Thu hút FDI: Cần 'may đo' chứ không 'may sẵn'

Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách 'may đo' để thu hút FDI để phù hợp với mỗi doanh nghiệp, mỗi dòng vốn…

Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại do dịch bệnh Covid-19, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong mấy tháng vừa qua. Đây được xem là cơ hội "vàng" để Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, biện pháp chống đại dịch Covid-19 hiệu quả và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) - đón làn sóng đầu tư mới.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn FDI thực hiện 8 tháng ước tính đạt 11,4 tỷ USD.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Đảm bảo nguyên tắc “win-win”

Tại buổi tọa đàm về thu hút dòng vốn FDI do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 4/9, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam trong giai đoạn mới, cần đảm bảo "win-win" (cùng thắng), không thể làm đại trà, mà phải theo năng lực từng địa phương.

Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, dòng vốn đầu tư của thế giới dự báo năm 2020 có thể suy giảm 40%. Tại Việt Nam, nguồn vốn đăng ký mới tăng thêm khoảng 20 tỷ USD, tuy giảm 15% so với cùng kỳ nhưng so với thế giới, mức giảm này tương đối ít. Ngoài ra, số dự án đăng ký mới tăng 6%, số dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”.

Theo thông tin từ ông Đỗ Nhất Hoàng, các công ty, tập đoàn nước ngoài rất quan tâm đến Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần làm gì để có thể đón được làn sóng đầu tư này? Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho rằng, trước hết, cần có sự vào cuộc của Nhà nước. Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi, từ đó, doanh nghiệp sẽ "lớn" dần, tự làm chủ công nghệ và cho ra mắt những sản phẩm do Việt Nam sản xuất chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất ở Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng nêu rõ: Với thị trường gần 100 triệu dân, nguồn lực lao động trẻ dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cải cách thủ tục hành chính đang quyết liệt, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới đang rộng mở. “Chúng ta nằm trung tâm Đông Nam Á với giao thông nhộn nhịp... đó là những yếu tố làm tăng sức hấp dẫn của chúng ta”, ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA nên nhiều cơ chế có ưu đãi, thị trường miễn thuế đang mở rộng. Đặc biệt, thời gian qua việc xử lý thành công đại dịch Covid-19 với mục tiêu kép vẫn đạt được vì thế Việt Nam càng hấp dẫn hơn.

Đáng chú ý, kể từ khi Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, cơ quan này đã phát huy hiệu quả tốt. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án đúng với mục tiêu đặt ra. Qua quá trình làm việc có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài thông tin.

Không thể làm “đại trà”

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để thu hút vốn FDI một cách hiệu quả, cùng với chính sách, các địa phương cần chú trọng tới vấn đề con người. Cần đầu tư con người có đủ trình độ, đứng đầu là lãnh đạo các địa phương để tìm kiếm đối tác, đàm phán, lôi kéo các nhà đầu tư hợp tác dài hạn.

TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý, Việt Nam cần có cái nhìn thực tiễn. Không phải tất cả các tỉnh, thành đều có năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, đầu tư công nghệ mới hiện đại. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét, nhìn nhận khả năng của từng địa phương chứ không thể đầu tư đại trà theo quy mô lớn.

"Đừng thấy địa phương khác làm gì rồi làm theo, mà phải nhìn vào thực tiễn điều kiện, khả năng của địa phương mình để đầu tư trúng và hiệu quả”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Đề cập những điểm nghẽn cản trở làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, nguồn nhân lực trong nước đang yếu về trình độ, tính kỷ luật. Tuy nhiên, theo ông Toàn, nhân công Việt Nam có lợi thế là làm việc linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và trí tuệ nhân tạo - đây là điểm mạnh là tiềm năng của nhân lực Việt Nam.

Đơn cử, vừa rồi, Samsung đánh giá sau khi đào tạo bài bản 3 tháng, công nhân Việt Nam đã có trình độ tay nghề tương đương với lao động Hàn Quốc. Bằng chứng mới nhất là hiện đã có 2 kỹ sư làm việc trong bộ phận nghiên cứu, chế tạo camera của tập đoàn này tại Việt Nam, đại diện VAFIE chia sẻ.

Các chuyên gia đều chung ý kiến rằng, để thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao, điều cần làm ngay là phải nâng cao chất lượng lao động. Ngoài ra, cần chuẩn bị thật tốt các yếu tố như điện, đường, đất, nhân lực,… để khi các doanh nghiệp đầu tư cần gì là có thể đáp ứng được ngay./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thu-hut-fdi-can-may-do-chu-khong-may-san-776592.vov