3 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu tháng 12-2020

Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng; Vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai thuế có thể bị phạt đến 25 triệu đồng; Phạt đến 80 triệu đồng nếu vận chuyển trái phép tiền mặt qua biên giới… là những Nghị định sẽ có hiệu lực từ tháng 12-2020.

Phạt đến 100 triệu đồng nếu báo chí đưa thông tin sai sự thật

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực từ ngày 01-12-2020.

Theo đó, mức phạt tiền đối với cơ quan báo chí có hành vi đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật cụ thể như sau:

- Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng: phạt từ 5 – 10 triệu đồng (hiện hành nếu chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị phạt từ 02 – 06 triệu đồng);

- Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng: phạt từ 50 – 70 triệu đồng (hiện hành phạt từ 10 – 20 triệu đồng);

- Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng: phạt từ 70 – 100 triệu đồng (hiện hành phạt từ 40 – 60 triệu đồng).

Ngoài bị phạt tiền, cơ quan báo chí còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

- Cải chính, xin lỗi đối với hành vi vi phạm;

- Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.

Riêng đối với hành vi gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 đến 12 tháng.

Lưu ý: Các mức phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm.

(Theo Điều 8 Nghị định 119 và Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013).

Vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai thuế có thể bị phạt đến 25 triệu đồng

Nội dung nổi bật này được quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành về thuế, hóa đơn có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, mức xử phạt đối với tổ chức có hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định, cụ thể như sau:

(a) Phạt cảnh cáo nếu quá thời hạn từ 01 – 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;

(b) Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 01 – 30 ngày (trừ trường hợp tại (a));

(c) Phạt tiền từ 05 – 08 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 31 – 60 ngày;

(d) Phạt tiền từ 08 – 15 triệu đồng nếu quá thời hạn từ 61 – 90 ngày hoặc quá thời hạn từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

(đ) Phạt tiền từ 15 – 25 triệu đồng nếu quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế và:

Có phát sinh số thuế phải nộp và đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019;

Nếu số tiền phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì mức phạt tối đa bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền tại (d).

Phạt đến 80 triệu đồng nếu vận chuyển trái phép tiền mặt qua biên giới

Nội dung này được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực từ ngày 10-12-2020.

Theo đó, cá nhân vận chuyển trái phép hàng hóa, đồng Việt Nam tiền mặt, ngoại tệ tiền mặt, vàng, kim loại quý khác, đá quý qua biên giới sẽ bị phạt tiền như sau:

- Từ 05 – 10 triệu đồng nếu tang vật vi phạm có trị giá dưới 30 triệu đồng;

- Từ 10 – 20 triệu đồng nếu tang vật vi phạm có trị giá từ 30 đến dưới 50 triệu đồng;

- Từ 20 – 40 triệu đồng nếu tang vật vi phạm có trị giá từ 50 đến dưới 70 triệu đồng;

- Từ 40 – 60 triệu đồng nếu tang vật vi phạm có trị giá từ 70 đến dưới 100 triệu đồng;

- Từ 60 – 80 triệu đồng nếu tang vật vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm mức phạt tiền sẽ bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/3-nghi-dinh-ve-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-co-hieu-luc-tu-dau-thang-12-2020-218822.html