3 người chết, 1 người nguy kịch do ngộ độc nấm rừng

Cả 4 người bị ngộ độc nấm rừng dẫn đến tử vong và nguy kịch này đều là người cùng một gia đình.

BS. Trần Văn Học, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang cho TTXVN biết, mặc dù đã huy động nhiều bác sĩ nỗ lực điều trị, nhưng đến chiều 2/4, 3 bệnh nhân trong vụ ngộ độc nấm ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã tử vong. Một bệnh nhân nặng còn lại đang ở tình trạng nguy kịch, đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Trước đó vào lúc 7h ngày 28/3, tại thôn Khâu Mèng thuộc xã Thuận Hòa, ông Sùng Diêu Hồng (sinh năm 1966) đi hái nấm về nấu bữa sáng cho cả gia đình, gồm ông Sùng Diêu Hồng, bà Thào Thị Vá (sinh năm 1970, là vợ ông Hồng), anh Sùng Văn Hoàng (sinh năm 1990, là con trai ông Hồng) và chị Ly Thị Pà (sinh năm 1995, là con dâu ông Hồng).

Sau khi ăn nấm xong không ai có biểu hiện gì. Đến khoảng 15h cùng ngày thì cả 4 người đều bị nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt. Và đến nửa đêm cùng ngày, cả 4 nạn nhân đã được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang.

Mặc dù Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã huy động nhiều bác sĩ nỗ lực điều trị, nhưng do bị nhiễm chất độc quá nặng, nên trong ngày 31/3 và 1/4, anh Sùng Văn Hoàng và bà Thào Thị Vá tử vong. Đến chiều ngày 2/4, chị Ly Thị Pà cũng tử vong.

Hiện ông Sùng Diêu Hồng đang ở tình trạng nguy kịch, đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thường trực UBND huyện Vị Xuyên và các ban, ngành, đoàn thể của huyện và xã Thuận Hòa đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí giúp gia đình gặp hoạn nạn; vận động bà con trong thôn đến giúp đỡ gia đình làm các thủ tục mai táng cho các nạn nhân theo phong tục địa phương.

Xử trí ngộ độc nấm như thế nào?

Trong các loại thực phẩm gây ngộ độc thì ngộ độc nấm là nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong nhiều nhất, vì nấm độc chứa các chất như muscarin, phallatoxin, amatoxin… có tác dụng tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người.

Khi bị ngộ độc nấm, người bệnh thường buồn nôn, khó chịu, nôn ra thức ăn lẫn máu; đau bụng từng cơn, có khi đau dữ dội, đi ngoài nhiều lần có mùi tanh hôi, đôi khi lợn cợn máu; toàn thân mệt mỏi, thân nhiệt hạ, khát nước, có khi nổi mẩn ngứa, trụy mạch, tụt huyết áp, người tái xanh; khó thở, phế quản bị co thắt; nếu ngộ độc nặng (khi ăn phải nấm có chất độc muscarin) thì biểu hiện nhanh sau khi ăn, rối loạn thần kinh, co giật, mê sảng hoặc hôn mê, người tím tái, có thể tử vong trong vòng 2-3 giờ.

Bộ Y tế đã khuyến cáo: Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm ngay lập tức phải gây nôn, rồi chuyển nạn nhân đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời như rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.

Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

Để phòng ngộ độc nấm, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả... Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Điều lưu ý, nếu nghi ngờ ngộ độc nấm, cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm: Nếu dưới 6 giờ đồng hồ, điều trị ở xã, huyện; nếu hơn 6 giờ đồng hồ, gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu.

TB

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/3-nguoi-chet-1-nguoi-nguy-kich-do-ngo-doc-nam-rung/333332.vgp