3 bài thuốc trị viêm mũi mùa hè

Mùa hè với thời tiết mưa nắng thất thường, khói bụi bẩn… làm bệnh hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh viêm mũi.

Người bị viêm mũi thường có các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau nhức vùng mũi... Các triệu chứng này làm cho người bệnh khó chịu, điều trị lại thường dai dẳng.

Về nguyên lý cần vệ sinh sinh mũi họng thường xuyên, nâng cao thể trạng của cơ thể bằng thảo dược, tập luyện thể thao.

Theo nguyên lý Đông y, nhân cường tật nhược, tăng cường chính khí cơ thể thì bệnh thoái lui.

Liên kiều vị thuốc chủ dược trong bài "Ngân kiều tán" trị viêm mũi.

Liên kiều vị thuốc chủ dược trong bài "Ngân kiều tán" trị viêm mũi.

Một số bài thuốc trị viêm mũi như sau:

1. Bài "Ngân kiều tán" trị viêm mũi mùa hè

- Thành phần: Liên kiều 12g, cát cánh 08g, đạm trúc diệp 12g, kinh giới tuệ 8g, đậu xị 6g, ngưu bàng 12g, kim ngân hoa 20g, bạc hà 8g, cam thảo 6g.

- Cách dùng:Tất cả các vị thuốc trên cho vào nồi đổ 1 lít nước, đun sôi rồi cho nhỏ lửa, đun cạn còn 300ml, chia ra 2 lần, uống sáng chiều, sau ăn 30 phút.

- Tác dụng: Điều trị viêm mũi, nhức mũi, cảm cúm có phát sốt, đau đầu do cảm phải ngoại phong.

- Phương giải bài thuốc:

+ Kim ngân và liên liều là hai vị quân chủ chuyên trị viêm mũi, viêm ở phần huyết phận.

+ Cát cánh, kinh giới tuệ tuyên phế trị khí trệ vùng thượng tiêu, mặt khác làm cho loãng đờm, chống bít tắc mũi.

+ Đậu xị lợi niệu, giảm gánh nặng cho phế giúp cho phế tuyên giáng tốt hơn, đồng thời làm mạnh tỳ vị giúp bổ sung nguồn hậu thiên tốt.

+ Cam thảo vị ngọt kiện tỳ, bổ khí làm mạnh hậu thiên, đồng thời làm giảm sự đau nhức.

Tân di vị thuốc chủ dược trong bài thuốc nam trị viêm mũi.

2. Bài thuốc nam trị viêm mũi

- Thành phần bài thuốc gồm: Tân di 10g, thổ phục linh 15g, ké đầu ngựa 15g, bạch chỉ 10g, gai bồ kết 15g, cây cứt lợn 30g, thăng ma 8g, tỳ giải 12g, bạch đồng nam 15g, cỏ mần trầu 20g, cam thảo đất 15g, trần bì 15g, sa sâm 15g, cát căn 12g, cam thảo 5g, tô tử 15g.

- Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, đổ 1 lít nước đun cạn còn 300ml, chia 2 lần, uống sáng, chiều.

Với các bệnh nhân bị lâu ngày có hơi thở hôi, nên nhỏ thêm nước muối sinh lý hoặc nước sắc đặc lá trầu không vào mũi hằng ngày giúp tăng tác dụng diệt khuẩn.

- Tác dụng: Bài thuốc điều trị viêm mũi, xoang lâu ngày, hay gây đau đầu, nhức vùng trán và cung lông mày, kèm hắt hơi sổ mũi buổi sáng sớm hay thay đổi thời tiết.

- Phương giải bài thuốc:

+ Tân di vị cay, tính ôn; vào kinh phế và vị. Tân di có tác dụng khu phong giải biểu, thông khiếu chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau đầu, tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, đau răng, viêm xoang mũi má cấp hoặc mạn tính...

+ Hoa cứt lợn có tính mát, vị hơi đắng và cay có tính kháng sinh mạnh, có thể chữa trị các chứng yết hầu sưng đau … đồng thời làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang.

+ Các vị thuốc khác làm cho thông thoáng đường mũi họng miệng, giảm các chứng viêm.

Phòng phong chủ dược bài "Ngọc bình phong tán" trị viêm mũi.

3. Bài "Ngọc bình phong tán" trị viêm mũi mùa hè

- Thành phần:Phòng phong, hoàng kỳ, bạch truật liều bằng nhau tán bột, ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10g pha với nước gừng ấm.

- Tác dụng: Bồi bổ chính khí cơ thể, điều trị viêm mũi, ngăn ngừa bệnh lý hô hấp mắc phải.

- Phương giải bài thuốc: Trong bài thuốc Ngọc bình phong tán, vị thuốc hoàng kỳ có vị ngọt, tính ấm, theo Y học cổ truyền có tác dụng bổ khí cố biểu.

+ Bạch truật có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, chỉ hãn an thai. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, vị thuốc bạch truật cũng có công năng tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn, chống lão hóa, làm giảm mỡ máu, hạ đường huyết, lợi niệu, chống ung thư, lợi mật và bảo vệ tế bào gan.

+ Vị phòng phong có vị cay ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng trừ phong giải biểu, trừ thấp, trấn thống và giải kính. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, vị thuốc phòng phong có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, chống dị ứng, giải nhiệt, giảm đau, trấn tĩnh, chống co giật, kháng ung thư và nâng cao năng lực miễn dịch không đặc hiệu.

+ Gừng có tác dụng ấm kinh lạch, mạnh cho vệ biểu, chống cảm lạnh.

Phụ nữ tiền mãn kinh cần biết: 4 yếu tố chính gây giảm ham muốn tình dục.

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-bai-thuoc-tri-viem-mui-mua-he-169230516121202695.htm