "Quân giải phóng lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho cố vấn Hoa Kỳ rút về nước bình an vô sự".

Nhà báo Hà Lan Huber Van Es đã chụp được tấm ảnh có thể nói là đi vào lịch sử viễn chinh đầy nhục nhã của Quân đội Mỹ tại Việt Nam. Tấm ảnh chụp cảnh chiếc máy bay trực thăng Air American bay trên nóc nhà số 22 Gia Long (Lý Tự Trọng bây giờ), hàng dây người bám theo chiếc thang lên máy bay trong khi máy bay đã dợm bay đi,bên dưới còn cả đám người kêu gào hoảng hốt.

Ảnh sau đó đã được gần như tất cả các Hãng Thông tấn báo chí nước ngoài đăng tải khi đưa tin về việc Sài Gòn giải phóng.

Ngày 3.4.1975, sau những cơn giận dữ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schlesiger và cố vấn Kissinger ở Washington vì sự nấn ná quá đáng của Đại sứ Martin ở Sài Gòn để cố tạo ra vẻ "người Mỹ đàng hoàng ra đi", Tổng thống Ford ra lệnh dứt khoát: "Chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 30 phút, giờ địa phương, sáng 30 tháng 4".

Tuy nhiên, lệnh không thi hành được.

4 giờ 20 phút, tiếp tục cuộc tháo chạy, một máy bay CH-53 đổ xuống lầu thượng tòa Đại sứ, Martin lại nhận được điện của Nhà Trắng: "Tổng thống ra lệnh đại sứ phải đi chuyến này". Martin vẫn chậm chạp.

Một nhân viên cấp dưới tỏ vẻ bực tức: "Lệnh là lệnh, đại sứ phải lên. mà lên ngay, vì quân đội Bắc Việt Nam đã ở dưới đường. Họ sẽ nổi giận và bắn chúng ta nếu họ thấy chiếc máy bay để ở đây lâu quá".

Nhà Trắng lại có lệnh rõ ràng: "Cầu hàng không ngừng lúc bản thân Martin đã đi".

Nhưng chiếc CH-53 chở Martin đã rời sân thượng, tòa Đại sứ Mỹ vẫn còn 5 nhân viên, 4 lính thủy đánh bộ người Mỹ và ngót 420 người Việt Nam phần đông là nhân vật cao cấp của Thiệu, nhân viên Sứ quán Nam Triều Tiên, đứng đầu là 1 thiếu tướng... Tất cả những người này chấp nhận bỏ hành lý để thoát cho được.

Moorefield, người được Martin chọn "giúp cai trị" ở tòa Đại sứ là người Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn lúc 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4. Ông ta kể lại cảnh tượng Sài Gòn lúc đó, nhìn từ bầu trời xuống: "Bình yên, phẳng lặng. Trừ một vài đám cháy ở đàng xa..."

Tom Polgar, nhân viên cao cấp ở tòa Đại sứ "Người nguy hiểm nhất đối với Martin" vì những nhận định, báo cáo lên Nhà Trắng cứ trái ngược, nhưng rất "hợp Martin" ở chỗ "chống cộng kịch liệt và ham thích nghiên cứu", cùng ngồi với Martin trên chiếc CH-53 trong cuộc tháo chạy tán loạn, đã ghi lại nhận xét của mình ngày hôm ấy: "Đó là một cuộc chiến tranh (chiến tranh Việt Nam) lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua.

Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải nhắc lại lịch sử".

48 năm đã trôi qua, những quân nhân và viên chức Mỹ có mặt trong ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam chắc không thể quên được cảm giác kinh hoàng của cuộc tháo chạy tán loạn ngày đó. Nó vẫn như ám ảnh trong cuộc sống của họ mỗi khi nhắc tới 2 chữ Việt Nam.

Trái tim người lính

Hoài Hương (tổng hợp tư liệu của Mỹ).

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/2941975-2942023-cuoc-thao-chay-tan-loan-a18714.html