3 đại học Bách khoa ký kết trao đổi SV nhưng hơn 1 năm chưa em nào tham gia

Dù thỏa thuận ký kết hợp tác trao đổi SV đã được ký từ hơn 1 năm nay, tuy nhiên đến nay chưa có SV nào tham gia khóa học trao đổi giữa 3 trường ĐH bách khoa.

Hồi cuối tháng 7/2022, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về lĩnh vực truyền thông và điện tử diễn ra tại Khánh Hòa, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng đã ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên.

Theo đó, sinh viên 1 trong 3 cơ sở giáo dục đại học này có thể tham gia trao đổi học tập, nghiên cứu tại 2 trường còn lại thông qua các khóa trao đổi sinh viên dài hạn và ngắn hạn. Theo thỏa thuận giữa các bên, khóa học ngắn hạn bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Tuy nhiên, giữa các biên bản kí kết và thực tiễn triển khai trên thực tế còn một khoảng cách lớn. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện 3 cơ sở giáo dục đại học Bách khoa cho biết, đến nay vẫn chưa có một khóa học trao đổi nào được triển khai.

Ba trường đại học bách khoa cho phép sinh viên được trao đổi học tập, nghiên cứu trong khối ba trường (tối đa 15 tín chỉ). Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm ký kết, chưa có khóa học trao đổi sinh viên nào giữa 3 trường được tổ chức. Hình ảnh lãnh đạo 3 trường ký kết hợp tác trao đổi sinh viên, nguồn ảnh: HUST

Khoảng cách giữa thỏa thuận kí kết và thực tiễn triển khai

Chia sẻ về lý do, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Năm ngoái chủ yếu do tâm lý e ngại về tình hình dịch, nên các trường chưa xúc tiến mạnh”. Theo thầy Thắng, để triển khai các khóa học trao đổi theo thỏa thuận kí kết trước đó sẽ phải cần có thêm thời gian.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, để triển khai các khóa học trao đổi sinh viên cần sự cố gắng, phối hợp giữa các bên.

Theo thầy Điền, các khóa học là một cơ hội trải nghiệm với sinh viên, song việc triển khai không hề đơn giản. Trong đó, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, một trong những điểm khó nhất là sinh viên không có nhu cầu. Các khóa học trao đổi ngắn hạn trong nước với nhiều sinh viên chưa thực sự hấp dẫn bằng các khóa học giao lưu, trải nghiệm văn hóa ở các nước khác.

Do đó, thầy Điền cho rằng, để thúc đẩy triển khai hiệu quả khóa học trao đổi sinh viên giữa 3 trường đại học Bách khoa, một trong những giải pháp có thể tính đến là hỗ trợ thêm sinh viên về mặt tài chính.

Chia sẻ thêm về lý do chưa thể triển khai các khóa học trao đổi, đại diện đơn vị đầu tiên tổ chức khóa học trao đổi ngắn hạn theo thỏa thuận, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết:

“Khóa học trao đổi sinh viên được tổ chức vào thời gian hè. Tuy nhiên, hiện lịch học của 3 trường khác nhau. Bên cạnh đó, sinh viên từ khóa năm 2020 phải học 180 tín chỉ trong 5 năm (để có bằng kỹ sư - PV), do đó vì sợ trễ tiến độ nên các em thường tranh thủ học thêm kỳ hè tại trường mình. Điều này dẫn đến không đủ số lượng sinh viên cần để tổ chức khóa học trao đổi”.

Mặt khác, theo thầy Hiếu, nhiều sinh viên có xu hướng ngại di chuyển, thay vào đó các em thường tập trung hoàn thành chương trình ở trường để có thể đi làm ngay. Đây là một thách thức lớn trong việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên với các trường trong nước.

“Tuy nhiên, các khóa học trao đổi là cơ hội tốt để sinh viên giữa các trường có cơ hội giao lưu với nhau. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh công tác truyền thông để sinh viên biết đến nhiều hơn về khóa học”, lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng bày tỏ.

Sinh viên có hào hứng với các khóa học trao đổi trong nước?

Theo chia sẻ của đại diện các trường, việc triển khai các khóa học trao đổi cho sinh viên đang tồn tại khá nhiều bất cập. Trong đó, sức hút của các khóa học trao đổi trong nước đối với sinh viên chưa thực sự mạnh mẽ là một trong những yếu tố khiến việc triển khai khóa học có phần chậm trễ.

Vậy thực tế sinh viên có quan điểm như thế nào về các khóa học trao đổi sinh viên giữa 3 cơ sở giáo dục đại học Bách khoa?

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại Triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học 2023. Ảnh: Duy Thành

Đức Hoàng (sinh viên năm 3, ngành Kỹ thuật cơ điện tử, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) cho rằng, các khóa học trao đổi ngắn hạn trong nước không thực sự hấp dẫn bạn trẻ này.

“Được học trải nghiệm ở 2 trường bách khoa còn lại là một cơ hội thú vị, nhưng ngoài việc học, môi trường sống và các mối quan hệ xung quanh cũng là những điều ảnh hưởng rất lớn”, Đức Hoàng chia sẻ.

Theo Hoàng, lúc chọn trường, đa phần sinh viên đã có sự so sánh giữa các trường để chọn nơi học phù hợp nhất từ việc đi lại, chi phí, môi trường học tập, sinh hoạt,... . Hơn nữa, hiện tại Hoàng đã thích nghi và quen với môi trường sống ở Đà Nẵng. Việc di chuyển đến một môi trường mới không có người thân quen, lại chỉ trong thời gian ngắn, theo Hoàng điều này không thực sự mang lại bất tiện, hơn là những lợi ích kỳ vọng.

“Theo em, việc trao đổi giảng viên giữa 3 trường sẽ có hiệu quả hơn trong việc giao lưu học thuật, văn hóa giữa các cơ sở đào tạo”, Hoàng nêu ý kiến.

Trong khi đó, Nhật Duy (sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội) lại tỏ ra hào hứng với các khóa học trao đổi. Song, theo Nhật Duy, các khóa học trao đổi cần đảm bảo có sự khác biệt về giảng viên, chương trình học - “hay hơn, thực tế hơn”.

“Với em, các khóa học trao đổi là cơ hội để em vừa được học tập, vừa được trải nghiệm văn hóa ở một môi trường mới. Nhưng chương trình học ở trường khác phải đảm bảo các yếu tố về giảng viên, điều kiện cơ sở vật tốt hơn, và chương trình học có sự khác biệt, mới lạ”, Nhật Duy bày tỏ.

Học phí và kinh phí dành cho sinh viên tham gia khóa trao đổi:

Sinh viên đăng ký các khóa học dài hạn 1 học kỳ, hoặc ngắn hạn sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Sinh viên không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo. Các học phần sinh viên đăng ký có thể nằm trong chương trình cử nhân, kỹ sư chuyên sâu đặc thù, thạc sĩ của trường tiếp nhận.

Các trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác. Các chi phí ăn ở, đi lại do sinh viên tự chi trả.

Các trường tham gia có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho trường thực hiện khóa học ngắn hạn để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cộng đồng của sinh viên.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/3-dai-hoc-bach-khoa-ky-ket-trao-doi-sv-nhung-hon-1-nam-chua-em-nao-tham-gia-post240227.gd