3 năm, 2 lần con bỏ nhà đi vì phải học trường bố mẹ chọn

Trong 3 năm học đại học, Đỗ Thành Đạt (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã có tới 2 lần bỏ nhà đi vì phải học trường bố mẹ chọn. 2 lần tưởng vĩnh viễn mất con khiến bố mẹ Đạt thường tiếc nuối ước 'Giá như ngày đó không ép con!'.

Chán học, bỏ nhà đi... phượt

Hồi Đạt thi đại học, ngày nào nhà Đạt cũng như có “chiến tranh” vì mỗi người một ý. Tuy nhiên, cả bố và mẹ, không ai quan tâm xem Đạt thích học gì mà thường chỉ tranh luận với nhau xem học ngành nào sau này ra trường bố sẽ xin được việc hay mẹ xin được việc cho cậu.

Đạt đi thi với tâm thế của người không được phép làm theo ý mình. Với học lực khá, cậu cũng dễ dàng trúng tuyển vào hệ dân sự của một trường khối Quân đội. Tuy nhiên, quá trình học đại học quả là chật vật với Đạt vì học kỹ thuật chưa bao giờ là điều cậu muốn.

Năm thứ hai, có lẽ vì quá sức chịu đựng, Đạt âm thầm... bỏ nhà ra đi. Tối đó, mãi không thấy con về, cả nhà Đạt mới lùng sục tìm con. Tất nhiên, toàn bộ điện thoại, facebook cá nhân của Đạt đều trong trạng thái không thể liên lạc.

Các bạn Đạt đều nói, chiều hôm đó không thấy cậu đến lớp. Lúc cả nhà cảm thấy bế tắc, định báo công an thì cô của Đạt nhớ ra mấy hôm trước Đạt mượn Ipad của cô. Tuy nhiên, trong phần lịch sử truy cập, chỉ thấy Đạt vào một nhóm phượt. Sau khi nhờ bạn là thành viên của nhóm này tìm nick của Đạt thì không có. Cô phải liên hệ với Admin tìm hiểu xem trong khoảng thời gian đó có những thành viên nào mới được kết nạp bằng nick mới lập.

Mày mò ngồi cả đêm tìm hiểu, cô phát hiện ra, có một nick mới vừa kết bạn với Đạt là một cô bé học sinh ở Quảng Nam. Cô lập tức nhắn vào inbox cho cô bé này rằng mình là người nhà của Đạt và hỏi có phải Đạt đang ở Quảng Nam không? Sáng hôm sau, nhận được tin nhắn của cô bé kia xác nhận có bạn tên Đạt sắp từ Hà Nội vào, cả nhà đã bàn nhau phải nói thật để nhờ cô bé “giữ chân” Đạt ở đó, rồi bố và chú Đạt vào đón con về.

Hôm đó, Đạt đã khá bất ngờ khi nhìn thấy bố và chú xuất hiện “túm cổ” cậu về. Cả nhà mấy thế hệ lại ngồi “lên lớp” bảo Đạt phải tập trung học hành vì đã đi được một nửa chặng đường. Đạt lại ôm sách vở đến lớp, tiếp tục thực hiện ước mơ của người lớn trong nhà.

Lãng phí 3 năm học

Mọi chuyện êm êm được một thời gian, đến năm thứ ba, cả nhà lại thêm một lần tá hỏa vì cậu con... không về. Lần này, rút kinh nghiệm từ lần trước, Đạt không để lại chút dấu vết nào để mọi người có thể lần ra manh mối. Tuy nhiên, cậu vẫn sơ hở khi trong đám giấy tờ vo viên vứt ở thùng rác có ghi một số điện thoại di động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hóa ra, là số của một phòng vé máy bay. Sau khi biết Đạt vào TPHCM, bố và chú của Đạt tiếp tục xin nghỉ làm để vào tìm con, cháu. “Mai phục” suốt mấy ngày ở quận 1, đến lúc tưởng chừng như bỏ cuộc thì bố Đạt nhận ra một cậu bạn trong bức ảnh dán ở phòng con trai. Họ mất dấu của cậu bạn ăn mặc rất bụi, vai đeo đàn khi cậu này len lỏi vào ngách nhỏ...

Sáng hôm sau, bố và chú của Đạt dậy rất sớm, đến ngồi án ngữ phía đối diện ngách để đợi. Mãi đến gần trưa, cậu này mới xuất hiện. Khi bố Đạt gọi cậu lại hỏi chuyện, cậu chối ngay không quen ai tên vậy. Chỉ đến khi bị áp tải, bắt phải đưa về nhà mở cửa nếu không sẽ báo công an, cậu mới miễn cưỡng đưa hai người về. Đạt há hốc mồm khi thấy bố đứng trước cửa.

Sau lần bỏ nhà thứ hai của Đạt, đại gia đình lại tiếp tục “họp”. Lần này không chỉ có người lớn nói, mà Đạt đã được lắng nghe. Cậu nói, thực ra, trước khi vào TP.HCM, cậu đã bỏ học. “Con không thể tập trung học nổi, con thấy học rất khổ nên muốn nghỉ!”, Đạt nói. “Vậy giờ con tính sao? Muốn đi học tiếp hay bố mẹ tìm việc làm cho con?”, mẹ Đạt hỏi. “Con muốn đi học, nhưng không phải học tiếp ở trường đó. Nếu bố mẹ đồng ý, con muốn học công nghệ thông tin!”, Đạt trả lời.

Hiện tại, Đạt là học viên mới của khóa đào tạo lập trình viên kéo dài trong 2 năm. Bố mẹ cậu cho biết, thấy con trai rất hào hứng với ngành học mới nên coi như chi phí, thời gian 3 năm học trước đó của con là bài học đắt giá trong việc định hướng cho con, cháu trong nhà.

Học văn chỉ mơ về... nhạc

Trà My, sinh viên K59 khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ: Suốt mấy năm học Văn, cô thường tập trung vào âm nhạc. Từng ngày, từng ngày cô tập luyện từ thanh nhạc đến vũ đạo với mong muốn trở thành 1 ca sĩ, 1 dancer thay vì làm 1 giáo viên hay phóng viên. “Bây giờ, tôi vẫn thấy mông lung lắm, nếu làm giáo viên theo lời của bố mẹ thì chắc chắn cuộc sống sẽ yên bình hơn, nhưng đam mê sẽ đành phải gác lại”, My nói.

Về trường hợp của Trà My, GS Nguyễn Lân Dũng khuyên: Năng khiếu âm nhạc của em rất rõ rệt, năng khiếu đó sẽ quyết định cuộc đời em nên em cần thuyết phục bố mẹ. Kiến thức văn học rất bổ ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, em vẫn nên đi theo định hướng mà trong tim em đã xác định. Giữa văn học và âm nhạc, em phải xác định xem sở thích nào mạnh hơn. Hoặc nếu kết hợp được cả hai thì càng tốt, em có thể vẫn đi dạy và hướng dẫn học sinh hát, nhảy múa. Tài năng sẽ làm em nổi lên trong môi trường mà em sống.

* Tên nhân vật 2 lần bỏ nhà đi đã được thay đổi

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/3-nam-2-lan-con-bo-nha-di-vi-phai-hoc-truong-bo-me-chon-post47102.html