3 doanh nghiệp biến chất thải của Vedan thành… nước mắm: Bán chất độc cho người tiêu dùng

Thanh tra phát hiện, 4 doanh nghiệp sản xuất nước mắm từ dung dịch có tính axit, chất tẩy rửa vệ sinh. Đây là loại nước mắm không có dinh dưỡng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện một số doanh nghiệp sử dụng soda công nghiệp và nguyên liệu bột ngọt Vedan để sản xuất nước mắm

Nguy hại của nước mắm rởm

Trong năm 2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một số vi phạm tại 4 công ty sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện và phạt hành chính trên 780 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang) do hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp (soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm. Riêng Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành (TPHCM) bị phạt 6 triệu đồng do vi phạm về điều kiện sản xuất.

Tại các cơ sở được thanh tra, nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dung dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).

Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một số doanh nghiệp sử dụng Soda và nguyên liệu bột ngọt Vedan để sản xuất nước mắm. Các nguyên liệu này sau khi xử lý được cho chạy qua xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống). Cuối cùng cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).

Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu. Hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau đưa ra thị trường tiêu thụ. Về nguyên liệu, Soda công nghiệp (chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh) được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt. Theo hồ sơ công bố, dịch bột ngọt có tính axit (pH từ 3 – 4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.

Còn nguyên liệu nước bột ngọt Vedan (nước bột ngọt) là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt của công ty. Được sản xuất ra ở công đoạn sau kết tinh Acid

Glutamic, hóa chất HCl được cho thêm vào để hỗ trợ chế biến. Qua 3 lần tách Acid Glutamich sẽ thu được sản phẩm nước bột ngọt gồm thành phần chính là MSG – Monosodium Glutamte (khoảng 2%), muối NaCl (khoảng 8%), còn lại là nước.

Công bố doanh nghiệp để người tiêu dùng tẩy chay

TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Thủy sản (nay thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, đây không thể gọi là nước mắm. Phải quy vào tội kinh doanh hàng giả. Bởi nước mắm phải được làm từ cá và muối. Loại này hoàn toàn không có các yếu tố của cá và muối. Quy trình sản xuất khác, nguyên liệu khác, thì không thể nói là sản xuất nước mắm. Nói đơn giản, nguyên liệu nước bột ngọt Vedan về bản chất là nước thải trong quá trình sản xuất mì chính.

Trước đây, chính Công ty Vedan đã bị xử phạt nặng vì đã xả thải ra môi trường mà không xử lý. Nay họ cô đặc lại chỗ nước thải này, thành một nguyên liệu để sản xuất nước mắm. Đây là điều rất nguy hiểm bởi loại nước được gọi là nước mắm này không có bất cứ thành phần dinh dưỡng nào có lợi cho sức khỏe.

Theo quy trình khử chua, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120kg Na2CO3 (Soda công nghiệp) để trung hòa axit trong dịch bột ngọt. Đun bằng hơi nước trong thời gian 40 – 50 giờ. Dung dịch thu được 800 lít nồng độ đạm đạt 25 – 35oN và 700 lít muối. Sau đó, doanh nghiệp sử dụng 800 lít này cho đi qua cá đã ủ chượp (chủ yếu là xác cá) hoặc bán luôn cho cơ sở sản xuất nước mắm. Bán dịch nước mắm này (còn gọi là nước hoa cà) với giá 7.000 – 9.000 đồng/lít. Đây là loại nước hoa cà có giá thành rất rẻ, được một số doanh nghiệp pha ra, đóng chai để bán cũng với giá rẻ hơn nhiều nước mắm.

“Những chai nước mắm được quảng cáo là nước mắm tiết kiệm, nước mắm siêu rẻ, có giá thành đúng là rẻ đến bất ngờ, chỉ khoảng 45.000 đồng/can 5 lít, đa phần đều được sản xuất từ loại nước hoa cà này. Với quy trình sản xuất nêu trên thì loại nước được cho là nước mắm này không có dinh dưỡng, chỉ có chút vị ngọt của chất thải sản xuất mì chính, xác cá, đầu tôm cùng những hóa chất khác.

Việc sản xuất nước mắm như vậy là không thể chấp nhận được. Nó không phải là nước mắm bởi không có thành phần nào từ cá, ngoại trừ việc cho lướt qua xác cá – một thứ nguyên liệu đã lấy đi hết dưỡng chất. Cơ quan chức năng cần làm rõ việc sản xuất này có từ bao giờ, đã đưa ra thị trường bao nhiêu lít để tiêu thụ...”, TS Trần Thị Dung cho biết.

Theo TS Trần Thị Dung, phải tẩy chay đến cùng những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chất sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Với những sai phạm nghiêm trọng như thế này thì việc xử phạt không giải quyết được triệt để vấn đề. Việc công bố tên doanh nghiệp là cần thiết để người tiêu dùng biết, được quyền lựa chọn sản phẩm tốt cho mình. Khi biết rõ đơn vị nào sản xuất nước mắm bằng những nguyên liệu như vậy, người tiêu dùng sẽ không mua hàng của doanh nghiệp đó nữa. Đó là cách trừng phạt thích đáng nhất cho những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà hủy hoại sức khỏe người dùng.

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, việc phát hiện một số công ty sử dụng dịch bột ngọt, nước dịch tôm, cá và cacbonat (Na2CO3) là hóa chất công nghiệp để sản xuất và chế biến nước mắm là hết sức nghiêm trọng, vi phạm về an toàn thực phẩm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/3-doanh-nghiep-bien-chat-thai-cua-vedan-thanh-nuoc-mam-ban-chat-doc-cho-nguoi-tieu-dung-4059315-b.html