3 nhân tố khiến Trung Bộ mưa trắng trời, ngập thành sông

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lý giải có sự kết hợp của 3 nhân tố gây mưa to đến rất to ở khu vực Trung Bộ là: Gió đông bắc tầng thấp, địa hình và gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.

Báo Thanh Niên đưa tin, mưa lớn trong hai ngày 8 – 9/12 gây ngập nặng ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu từ Thanh Hóa vào đến Bình Định, gây tổn thất về nhân mạng và tài sản của người dân.

Theo Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, sáng 9/12, mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường sắt bắc - nam đoạn qua địa bàn Q.Cẩm Lệ (Đà Nẵng) với 2 điểm, mỗi điểm hơn 10 m, sâu trên 3 m. Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã không cho chạy tàu để đảm bảo an toàn; đồng thời điều động hàng chục công nhân cùng máy móc đến hiện trường gia cố sạt lở. QL1A đoạn qua xã Hòa Phước (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nước dâng cao, phương tiện cơ giới có gầm cao cũng không thể lưu thông do nước ngập 50 - 60 cm.

Đường phố nhiều tỉnh miền Trung ngập trong nước

Suốt ngày hôm qua 9/12, TP.Đà Nẵng hứng lượng mưa lớn kỷ lục khiến nhiều nơi ngập nghiêm trọng. Chưa đầy 5 giờ (tính từ 2 giờ 30 phút), lượng mưa tại Đà Nẵng đã đạt 327 mm, mức cao kỷ lục kể từ trận mưa tháng 10/2009 đến nay. Tại các vùng trũng như khu Đầm Rong, chân cầu Tiên Sơn, 2 trạm bơm lớn hoạt động vẫn không thoát kịp nước ra sông Hàn…

Đài khí tượng thủy văn trung Trung bộ ghi nhận lượng mưa rất lớn tại các quận trung tâm Đà Nẵng từ 3 - 7 giờ sáng 9/12 (300 - 400 mm), cá biệt tuyến đường Trưng Nữ Vương đo được 436,6 mm.

Ngập lụt đã gây xáo trộn và thiệt hại lớn. Trục đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi (Q.Thanh Khê) ngập trên 0,5 m. Tầng hầm chung cư Hoàng Anh Gia Lai (đường Hàm Nghi) biến thành hồ bơi, hàng chục ô tô bị nhấn chìm.

Chia sẻ với báo Tiền Phong về tình trạng ngập lụt, anh Nguyễn Chung (30 tuổi, trú kiệt 640 Trưng Nữ Vương) rầu rĩ: “Lúc 3h sáng, nghe mưa to quá nên tôi tỉnh giấc, bước xuống giường thì nước đã vào phòng hơn 10cm. Cả nhà thức từ đó tới giờ để dọn dẹp. Nhưng nhiều đồ đạc phải vứt đi vì “cứu” không kịp”. Nhìn nước lênh láng khắp phố, bà Hà Thị Hoa (60 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, chưa bao giờ mưa lớn mà Đà Nẵng lại ngập sâu như bây giờ. “Tui sống mấy chục năm ni, chỉ có lũ lịch sử mới khiến Đà Nẵng ngập lụt. Chứ chưa khi mô thấy mưa lớn, sau chỉ một đêm, mà Đà Nẵng đã thành sông như ri”, bà Hoa cảm thán.

Theo báo Lao Động, trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lý giải có sự kết hợp của 3 nhân tố gây mưa to đến rất to ở khu vực Trung Bộ là: Gió đông bắc tầng thấp, địa hình và gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.

Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên đêm 8/12 và 9/12, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to. Trong đó, lượng mưa Đà Nẵng 635mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 426.5mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 377.7mm, Quảng Ngãi 149.2mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 159.4mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lý giải: Trong đêm 8/12 và 9/12, các tỉnh phía nam của Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định mưa to hơn so với khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vì tại các tỉnh phía Nam có sự kết hợp của 3 nhân tố gây mưa to đến rất to đó là: Gió đông bắc tầng thấp, địa hình và gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.

Ở khu vực Trung Bộ từ Huế trở ra Thanh Hóa thuần túy là do gió đông bắc và địa hình. Tại đây trên cao là gió đông nam thổi dọc theo địa hình nên hầu như không có tác dụng làm tăng hội tụ ẩm, dẫn đến lượng mưa tại Huế có phần nhỏ hơn so với các tỉnh nằm ở phía Nam.

Đào Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/3-nhan-to-khien-trung-bo-mua-trang-troi-ngap-thanh-song-a414075.html