3 lần đánh thắng tàu Pháp đổ bộ từ đường biển của quân và dân Hoằng Hóa

3 lần đánh thắng tàu Pháp đổ bộ từ đường biển của quân và dân Hoằng Hóa

Vào những ngày tháng 5 lịch sử này, có dịp về thăm khu du lịch Hải Tiến, đi trên bãi cát dài, trắng mịn trong trong tiếng sóng vỗ rì rào và hơi thở mặn mòi của biển cả, chúng tôi bồi hồi nhớ lại cách đây vừa tròn 70 năm, cũng trên dải đất này, quân dân các xã vùng biển huyện Hoằng Hóa đã làm nên chiến tích kiên cường: đánh đuổi tàu Pháp đổ bộ quấy rối hậu phương.

Bãi “râu rồng”, khu vực núi Hòn Bò, Công viên Văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa).

Là huyện đồng bằng ven biển có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng của xứ Thanh: liền kề với TP Thanh Hóa, có 12 km bờ biển cùng 2 cửa lớn là Lạch Trường và Lạch Trào, từ xa xưa đây đã là địa bàn xung yếu che chắn cho tỉnh lỵ từ hướng đông và hướng bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945 - 1954), với âm mưu ngăn chặn hậu phương chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, thực dân Pháp đã nhiều lần dùng tàu chiến bắn pháo, thả gián điệp, biệt kích đánh phá tỉnh ta. Trong đó chỉ tính riêng năm 1953, huyện Hoằng Hóa đã phải 3 lần chống lại tàu chiến địch tấn công từ hướng biển.

Lần thứ nhất vào ngày 15 tháng 5 năm 1953, chúng dùng tàu đổ bộ (Nhân dân địa phương gọi là tàu Há Mồm) tấn công 2 làng Man Thôn và Nại Thôn xã Hoằng Yến cũ (nay thuộc Hoằng Trường) với âm mưu chiếm điểm cao núi Hà Giò và vùng cửa sông, từ đó khống chế khu vực cửa biển cũng là tuyến đường vận tải sông Lạch Trường, sông Cung đến sông Mã đi lên thị xã Thanh Hóa. Do nắm được tình hình nên ngay từ trước đó, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ địa phương đã nhanh chóng báo động cho Nhân dân trong vùng sơ tán, cất giấu tài sản, đồng thời phối hợp với bộ đội huyện tích cực triển khai phương án tác chiến. Đúng như dự kiến của ta, mờ sáng ngày 15 tháng 5, địch cho tàu chiến đổ bộ một trung đội lính ngụy vào hai làng trên. Chúng hùng hổ tiến vào nhưng liền bị quân dân ta với những vũ khí thô sơ như súng kíp, mã tấu, chông, mìn chặn đánh quyết liệt. Nhiều tên giặc bị trúng đạn, trúng chông, mìn chết tại chỗ. Số còn lại hoảng sợ, vội vã rút xuống tàu chạy ra biển. Sau khi giặc rút lui, chi ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả trận càn: chôn cất các chiến sỹ hy sinh, giúp đỡ đồng bào dựng lại nhà cửa bị đốt phá và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu. Chỉ trong thời gian không đầy một tháng, đời sống Nhân dân đã nhanh chóng trở lại ổn định bình thường.

Bị thất bại trong đợt càn này, địch chuyển hướng hoạt động, nên lần thứ 2 vào ngày 1 tháng 8 năm 1953 chúng dùng tàu ngầm đổ bộ lên 2 thôn Xuân Vi và Bằng Trì, xã Hoằng Thanh cũ (nay là Hoằng Thanh và Hoằng Phụ). Với khoảng một đại đội có trang bị vũ khí đầy đủ, từ 2 giờ sáng ngày hôm ấy, địch ngụy trang là bộ đội và dân quân du kích do một tên phản động địa phương chỉ điểm, sục sạo đến một số xóm làng lùng bắt cán bộ. Chúng đã giết hại tại chỗ hơn chục du kích. Phát hiện được tình hình, ta đã huy động lực lượng gồm một tiểu đội bộ đội huyện phối hợp với các trung đội du kích các thôn Tây Lương, Lương Ngọc, Thanh Hà, Xuân Vi, xã Hoằng Thanh kịp thời triển khai chiến đấu với địch ngay trong đêm tối. Đến mờ sáng, địch phải rút quân ra biển. Sau trận càn này, Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến - hành chính và Ban quân sự huyện đã chỉ đạo kiện toàn lại lực lượng du kích các địa phương vùng biển, lấy những đảng viên, thanh niên trung kiên, dũng cảm làm nòng cốt. Bộ đội huyện được phân công thay phiên nhau về các xã phối hợp với dân quân du kích, tự vệ địa phương luyện tập kỹ thuật, chiến thuật, xây dựng phương án bố phòng chiến đấu. Một số vũ khí, trang bị cũng được tăng cường thêm. Ở những hướng trọng yếu, quân dân du kích đào thêm nhiều hầm hào, đặt chông, gài mìn mai phục, tăng cường tuần tra canh gác. Vì vậy trong lần đổ bộ thứ 3 vào khoảng chập tối ngày 4 tháng 12 năm 1953, khi hai tàu chiến địch cho quân mò lên các thôn Bằng Trì và Khúc Phụ, vừa lên khỏi mặt nước, chúng đã bị quân dân ta phát hiện, bao vây chặn đánh quyết liệt. Bọn địch chưa kịp gây tội ác đã phải tháo chạy xuống tàu, bỏ lại xác 7 tên lính tử trận. Cuộc chống càn lần này nhanh chóng thu được thắng lợi, đã gây tiếng vang lớn, làm nức lòng quân dân toàn huyện cũng như trong tỉnh. Có tác dụng động viên, cỗ vũ, tạo niềm tin để Nhân dân ta tích cực xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh, từ đó có điều kiện chi viện sức người, sức của cho kháng chiến chống Pháp thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Ba lần trực tiếp đọ sức với kẻ thù xâm lược, quân dân du kích và bộ đội địa phương Hoằng Hóa đã thể hiện được tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhanh chóng khống chế và đẩy lùi kẻ địch, góp phần chặn đứng âm mưu càn quét thường xuyên của giặc đối với vùng tự do Liên khu IV, giữ vững ổn định hậu phương, tiếp tục chi viện sức người sức của cho tiền tuyến đánh giặc. Đây còn là những kinh nghiệm quý để trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này quân dân ven biển Hoằng Hóa phát huy đã nhiều lần bắn cháy máy bay, tàu chiến Mỹ xâm phạm (chiến công của các Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, nữ dân quân Hoằng Hải, dân quân Hoằng Phụ...)

Tròn 70 năm đã trôi qua, hòa chung cùng sự nghiệp phát triển đi lên của đất nước, Hoằng Hóa nói chung, các xã miền biển nói riêng hôm nay đã có nhiều đổi thay khởi sắc. Sự kiện 3 lần đánh thắng tàu giặc đổ bộ bằng đường biển năm 1953 mãi mãi là niềm tự hào to lớn, là bài học sâu sắc đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, khu vực phòng thủ vùng biển vững chắc, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược ở mọi nơi, mọi lúc và từ mọi hướng của quân và dân Hoằng Hóa anh hùng.

Trần Đức Tuấn (Huyện ủy Hoằng Hóa)

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Cuốn Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của nhân dân Hoằng Hóa, T1, 1995)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/3-lan-danh-thang-tau-phap-do-bo-tu-duong-bien-cua-quan-va-dan-hoang-hoa/27283.htm