3 cách tiếp cận kiến thức dễ dàng

Học tập có vẻ như là một quá trình đơn giản, nhưng thực tế lại không phải vậy. Nếu bạn chưa học đúng cách, kiến thức bạn thu nạp sẽ không phát huy hiệu quả. Dưới đây là 3 cách giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức được tổng hợp bởi các nhà giáo dục quốc tế.

Truy cập thông tin từ “bộ lưu trữ”

Khi thu nạp kiến thức, người học cố gắng “nhét” thông tin vào bộ nhớ (hay còn gọi là kho lưu trữ), sau đó người học cố gắng nhớ lại bài học (hay còn gọi là truy cập kho lưu trữ). Khả năng nhớ lại và áp dụng kiến thức là rất quan trọng, bởi vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn dành phần lớn thời gian đứng lớp để giúp học sinh tập trung vào việc tiếp nhận thông tin.

Dựa trên nhiều năm nghiên cứu, các nhà giáo dục khẳng định, thay vì nhồi nhét thông tin vào đầu, người học nên học cách truy cập và đưa nó ra. Một kỹ năng tưởng đơn giản, nhưng đòi hỏi học sinh, sinh viên phải thực hành một cách thành thạo.

Để quá trình này diễn ra thường xuyên và tạo thành một thói quen, giáo viên nên yêu cầu học sinh viết ra 3 điều họ đã học ngày hôm trước hoặc rút ra một vài điều quan trọng, có sự liên hệ giữa bài học trước và bài học tiếp theo.

Bằng cách yêu cầu sinh viên truy cập thông tin từ “bộ lưu trữ” một cách nhất quán và lặp lại nhiều lần, kiến thức sẽ ở lại bộ nhớ của họ lâu dài, từ đó quá trình học tập mới được phát huy tối đa hiệu quả của nó.

Chiến lược tăng cường khả năng tiếp thu

Mặc dù phương pháp hướng dẫn học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả đã được các nhà giáo dục trình bày rõ ràng, tuy nhiên, họ vẫn băn khoăn việc làm thế nào để áp dụng phương pháp này ngay trong lớp học của mình. Và dưới đây là những gợi ý để công việc hướng dẫn của họ trở nên dễ dàng hơn.

Giáo viên nên yêu cầu học sinh viết ra hai điều quan trọng họ đã học, một điều từ bài học của ngày hôm trước và điều còn lại từ một bài học hiện tại. Điều này sẽ giúp bộ não của học sinh có thói quen ghi nhớ thường xuyên, thay vì giáo viên luôn phải nhắc lại những gì mà học sinh cần ghi nhớ. Khi tự mình làm điều đó, người học sẽ chủ động hơn với chính những gì họ đã thu nạp.

Một phương pháp khác cũng giúp người học nhớ lâu hơn, đó là ghi chú. Họ có thể ghi chú trên vở hoặc ngay trên sách giáo khoa, sách bài tập…

Tuy nhiên, phương pháp ghi nhớ chuyên sâu lại khuyến khích học sinh tập trung cao độ vào bài học mà không cần ghi chú. Trong quá trình giảng bài, giáo viên sẽ có những quãng nghỉ phù hợp để học sinh có thời gian viết ra những gì họ nhớ...

Mục đích của phương pháp này là để học sinh thực sự lắng nghe giáo viên và chú ý đến các cuộc thảo luận trong lớp mà không phải cúi đầu xuống chỉ để ghi chép.

Cũng có thể người học cần viết ra tất cả những gì họ đã học về một chủ đề. Họ cũng có thể được giáo viên yêu cầu phân tích tài liệu đã thu thập và so sánh với một chủ đề trước đó. Phương pháp này khuyến khích người học thích thú với những gì mà họ đã ghi nhớ trong mỗi bài học.

Gợi lại bài học trước

Ngoài những phương pháp trên, giáo viên còn có nhiều sáng kiến giúp người học ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả. Thay vì lần lượt giảng dạy các chủ đề mới, giáo viên nên thường xuyên gợi lại các bài học trước trong suốt cả năm học. Điều này có thể củng cố việc chuyển giao kiến thức vào bộ nhớ dài hạn của người học.

Ngoài ra, trong quá trình giảng bài, giáo viên có thể nhấn mạnh, pha trộn các chủ đề có mối liên hệ với nhau, điều này giúp bài giảng sinh động hơn và kiến thức học sinh thu nạp cũng trở nên linh hoạt hơn. Kết quả là học sinh sẽ có được khối kiến thức xuyên suốt trong toàn bộ chương trình giảng dạy.

Trước khi bắt đầu bài giảng của mình, giáo viên nên thay đổi một vài thói quen. Ví dụ, thay vì hỏi về các bài học ngày hôm trước, giáo viên có thể hỏi học sinh họ đã ăn gì trong ngày hôm qua.

Đây là sự khởi động thú vị và nhẹ nhàng, giúp học sinh có thói quen thực hành trước khi giáo viên nhắc nhở họ nhớ lại bài học của mình. Điều này cũng sẽ giúp người học nâng cao ý thức tự giác, từ đó giáo viên không phải mất quá nhiều thời gian vào việc kiểm tra hoặc giám sát xem học trò của mình có thực hiện đầy đủ bài tập về nhà hay không.

Để việc học phát huy hiệu quả tối đa, sự phản hồi trong lớp học cũng rất quan trọng. Mọi việc trong lớp học diễn ra suôn sẻ là một điều tốt, nhưng bất kỳ phản hồi nào cũng tốt hơn là không có phản hồi. Khi nhận được phản hồi, giáo viên đưa ra lời giải thích và đây chính là cơ hội để kiến thức được phân tích sâu hơn, từ đó người học sẽ nhớ lâu hơn.

Thông thường, giáo viên thường lo lắng về việc học sinh mắc sai lầm. Tuy nhiên đó là chuyện hết sức bình thường, sai lầm có thể là điều tốt cho quá trình học tập và trưởng thành của họ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/3-cach-tiep-can-kien-thuc-de-dang-3973123-b.html