3 nguyên nhân NATO bỏ rơi Ukraine trong cuộc chiến với Nga

NATO không muốn gây chiến với một cường quốc như Nga, để bảo vệ một quốc gia không phải thành viên của khối.

Ukraine muốn dùng NATO làm con bài chống Nga

Ngày 6 tháng 7, tân Tư lệnh Hải quân thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine là chuẩn Đô đốc Aleksey Neizhpapa hứa rằng, hạm đội Ukraine sẽ quay trở lại Sevastopol sau khi chiếm lại bán đảo Crimea. Lực lượng Hải quân Ukraine đang chuẩn bị cho chiến sự toàn diện với Nga.

Theo ông, chính quyền Kiev đang trông chờ thời điểm quân đội Nga tấn công vào khu vực Kherson để đưa nước sông Dnepr chảy vào bán đảo Crimea. Dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra đối đầu là giữa hai nước là việc Nga nỗ lực khôi phục kênh đào Severno-Crimeasky trên bán đảo này.

Ông Neizhpapa cũng tuyên bố rằng, Hải quân Ukraine dự định năm 2021 sẽ triển khai ba tiểu đoàn tên lửa hành trình chống hạm Neptune ở Biển Đen và Biển Azov, mà mục tiêu của nó thì không cần nói rõ, ai cũng có thể biết đó là bán đảo Crimea.

"Các đơn vị của chúng tôi sẵn sàng đón đợi những hành động như vậy. Tầm hoạt động của hệ thống tên lửa Neptune cho phép nó có thể bắn từ đất liền của Ukraine đến sát Sevastopol. Rồi ở đó chúng ta sẽ thấy" – vị Tư lệnh Hải quân Ukraine nhấn mạnh.

Đáp lại, giới chức lãnh đạo quân đội Nga coi tuyên bố của ông Neizhpapa là chuyện nhảm nhí và là những tuyên bố có chủ đích để thúc đẩy tâm trạng cuồng loạn chống Nga ở Ukraine và tìm cách lôi kéo khối NATO vào làm chỗ dựa trong cuộc chiến tranh với Nga.

Trong thời gian qua, chính quyền Kiev đang hướng tới gia nhập khối NATO. Vào tháng 5, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập NATO, khi người dân Ukraine đã sẵn sàng cho việc này.

Trả lời câu hỏi của nhà báo, liệu tuyên bố công khai về việc gia nhập NATO có làm phức tạp đàm phán với Nga hay không, Zelensky nói rằng, Ukraine là một quốc gia độc lập và hiến pháp của nước này hướng tới việc gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu.

Ukraine đừng hy vọng NATO can thiệp nếu xảy ra chiến tranh với Nga

NATO sẽ ‘không đổ máu’ vì Ukraine

Mặc dù chính quyền Kiev coi Liên minh châu Âu và NATO là mục đích hướng tới và là chỗ dựa chống Nga nhưng “nếu chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, NATO sẽ không can thiệp vào chuyện đó” - cựu chỉ huy Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ ở Châu Âu, Tướng Ben Hodges nói với TSN trong cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do Ukraine không phải là thành viên của NATO nên khối này không có nghĩa vụ phải làm như vậy.

Nguyên nhân thứ hai là mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ của một số thành viên NATO với Nga, đặc biệt là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và dĩ nhiên là các nước này không bao giờ muốn đối đầu với Moscow.

Nguyên nhân thứ ba là NATO - bất kể là liên minh quân sự hùng mạnh với sự tham gia của gần 30 quốc gia, đứng đầu là Mỹ, cũng không bao giờ muốn gây chiến với một cường quốc có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới và sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ như Nga.

Họ thừa hiểu rằng, nếu cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai bên xảy ra, rất có thể vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng ở phạm vi nhất định, và không ai muốn đất nước mình sẽ lâm vào thảm cảnh.

“Ngay cả tổng thống của tôi ở Hoa Kỳ cũng không thể gây áp lực toàn diện lên điện Kremlin” – vị cựu Tư lệnh Mỹ ở châu Âu thẳng thắn thừa nhận việc không nước nào trong khối NATO muốn can thiệp vào chiến tranh Nga-Ukraine, dập tắt những hy vọng mong manh của chính quyền Kiev.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/3-nguyen-nhan-nato-bo-roi-ukraine-trong-cuoc-chien-voi-nga-3411160/