3 nhà báo Nga bị sát hại khi đang tác nghiệp

Thông tin về vụ sát hại này đã được báo chí Nga và quốc tế đồng loạt đăng tải vào chiều 31-7. Theo đó, 3 người này mang thẻ nhà báo có tên Kirill Radchenko, Alexander Rastorguyev và Orkhran Dzhemal.

Họ rời khỏi thị trấn Sibut ở cộng hòa Trung Phi vào 19h thứ hai (ngày 30-7) và bị tấn công ở khu vực giữa hai làng, cách thị trấn Sibut 14 dặm. Một quan chức ở thị trấn Sibut tên là Marcelin Yoyo nói: "Lực lượng an ninh và cả người phụ trách đã khuyên họ đừng đi vì trời đã tối nhưng họ không nghe.

Chúng tôi phát hiện họ đã bị tấn công bởi 10 người đàn ông. Những người này chưa xác định được danh tính nhưng có vẻ họ không phải là người Trung Phi và họ chỉ có thể nói được tiếng Arab". Ông Marcelin Yoyo cũng khẳng định, cả 3 nhà báo đã bị giết ngay tại chỗ. Riêng người lái xe thì may mắn trốn thoát và đã thông báo cho chính quyền biết về vụ việc vào sáng sớm ngày 31-7.

Ba nhà báo Nga bị sát hại ở Cộng hòa Trung Phi.

Vladimir Monteiro, phát ngôn viên của Phái đoàn Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Trung Phi cho biết, thi thể của các nạn nhân đã được đưa tới nhà xác của một bệnh viện truyền giáo ở Sibut. Vladimir Monteiro còn cho biết thêm rằng ban đầu người ta không rõ có phải 3 nhà báo này là người Nga hay không. Tuy nhiên, giấy tờ cá nhân và thẻ nhà báo của họ thì ghi rõ họ là người Nga.

Đến chiều tối 31-7, Bộ Ngoại giao Nga đã xác định các nhà báo bị giết gồm Kirill Radchenko, Alexander Rastorguyev và Orkhan Dzhemal, đều là người Nga. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cũng gửi lời chia buồn tới thân nhân, gia đình các nạn nhân và cho biết họ đang làm việc để đưa thi thể của 3 nhà báo về Nga.

Trong 3 nhà báo nói trên thì Orkhan Dzhemal là phóng viên, Kirill Radchenko là quay phim, còn Alexander Rastorguyev là đạo diễn. Phóng viên Orkhan Dzhemal rất nổi tiếng với các bộ phim tư liệu về chiến tranh. Ông từng bị thương khi tác nghiệp ở Syria, trong khi người đồng hành là Alexander Rastorguyev từng nhận nhiều giải thưởng về phim tài liệu.

"Bộ Ngoại giao Nga đang làm việc với các cơ quan hành pháp của Nga và với các nhà ngoại giao để liên lạc với các cơ quan hành pháp của Cộng hòa Trung Phi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng. Trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ tiếc thương với các nhà báo Nga, đồng thời ca ngợi lòng dũng cảm của họ khi dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất thế giới.

Hiện nguyên nhân vụ việc chưa chính thức được công bố. Giới chức Nga cho biết đang mở một cuộc điều tra riêng để làm rõ cái chết của 3 nhà báo này. Trong khi đó, một cảnh sát địa phương nói với Interfax rằng động cơ dẫn tới vụ sát hại có thể xuất phát từ một vụ cướp.

Ba thi thể được phát hiện và chiếc ôtô đã trúng nhiều phát đạn. Đồng quan điểm này, chuyên gia nghiên cứu châu Phi Vasily Filippov cho rằng trong bối cảnh hỗn loạn bởi chiến tranh đang diễn ra tại Cộng hòa Trung Phi thì việc người nước ngoài bị sát hại vì cướp vẫn liên tục xảy ra.

"Tại Cộng hòa Trung Phi trong rất nhiều năm tình hình yên ổn và hòa bình, những người theo đạo Kito và đạo Hồi chung sống với nhau, nhưng sau đó xung đột nổ ra. Sự hiện diện của quân đội Pháp tại quốc gia châu Phi này phần nào khiến người dân tại Cộng hòa Trung Phi có thái độ không tốt với người châu Âu. Nhưng tôi đã loại trừ khả năng 3 nhà báo bị sát hại vì động cơ phân biệt chủng tộc hoặc tôn giáo.

Rất có thể đây là vụ cướp trong bối cảnh hỗn loạn do xung đột nói chung, những kẻ sát nhân cần gì từ những nhà báo Nga nữa? Đây là hành động tầm thường nhất có thể để cướp tiền từ những người châu Âu đến đây", chuyên gia Vasily Filippov nhận định.

Cho đến nay, công việc của 3 nhà báo thiệt mạng tại Trung Phi chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, họ dường như đang thực hiện phóng sự về hoạt động của tập đoàn Wagner, công ty an ninh tư nhân Nga chuyên cung cấp lính đánh thuê tới các điểm nóng trên thế giới.

Rodion Chepel, một nhà báo điều tra khác nắm rõ về kế hoạch của nhóm nhà báo Nga, nói với hãng tin RBC rằng các nhà báo đã đến thủ đô Bangui vào cuối tuần trước, sau đó đi về phía Đông tới thành phố Bombari. Trên đường đi họ đã bị chặn và sau đó mất liên lạc.

Một phát ngôn viên của chính phủ Cộng hòa Trung Phi, Ange Maxime Kazagui, cho biết các bộ liên lạc và an ninh công cộng và quốc phòng đã không cấp giấy chứng nhận cho một phái đoàn các nhà báo Nga. Điều này làm dấy lên những lo ngại và nghi ngờ về việc bảo vệ an ninh cho các nhà báo đang tác nghiệp tại nước này.

Chi Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/3-nha-bao-nga-bi-sat-hai-khi-dang-tac-nghiep-504704/