3 Hiệp định thương mại thế hệ mới: Cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam 2023

Sau 15 FTA được ký kết, Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó, 3 hiệp định thế hệ mới là EVFTA, CPTPP và RCEP được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho xuất nhập khẩu, vốn đóng vai trò đặc biệt cho nền kinh tế Việt Nam.

Cơ hội mở cho xuất khẩu Việt Nam

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia (có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019).

CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Hiệp định đã mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường xuất khẩu rộng lớn. Khác với nhiều hiệp định trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Những số liệu về xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP trong năm 2021 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp, ngành hàng đã nắm bắt được cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Trong đó, ngành dệt may, da giày được đánh giá tận dụng tốt Hiệp định CPTPP khi kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sang khối thị trường này đã tăng từ 10% lên 14%. Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép các loại đạt 511,7 triệu USD, tăng trưởng 68% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, có hiệu lực từ 1/8/2020) do Việt Nam ký kết với 27 nước thành viên của EU, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường với sức tiêu thụ lớn này.

Báo cáo được VCCI công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy dù 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng EVFTA vẫn góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và giúp quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.

Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (từ 1/8/2020 - 31/7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tương đương trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019 trước đó. Trong 2 năm này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU như mặt hàng sắt thép tăng 739%, máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%, máy móc và thiết bị tăng 82,3%.

EVFTA đã mở ra cơ hội xuất khẩu mới cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Một số mặt hàng Việt Nam chưa từng xuất khẩu sang EU do rào cản kỹ thuật đã có thể bước chân vào thị trường này, trong đó có thể kể đến nhóm hàng gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm có mức tăng trưởng trên 50%, các sản phẩm gốm, sứ cũng có mức tăng trên 25%, hàng rau quả tăng trên 15%.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký năm 2020 giữa ASEAN với 5 nước đối tác (Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) là hiệp định có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu. RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết đã có trong khuôn khổ các hiệp định trước đây của ASEAN với các nước đối tác kể trên (ASEAN+6).

Các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP (của Park et al. năm 2021 và của Ngân hàng Thế giới WB năm 2022) đều cho rằng Hiệp định có thể tác động tích cực tới kinh tế khu vực, trong đó những nước có định hướng xuất khẩu được hưởng lợi nhiều hơn. Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra Việt Nam có nhiều cơ hội từ RCEP, với dự báo của WB 2022 GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030.

Tuy nhiên một số phân tích khác như báo cáo của Petri năm 2018 và của CIEM năm 2022 cũng chỉ ra RCEP sẽ đặt ra khá nhiều vấn đề với Việt Nam. Việt Nam sẽ không được hưởng lợi nhiều từ yêu cầu cắt giảm thuế quan của RCEP bởi đã và đang thực hiện cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ ASEAN+6 FTA, đồng thời cũng đang tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương khác với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, các quy tắc xuất xứ trong RCEP có thể kích thích nhập khẩu hàng hóa trung gian vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc, tạo ra những bất lợi cho phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các FTA sẽ là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu "đứng vững" trước tác động tiêu cực của thế giới

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tình hình nền kinh tế thế giới cũng như hoạt động thương mại của Việt Nam đang và sẽ gặp ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao trên toàn cầu. Điều này khiến mức tăng trưởng thương mại dự kiến của Việt Nam trong năm 2023 sẽ thấp hơn năm 2022.

Trong bối cảnh đó, việc tận dụng và nắm bắt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là 3 hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ là mấu chốt và lợi thế để các doanh nghiệp có thể đứng vững trước những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới.

Do vậy, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục nắm chắc được lộ trình giảm thuế và các yêu cầu như điều kiện xuất xứ, giấy chứng nhận… của các hiệp định nhằm đáp ứng được những yêu cầu đặc thù để tận dụng hiệp định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu. Đây là một vấn đề không đơn giản vì hàng rào kỹ thuật luôn có sự thay đổi và nâng cao theo từng năm, từng thời kỳ.

Việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp đối tác cả trong và ngoài nước là tiêu chí quan trọng để giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt thông tin, thương lượng hợp đồng, nhìn xa hơn là để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, giúp đỡ lẫn nhau, hình thành chuỗi cung ứng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay đây vẫn là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp rất cần xây dựng các thương hiệu riêng, lớn mạnh của Việt Nam nhằm xuất khẩu hiệu quả, tạo giá trị cao cho sản phẩm xuất khẩu, hơn là xuất khẩu dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài hoặc xuất khẩu hàng thô, không có tên tuổi. Chuyên gia Nguyễn Minh Phong đánh giá đây là điều rất quan trọng và cần có kế hoạch dài hơi bởi nếu không, Việt Nam sẽ luôn chỉ đứng thứ hạng sau so với các nước trong hoạt động thương mại quốc tế.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/3-hiep-dinh-thuong-mai-the-he-moi-co-hoi-cho-xuat-khau-viet-nam-2023-post16839.html