3 cách giảm mỏi vai gáy cổ cho dân văn phòng

Rất nhiều dân công sở bị mỏi vai gáy, đau cổ và mắc các bệnh về cột sống. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do việc ngồi sai tư thế.

Ngồi sai tư thế cũng dẫn đến chứng mỏi vai gáy cổ - Ảnh minh họa: Internet

Ngồi sai tư thế cũng dẫn đến chứng mỏi vai gáy cổ - Ảnh minh họa: Internet

Các yếu tố khác có thể dẫn đến đau vai là viêm khớp, gai xương, sụn bị rách, xương vai gãy, chấn thương tủy sống, vai bị đóng băng…

Dưới đây là những thông tin giúp dân văn phòng có thể giảm những cơn đau vai gáy cổ do ngồi nhiều.

Nguyên nhân gây đau vai gáy cổ

- Ngồi sai tư thế, nằm co quắp, gối đầu trên gối quá cao… khiến dây thần kinh bị chèn ép, thiếu máu cục bộ, từ đó dẫn đến hiện tượng đau vai gáy.

- Công việc hàng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra đau vai gáy (thường là những công việc như lái xe, làm việc với máy tính, sơn trần nhà…).

- Tổn thương các mặt khớp của cột sống, cổ, thường là do các chứng bệnh như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau...

Cách giảm đau vai gáy cổ

Massage

Massage là một phương thuốc tuyệt vời để giảm đau vai. Việc massage nhẹ nhàng sẽ giúp giải phóng căng thẳng và viêm đau từ các cơ vai. Đồng thời giúp cải thiện lưu thông máu và giảm sưng tốt nhất.

Làm ấm dầu ô liu hoặc dầu dừa và thoa lên vai. Nhẹ nhàng bóp cơ vai để khuyến khích lưu lượng máu. Đặt một chiếc khăn ấm lên vai và xoa bóp trong 10 phút.

Chườm nóng

Chườm nóng cũng giúp điều trị đau vai, sưng và viêm. Chườm nóng nên được thực hiện sau 48 giờ khi chấn thương vai xảy ra.

Đổ nước nóng đầy túi và chườm lên chỗ vai đau từ 10 đến 15 phút. Hoặc chườm vai bằng vòi sen nóng trong khi tắm.

Tập thể dục

Bạn có thể tự cải thiện và điều chỉnh bằng cách tập luyện một số bài tập đơn giản dưới đây:

Bài tập 1:

Bạn ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, thư giãn toàn thân. Nếu đứng thì hai chân đứng rộng bằng vai, thả lỏng toàn bộ các cơ ở cổ, hai mắt nhìn thẳng, hít thở tự nhiên. Sau đó, dùng tay xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

Bài tập 2:

Tiếp theo, bạn cúi gập đầu xuống (thở ra), ngẩng đầu cao, mắt nhìn lên trần nhà (hít sâu vào). Động tác cúi xuống và ngẩng lên là 1 lần. Bạn thực hiện lặp lại động tác này 10-20 lần. Sau đó, bạn tiếp tục xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

Bài tập 3:

– Bạn nghiêng đầu qua trái sao cho lỗ tai bạn chạm đến mỏm vai trái, kết hợp thở ra. Sau đó, xoay đầu qua phải, tai chạm mỏm vai phải, kết hợp hít vào. Lặp lại động tác này từ 5 – 10 lần rồi đổi bên (nghiêng qua phải - thở ra, nghiêng qua trái - hít vào), thực hiện thêm 5 – 10 lần.

– Bạn xoay đầu qua trái sao cho cằm chạm vai trái, kết hợp thở ra. Sau đó, xoay đầu qua phải, cằm chạm vai phải, kết hợp hít vào. Lặp lại động tác này từ 5 – 10 lần rồi đổi bên (xoay đầu qua phải – thở ra, xoay đầu qua trái – hít vào), thực hiện thêm 5 – 10 lần.

Ba động tác này có tác dụng thư giãn cơ cổ và vai, giúp các đốt sống cổ linh hoạt và hoạt động tốt hơn. Đồng thời, các bài tập này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng co cứng cơ cổ, tê mỏi hai cánh tay và bàn tay ở bệnh thoái hóa cột sống cổ.

Quỳnh Anh (t/h)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/3-cach-giam-moi-vai-gay-co-cho-dan-van-phong-92235.html