3 bước mở cửa kinh tế hậu Covid-19

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng kinh tế Việt Nam đang trong bước 2 (trong số 3 bước) mở cửa lại kinh tế hậu Covid-19, các ngành dần dần được hoạt động bình thường.

Chiều 5/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Zing đặt câu hỏi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về kịch bản phục hồi kinh tế mà Bộ đang được Chính phủ giao xây dựng.

“Trong kịch bản dự kiến, chính phủ sẽ ưu tiên mở cửa ngành nào trước và lộ trình ra sao? Ngoài ra, trạng thái kinh tế mới của Việt Nam trong giai đoạn dịch hiện tại được vận hành như thế nào?”, câu hỏi nêu.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương đã chia sẻ sơ bộ về các trạng thái kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 với kiến nghị 3 bước.

Ba bước mở cửa kinh tế

Bước một, theo ông Phương là lúc dịch bệnh đang diễn ra, ưu tiên lúc này là chống dịch. Trong giai đoạn này chủ yếu là trạng thái cầm cự kinh tế, giảm thiểu các thiệt hại do dịch gây ra. Thứ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh giảm thiểu thiệt hại cũng giúp tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế tốt hơn.

Bước hai, sau khi đã dành ưu tiên kiểm soát dịch, khi nguy cơ tác động của dịch giảm đi, cần phục hồi dần dần nền kinh tế. Bộ KHĐT tham mưu mở lại dần dần hoạt động kinh tế, đầu tiên là tập trung thị trường trong nước.

Trong khi đó, hoạt động giao thương quốc tế vẫn phải hạn chế. Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại trên 200 nước. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên chưa thể mở hoàn toàn như trước đây.

 Bộ KHĐT cho rằng cần ưu tiên mở cửa thị trường trong nước trong giai đoạn dịch hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ KHĐT cho rằng cần ưu tiên mở cửa thị trường trong nước trong giai đoạn dịch hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông nhấn mạnh trạng thái bình thường mới sẽ được cân nhắc trong xây dựng kịch bản phát triển kinh tế khi Covid-19 vẫn còn tồn tại. Các chính sách đề ra phải đạt được 2 mục tiêu, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

Ông nêu ví dụ chính sách vận tải hàng không mới mở nội địa. Nếu mở các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải thực hiện quy định về cách ly. Việc đảm bảo an toàn này lại hạn chế kinh doanh, do đó hàng không chưa thể nhộn nhịp như trước đây.

Hay như quy định giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực có tụ tập đông người. Khi dịch bện chuyển biến tốt, Chính phủ sẽ nới dần quy định phòng chống dịch. Khi đó, tự động các ngành liên quan sẽ mở lại hoạt động.

Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý đến khâu thị trường khi mở lại một số ngành. Điển hình như ngành du lịch hiện tại vắng khách, dẫu mở lại cũng khó hoạt động được. Kéo thao ngành du lịch là vận tải hành khách, lưu trú, ăn uống cũng sẽ ảm đạm theo.

“Khi mở lại mà không có khách, không có dòng tiền, hoạt động gặp thua lỗ thì có thể doanh nghiệp sẽ không mở lại”, ông Phương chia sẻ.

Bước ba là trạng thái tương lai của nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn thế giới. Trọng tâm lúc này là Chính phủ sẽ đón bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước. Trong các cơ hội này có việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Đối với các nền kinh tế thế giới, ai kết thúc dịch sớm nhất, nhanh chóng chuyển đổi nhất sẽ thành công”, ông Phương chia sẻ.

Mở cửa giao thương với đối tác "khỏe"

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định TP.HCM có thể dự báo thời điểm kiểm soát dịch của một số nước là đối tác đầu tư, thương mại, du lịch. Từ đó, TP đưa ra quy luật, dự báo thời điểm để chủ động liên hệ các quốc gia này, mở lại nền kinh tế.

Bí thư TP.HCM cho biết đã có 19 quốc gia trên thế giới đã chuyển giai đoạn, tức số người đang điều trị đã đạt mốc cao nhất và giảm dần. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ 5 chuyển giai đoạn trên thế giới vào ngày 30/3, trước đó là Trung Quốc (18/2), Hàn Quốc (12/3), Campuchia (26/3), Brunei (27/3).

"Làm ăn phải xem đối tác thương mại bị dịch cỡ nào để biết có làm ăn được không", ông Nhân nói. Bí thư TP.HCM cho rằng Việt Nam chỉ nên mở cửa giao thương với các đối tác "khỏe", tức kiểm soát được dịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đưa ra quy luật, dự báo thời điểm để chủ động liên hệ các quốc gia này, mở lại nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Nhân nhận định ngoài điều kiện là quốc gia đã chuyển giai đoạn (thuộc nhóm 19 nước kể trên), Việt Nam chỉ nên giao thương với nước duy trì được tỷ lệ nhiễm không vượt quá 10 người nhiễm/triệu dân.

Trước đó, phát biểu tại họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải đạt được mục tiêu kép, “làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết”, không thể và không được để tăng trưởng quá thấp.

Ông nhấn mạnh tinh thần phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước. Chính phủ tập trung ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển, bên cạnh việc chú ý các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng nêu rõ tăng trưởng GDP năm nay phải đạt cao hơn mức tăng trưởng mà IMF dự báo (khoảng 2,7%). Ông cho rằng tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-buoc-mo-cua-kinh-te-hau-covid-19-post1081239.html