3 cánh quân bí ẩn 'đánh úp' Thổ ở Idlib, Nga có cớ 'siết thòng lọng'?

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giải quyết được vấn đề các nhóm lạ mặt 'đánh lén', tình thế khó xử lúc này có thể trở thành cái cớ để Nga siết chặt Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải di chuyển các trạm quân sự khỏi khu vực bị bao vây bởi quân Chính phủ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải di chuyển các trạm quân sự khỏi khu vực bị bao vây bởi quân Chính phủ.

3 nhóm bí ẩn

Các nhóm thánh chiến ít được biết đến đã tăng cường tấn công vào các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, khiến tình thế của Ankara ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh khu vực không giữ nổi sự bình yên mong manh.

Thông thường, các nhóm được truyền cảm hứng bởi Al-Qaeda như Hurras al-Din được coi là kẻ gây rối tiềm tàng khi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tăng cường sự hiện diện xung quanh đường cao tốc M4 vào năm ngoái cùng với Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm phiến quân thống trị ở Idlib.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ lần này lại đến từ những đối tượng lạ mặt nhất.

Một nhóm tự xưng là Lữ đoàn Khattab al-Shishani đã tuyên bố thực hiện ba cuộc tấn công nhắm vào các cuộc tuần tra của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo cao tốc M4 vào ngày 14/7, 17/7 và 25/8 năm ngoái.

Sau vụ đánh bom xe ngày 14/7, Nga cho biết 3 binh sĩ của họ bị thương, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nói về thiệt hại đối với các phương tiện. Cùng thời điểm đó, một tuyên bố từ những kẻ tấn công đã chỉ trích các nhóm thánh chiến lớn trong khu vực vì không hành động chống lại các cuộc tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ-Nga.

Sau đó, vào ngày 27/8, một nhóm có tên là đoàn quân Ansar Abu Bakr Al-Siddiq đã tuyên bố thực hiện đánh bom xe gần trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ sát khu vực Jisr al-Shughur.

Một cuộc tấn công thứ hai của nhóm đã giết chết một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và làm bị thương một người khác gần Ariha vào ngày 6/9. Cuộc tấn công gần đây nhất mà nhóm tự nhận nhắm vào một tiền đồn của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng nông thôn phía Tây Aleppo vào ngày 16/1 vừa qua.

Một phe thứ ba ít người biết đến, tự gọi mình là nhóm Abdullah bin Unais, đã dội hỏa lực vào các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 4-5/1 trước khi tấn công một trạm kiểm soát của HTS vào ngày 8/1.

Giới quan sát, cho rằng các tuyên bố giống hệt nhau của ba nhóm có thể cho thấy chúng có sự tương đồng với nhau về hệ tư tưởng Al-Qaeda và có cùng mục đích.

Một số phe nhóm ở Idlib đã công khai phản đối các cuộc tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, được khởi xướng theo thỏa thuận song phương vào tháng 3/2020, nhưng các nhóm này đã giữ im lặng khi ba nhóm nói trên tiến hành các cuộc tấn công.

Theo Al-Monitor, điều này gợi đến một số khả năng. Đầu tiên, các nhóm mới có thể bao gồm các chiến binh thánh chiến đã đào thoát khỏi các phe nhóm không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, những cái tên mới có thể chỉ đơn giản là bình phong cho các nhóm không muốn công khai chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế khó cho Thổ Nhĩ Kỳ

Có ít nhất 3 nhóm lạ mặt đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua.

Đối với các nhóm thánh chiến ở Idlib, việc Chính phủ Syria nắm kiểm soát đường cao tốc M4, nối Latakia và Aleppo, cũng đồng nghĩa với việc trò chơi đối với họ sẽ kết thúc. Jisr al-Shughur, căn cứ chính của các chiến binh thánh chiến nước ngoài, cũng nằm trên M4.

Các cuộc tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ-Nga nhằm mục đích mở lại đường giao thông đã gây ra sự rạn nứt trong hàng ngũ thánh chiến ngay từ đầu. Đối với những người có khuynh hướng kháng cự, việc phản đối các cuộc tuần tra đồng nghĩa với việc thách thức sự thống trị của HTS, vốn đã chọn bắt tay phần nào với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc tấn công ngày càng tăng nhằm vào các lực lượng tuần tra Nga-Thổ Nhĩ Kỳ làm gia tăng áp lực lên HTS, tổ chức tự xưng là ông chủ của khu vực. Việc HTS không kiềm chế được các cuộc tấn công sẽ làm thay đổi luật chơi.

Sau các cuộc tấn công vào đầu tháng 1 vừa qua, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một trạm kiểm soát mới gần Maarat Misrin và triển khai các phương tiện được trang bị hệ thống phát hiện chất nổ trên M4. Các cuộc tấn công liên tục có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đối đầu với các nhóm tấn công, trực tiếp hoặc thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở Syria.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng hết sức để tránh đụng độ với các chiến binh thánh chiến, bất chấp cam kết tiêu diệt các nhóm khủng bố trong hai thỏa thuận riêng biệt với Nga.

Nước này đã duy trì sự phối hợp với HTS và coi đây là một nhóm “ôn hòa”, mặc dù HTS vẫn nằm trong danh sách các nhóm khủng bố và kiểm soát 90% Idlib. Bằng cách trấn áp các phe phái thánh chiến đối thủ, HTS đã phục vụ lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ. Để thể hiện mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm thậm chí đã đồng ý cho lưu hành đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib vào mùa hè năm ngoái.

Tất nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng sự hiện diện quân sự qua hàng chục trạm kiểm soát là mối đe dọa đối với quyền kiểm soát lãnh thổ của HTS trong khu vực, nhưng đồng thời điều này cũng tạo thành một rào cản chống lại các lực lượng Syria và Nga, một lợi thế quan trọng đối với nhóm này.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình xung quanh M4, mặc dù nước này đã sơ tán tất cả các trạm quan sát dọc theo M5 sau khi họ bị quân đội Syria bao vây. Vào ngày 18/1, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai đến thị trấn Qastun ở đồng bằng al-Ghab, nơi tạo thành ranh giới giữa Idlib và Hama. Vài ngày trước đó, họ đã thiết lập hai trạm kiểm soát gần Saraqib .

Sự răn đe mà thế trận quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra đang chế ngự sự thực dụng đối với HTS. Do đó, nhóm này cảm thấy buộc phải kiềm chế các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan, những nhóm có nguy cơ phá vỡ hiện trạng.

Tuy nhiên, một chiến lược như vậy không đảm bảo sự bình ổn. Các cuộc tấn công giữa các phe nhóm chưa bao giờ ngừng kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào tháng 3 năm ngoái.

Hơn nữa, các cuộc tấn công liên tục từ Idlib vào các khu vực do quân Chính phủ nắm giữ có thể dễ dàng tạo cho Nga cái cớ để siết chặt Thổ Nhĩ Kỳ và leo thang hoạt động trong khu vực.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/3-canh-quan-bi-an-danh-up-tho-nhi-ky-o-idlib-nga-chi-cho-co-the-a504090.html