3 hậu quả nghiêm trọng của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích vì không có chút thống nhất nào trong quá trình ra quyết định của mình, song có một chủ đề xuyên suốt trong quãng thời gian 15 tháng tại nhiệm của ông: Đó là 'đốt cháy' di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, với động thái mới nhất là ra quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 cùng Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống D.Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1

Mặc dù chiều 8/5 (theo giờ Mỹ) tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà gọi là “ung nhọt và thối rữa” này, song Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ sẵn sàng đàm phán nếu Iran quyết định thảo luận những điều khoản mới cho thỏa thuận này. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, và nếu Tehran nối lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân thì “nước này sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn chưa từng gặp trước đây”.

Dưới đây là 3 hậu quả to lớn nhất sau quyết định của Tổng thống Trump:

Thứ nhất, Iran “thảnh thơi” phát triển bom hạt nhân

Kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào tháng 10/2015, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã giám sát chặt chẽ mức độ Iran giữ cam kết ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của mình. IAEA cũng đã đưa ra mức độ đánh giá chưa từng có tiền lệ về sự minh bạch trong năng lực hạt nhân của Iran, một sự đảm bảo vô giá khi tính đến “tai tiếng” của Iran là một đối thủ “bất tin”. Khi sự đảm bảo này bị gỡ bỏ, Iran sẽ “tự tung tự tác” để nối lại chương trình vũ khí hạt nhân và Mỹ sẽ không có cách nào để giám sát xem Tehran có đang phát triển vũ khí hay không. Như một số ý kiến chỉ ra rằng, điều này có thể mở đường cho một cuộc xâm chiếm. Bên cạnh đó, khả năng phát triển bom hạt nhân của Tehran cũng sẽ kích động các quốc gia Trung Đông khác theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Trên bài bình luận gần đây đăng trên tờ New York Times, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson viết: “Điều gì đạt được từ thỏa thuận hạt nhân này? Hãy hình dung các cuộc nội chiến và các cuộc xung đột giết hại lẫn nhau, vốn tàn phá toàn Trung Đông như hiện nay, đều được các bên kiềm chế. Rồi sau đó lại gây sức ép đối với thỏa thuận này và làm gia tăng khả năng xảy ra cuộc đua vũ khí hạt nhân trong khu vực do Iran vội vàng chế tạo bom hạt nhân. Đó là viễn cảnh mà thỏa thuận này giúp ngăn chặn”.

Thứ hai, rạn nứt quan hệ đồng minh Mỹ-phương Tây

Mặc dù Mỹ rút khỏi thỏa thuận, song các đồng minh ở châu Âu cam kết duy trì văn kiện mang tính quốc tế này, khi đó, việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt có thể gây ra căng thẳng giữa Mỹ và những đồng minh mà Washington phụ thuộc nhiều nhất. Ngoài ra, quyết định của Tổng thống Trump có thể gây ra rạn nứt trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, vốn là những nước mong muốn Mỹ “ở lại” với thỏa thuận đồng thời cảnh báo tình trạng bất ổn địa chính trị sẽ xảy ra nếu thỏa thuận bị hủy bỏ. Chưa hết, cũng giống như khi Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, việc hủy thỏa thuận Iran sẽ là một “cú tát mạnh tay” vào vị thế của Trump với tư cách là một nhà lãnh đạo quốc tế.

Thứ ba, cản trở một thỏa thuận với Triều Tiên

Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sẽ là sự đảo chiều chính sách quan trọng nhất của Tổng thống Trump từ trước đến nay. Trong khi đó, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang đến gần. Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận mà Iran đang tuân thủ xét ở mọi góc độ có thể khiến Bình Nhưỡng lo ngại khi tham gia một thỏa thuận tương tự với Washington. Nếu Trump muốn dàn xếp một thỏa thuận giúp đem lại phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông sẽ phải tìm ra một điều gì đó vừa khiến Triều Tiên chấp thuận, vừa đem lại lợi ích nhiều hơn cho Mỹ so với thỏa thuận hạt nhân Iran. Thế nhưng, điều này dường như “ngoài tầm với”, chí ít có thể nói như vậy.

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/3-hau-qua-nghiem-trong-cua-viec-my-rut-khoi-thoa-thuan-hat-nhan-iran.aspx