3 kiến nghị để thị trường khoa học, công nghệ phát triển

Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đã chú trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đặc biệt là phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng nay, 28.10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Chính sách bất cập, thiếu đồng bộ

Chủ trương đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ, coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, là then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được thể hiện trong các Văn kiện của Đại hội Đảng XIII, trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo đến năm 2030 kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trong thời gian qua, mặc dù tình hình thiên tai, dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội), Chính phủ đã kế thừa, phát huy và nhân rộng tinh thần khởi nghiệp, đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với quyết tâm rất cao, được cử tri, Nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao.

Theo đại biểu, đã có rất nhiều hoạt động quan trọng, nhiều hội nghị, hội thảo đã được triển khai từ trung ương đến địa phương, thu hút đông đảo các thành phần tham gia và tập trung thảo luận nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Điển hình là Hội nghị phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 9 vừa qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ, coi thị trường khoa học, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Thị Lan cũng chỉ rõ, đối với Việt Nam, thị trường khoa học, công nghệ mặc dù đã hình thành nhưng sự phát triển còn chậm hơn so với các thị trường khác. Về nguyên nhân, đại biểu cho rằng, thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ, làm cho việc hợp tác giữa bên cung và bên cầu trên thị trường khoa học, công nghệ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là ách tắc.

Mạnh dạn thí điểm cơ chế đột phá cho tổ chức khoa học, công nghệ

Để thị trường khoa học, công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Lan nêu rõ, cả bên cung và bên cầu cần được quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng. Với góc nhìn từ một cơ sở đào tạo và nghiên cứu, với vai trò là người đứng đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nơi có đội ngũ các nhà khoa học khá đông đảo, được coi là bên cung trong thị trường khoa học, công nghệ và là thành viên của đội ngũ trí thức khoa học, ĐB Nguyễn Thị Lan nêu 3 kiến nghị:

Một là, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, đã được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cử tri góp ý và được kết luận trong các chuỗi hội nghị, hội thảo tham vấn vừa qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, làm phong phú thị trường khoa học, công nghệ.

Hai là, Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức khoa học, công nghệ, như giao thêm nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu, theo dõi kinh phí ít nhất là 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu, tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ.

Cùng với đó là đổi mới cơ chế tài chính, thanh, quyết toán, đấu thầu các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cho phù hợp với thực tiễn đòi hỏi của hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên, chia sẻ rủi ro với các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó. Cho thí điểm các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như mô hình spin-off, mô hình hợp tác xã trong trường đại học và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.

Ba là, Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ thêm cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học, công nghệ cho thị trường khoa học, công nghệ.

Hiện nay, ngân sách nghiên cứu dành cho khoa học, công nghệ của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc. Chúng ta chỉ chi có 0,5% GDP trong khi Thái Lan chi gấp 2 lần, Trung Quốc gấp 5 lần, Cộng hòa Liên bang Đức và Hoa Kỳ gấp 6 đến 7 lần và Hàn Quốc gấp 10 lần. Số cán bộ nghiên cứu trên 1 triệu dân của Việt Nam cũng thấp hơn các nước, theo World Bank năm 2019 thì số người nghiên cứu khoa học trên 1 triệu dân của Việt Nam là 757 người, của Trung Quốc và Thái Lan gấp 2 lần, Cộng hòa Liên bang Đức gấp 8 lần, Singapore gấp 10 lần và Hàn Quốc thì gấp 11 lần.

Do đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát lại các tổ chức khoa học, công nghệ, các trường đại học để quy hoạch lại các viện nghiên cứu, có chiến lược đầu tư, nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức khoa học, công nghệ. Cần tăng đầu tư kinh phí hỗ trợ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ cho các viện nghiên cứu, các trường đại học, nơi có đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ đông đảo và coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tạo nên tầm vóc và thế đứng của đất nước trên trường quốc tế, tạo nên chân dung hình ảnh của một quốc gia, một dân tộc. Đây chính là nôi cho sự sáng tạo, đổi mới công nghệ và cũng là nơi cung cấp các sản phẩm khoa học, công nghệ có chất lượng cao, làm cho thị trường khoa học, công nghệ phong phú, giàu tiềm năng, mang lại giá trị cao, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển phồn vinh, tươi đẹp.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/3-kien-nghi-de-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-phat-trien-i305166/