3 quốc gia tìm kiếm sự sống trên Hỏa tinh trong tuần tới

Đây là cuộc chạy đua giữa UAE, Trung Quốc và Mỹ trong công cuộc khai phá vũ trụ.

Một đội tàu không gian của UAE, Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt chân lên Hỏa tinh trong tháng này sau khi được phóng đi vào năm 2020. Đây sẽ là một sự kiện lịch sử đối với mỗi quốc gia.

Theo The Verge, sự kiện này đánh dấu sứ mệnh khám phá vũ trụ đầu tiên của UAE cũng như lần đầu Trung Quốc phóng tàu không gian lên Hỏa tinh một cách độc lập. Đối với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), họ sẽ triển khai máy bay trực thăng đầu tiên của nhân loại trên hành tinh này.

Sự kiện phóng tàu của 3 quốc gia đều diễn ra trong mùa hè năm 2020, khi Trái Đất và Hỏa tinh xếp thẳng hàng ngay trên quỹ đạo quay xung quanh Mặt Trời của chúng. Sự kiện này chỉ diễn ra sau mỗi 2 năm.

 Các nhà khoa học từ lâu đã đặt ra giả thuyết trên Sao Hỏa trước đây từng tồn tại sự sống. Ảnh: Vaisala.

Các nhà khoa học từ lâu đã đặt ra giả thuyết trên Sao Hỏa trước đây từng tồn tại sự sống. Ảnh: Vaisala.

Dấu chân đầu tiên của người Ả Rập

Phi thuyền đầu tiên đặt chân lên Hỏa tinh sẽ là tàu Emirati Hope của UAE. Sau khi được phóng đi vào tháng 7/2020 bởi tên lửa H-IIA của Nhật Bản, con tàu với kích thước của một chiếc xe hơi bay vào quỹ đạo của Hỏa tinh vào ngày 9/2. Nó sẽ dành 2 năm khảo sát khí quyển cho các hoạt động nghiên cứu về sự thay đổi thời tiết ở hành tinh này.

Sứ mệnh này đánh dấu UAE là nước Ả Rập đầu tiên phóng thành công tàu vũ trụ lên hành tinh khác, ghi tên mình vào các nước đã làm được điều tương tự.

Theo ông Sarah al-Amiri,Phó giám đốc dự án Emirates Mars Mission, trong tuần đầu tiên tàu Hope tiến vào quỹ đạo Hỏa tinh, các nhà nghiên cứu của UAE sẽ phân tích các dữ liệu được gửi về.

Một nhóm gồm khoảng 450 nhà nghiên cứu đã dành ra hơn 6 năm để thiết kế và thử nghiệm Hope. Dự án có sự hợp tác của Đại học Colorado và Đại học California (Mỹ) đã ngốn hơn 200 triệu USD từ Trung tâm Vũ trụ Mohammed bin Rashid.

Trước đây, UAE thường được biết đến là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, sứ mệnh này là cơ hội cho sự chuyển mình của quốc gia Ả Rập này sang một ngành công nghiệp mới.

Emirati Hope trong quá trình thử nghiệm trước khi được phóng lên Hỏa tinh. Ảnh: The Verge.

Tham vọng khai phá vũ trụ của người Trung Quốc

Sau cuộc đổ bộ của người Ả Rập một hôm, vào ngày 10/2, con tàu Tianwen-1 của Trung Quốc đặt chân đến Hỏa tinh. Con tàu không gian nặng 5 tấn này bay trên quỹ đạo của Hỏa tinh để khảo sát vùng Utopia Planitia, nơi có một lượng lớn băng đá nằm bên dưới bề mặt hành tinh.

3 tháng sau đó, Tianwen-1 sẽ triển khai tàu đổ bộ và xe tự hành lên bề mặt của khu vực này, đánh dấu Trung Quốc là quốc gia thứ hai hạ cánh và vận hành tàu nghiên cứu trên bề mặt Hỏa tinh.

Tianwen-1 được trang bị các công cụ giúp phát hiện được nước ngầm, thứ mà các nhà khoa học cho rằng đang năm giữ sự sống vi sinh vật.

Sứ mệnh này sẽ là chuyến thám hiểm Hỏa tinh đầu tiên của nhân loại hoàn thành cả 3 nhiệm vụ chỉ với một tàu thăm dò theo chia sẻ từ Ye Peijian, nhà khoa học hàng đầu tại Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc.

Hình ảnh mô phỏng Tianwen-1 trong quá trình nghiên cứu bề mặt Hỏa tinh. Ảnh: Business Standard.

Từ xe tự hành đến chiếc trực thăng đầu tiên ngoài vũ trụ

Một tuần sau khi tiếp cận Hỏa tinh, Tianwen-1 sẽ có thêm một đồng nghiệp từ Mỹ, đó chính là xe tự hành có tên là Perseverance, hay còn được gọi với một cái tên khác là “Percy”, được phóng bởi NASA.

Vào ngày 18/2, Perseverance sẽ hạ cánh trên miệng núi lửa Jezero, vốn là vùng châu thổ của một con sông cổ xưa, nơi được cho là còn lưu vết của sự sống trong quá khứ. Vị trí hạ cánh của Perseverance cách Tianwen-1 2.600 km.

Đây là nhiệm vụ thứ chín của NASA trong công cuộc nghiên cứu bề mặt Hỏa tinh. Như bao lần hạ cánh khác, Perseverance phải trải qua “7 phút kinh hoàng” - một cuộc phóng nhanh qua khí quyển của Hỏa tinh và đáp đất nhẹ nhàng trên bề mặt hành tinh này. Tất cả quá trình trên sẽ hoàn toàn tự động.

Trong thời khắc ngắn ngủi đó, Perseverance phải sử dụng kết hợp dù và 4 động cơ đẩy để giảm tốc từ 20.000 km/h ở độ cao trên đỉnh bầu khí quyển trước khi dừng lại trên bề mặt của Hỏa tinh. Vì độ trễ trong quá trình liên lạc giữa Trái Đất và Hỏa tinh là 14 phút, việc hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero, vốn là một địa hình hiểm trở với nhiều vách đá, phải được tàu triển khai hoàn toàn tự động.

Perseverance sẽ thực hiện nhiệm vụ thứ chín của NASA trên hành tinh đỏ. Ảnh: Space.

Do độ trễ, vào thời điểm các kỹ sư tại Phòng thí nghiệm sức đẩy và phản lực tại NASA nhận được tín hiệu Perseverance tiếp cận được khí quyển của Hỏa tinh, tàu đã hạ cánh xuống mặt đất. Nếu mọi việc suôn sẻ, Perseverance sẽ sử dụng 6 bánh xe trong ít nhất 2 năm để đi qua miệng núi lửa Jezero.

Thiết bị tham vọng nhất trong sứ mệnh lần này của NASA là một chiếc trực thăng có tên Ingenuity được đặt trên thân của Perseverance.“Chuyến bay thử của Ingenuity có thể được ví như sự kiện của anh em nhà Wright trên Sao Hỏa” theo Thomas Zurbuchen, Phó giám đốc của sứ mệnh này.

Ingenuity sẽ được cho bay thử trong bầu khí quyển siêu mỏng của Hỏa tinh. Nếu thành công, nó sẽ là thiết bị có cánh quạt thẳng đứng đầu tiên của nhân loạị bay trên hành tinh này. ”Ingenuity sẽ bay thêm 4 chuyến khác trong vòng 31 ngày tới nếu như chuyến bay đầu tiên thuận lợi,” Zurbuchen nói.

Inguinity sẽ là chiếc trực thăng tham gia cùng Perseverance trong sứ mệnh lần này của NASA. Ảnh: Space.

Sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất của nhân loại

Tuy có sự khác nhau giữa các sứ mệnh, đội tàu vũ trụ của cả 3 quốc gia đang mở ra một kỷ nguyên mới trong việc khám phá Hỏa tinh. Cuộc truy tìm sự sống ngoài Trái Đất đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Cả Trung Quốc, UAE và Mỹ đều đang chạy đua trong việc hiểu rõ hơn về thế giới được cho là đã tồn tại sự sống vào một thời điểm nào đó trong quá khứ hay thậm chí là hiện tại. Tianwen-1 sẽ nghiên cứu về thế giới bên dưới lòng đất, Hope lại khảo sát về bầu khí quyển và Perseverance phân tích các mẫu bụi của Hỏa tinh.

Trần Cơ

Theo The Verge

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-quoc-gia-tim-kiem-su-song-tren-hoa-tinh-trong-tuan-toi-post1181803.html