3 kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra 3 kiến nghị quan trọng.

Theo ông Muto Shiro - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI): JCCI cam kết hỗ trợ đầy đủ cho mục tiêu giảm phát thải cacbon của Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2050.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng “thực tế” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Quá trình hợp tác này dựa trên khái niệm AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á).

"Cùng với AZEC, khu vực tư nhân Nhật Bản cũng sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh thông qua công nghệ giảm phát thải cacbon, đầu tư và tài chính" - ông Muto Shiro cho biết thêm.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng “thực tế” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Trên thực tế, năm 2023, JCCI đã thành lập Nhóm công tác thúc đẩy Chuyển đổi xanh/AZEC để thúc đẩy các dự án cụ thể trong lĩnh vực này và chia sẻ thực tiễn tốt nhất với các bộ liên quan.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững, ông Muto Shiro đưa ra 3 khuyến nghị quan trọng cho Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối, điện rác.

Thứ hai, đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện 8 (PDP8); Thứ ba, đảm bảo môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) để nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, theo ông Muto Shiro để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, toàn xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm về chi phí tái chế và việc xây dựng hướng dẫn thực hiện chi tiết về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) cũng là những điều kiện cần khác. Ngoài ra, để thúc đẩy đổi mới, đại diện JCCI cho rằng, Việt Nam cần tăng cường chuỗi cung ứng và cải cách thủ tục hành chính, bởi khi các công ty trong nước của Việt Nam hợp tác nhiều hơn với các công ty nước ngoài và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều này sẽ thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi sang các ngành có giá trị gia tăng cao.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, JCCI cũng đã và đang hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực công nghiệp thông qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Cùng với đó, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng đã giới thiệu nhiều công ty Việt Nam với các doanh nghiệp chế biến chế tạo Nhật Bản bằng cách tổ chức triển lãm công nghiệp phụ trợ và công bố danh sách các nhà cung ứng tốt tại Việt Nam.

JCCI mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp các loại giấy phép (Ảnh minh họa)

Liên quan đến cải cách hành chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần: Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác cho doanh nghiệp. Đồng thời, chấm dứt tình trạng yêu cầu nhà đầu tư thực hiện những điều kiện không hợp lý hoặc nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn, được đóng góp ý kiến từ góc độ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình sửa đổi các quy định về thuế tại Việt Nam, ví dụ như sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng và Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT).

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2024, Việt Nam đã thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 473,965 tỷ USD đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 5.288 dự án, với tổng vốn đăng ký 74,310 tỷ USD, đứng thứ 3/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, ông Nakajima Takeo – Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết: Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là có tình hình chính trị xã hội ổn định, quy mô thị trường, chi phí nhân công rẻ, dễ tuyển dụng nhân lực và chất lượng nhân viên cao. Môi trường kinh doanh của Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Số doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng tăng trưởng thị trường là lợi thế cao hơn 14.6 điểm so với mức trung bình của ASEAN.

Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư triển vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản khi 54,3% doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong năm 2023.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/3-kien-nghi-cua-doanh-nghiep-nhat-ban-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-310591.html