3 sai lầm chết người khi tự ngâm rượu thuốc

Rượu thuốc được truyền miệng có tác dụng ưu việt, song người dùng lại mắc rất nhiều sai lầm khi ngâm rượu.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An mới đây đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu thử liên quan tới vụ ngộ độc rượu tại huyện Quỳ Châu khiến một người tử vong, một người nguy kịch. Theo đó, mẫu thực phẩm trong bình rượu ngâm mà nạn nhân đã uống có kết quả dương tính với koumin - một hoạt chất có trong cây lá ngón.

Trước đó cũng từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn đến tử vong ở các địa phương do uống rượu tự ngâm.

Trao đổi về vấn đề trên, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết trong Đông y có một phương pháp điều trị bệnh bằng cách ngâm thuốc vào rượu để uống. Rượu thuốc giúp tăng cường sức khỏe, bổ khí huyết, bổ thận, chữa đau lưng, gai cột sống, thấp khớp, nhức mỏi.

Tuy nhiên, người dân đang mắc rất nhiều cái sai khi tự ngâm rượu thuốc.

- Thứ nhất là sai trong cách ngâm. Rượu ngâm thuốc thường phải có nồng độ hơn 40 độ để các dược liệu tiết ra hết chất. Tuyệt đối không dùng rượu không rõ nguồn gốc để ngâm thuốc, rượu đã ngâm cần để nơi thoáng mát để cân bằng tính âm dương, đảm bảo cho sức khỏe và bảo quản được lâu. Rượu ngâm thuốc chỉ có giá trị chữa bệnh khi nguồn dược liệu chuẩn, đúng bài, đúng vị.

- Thứ hai là sai về thành phần thuốc ngâm. Tâm lý có gì ngâm nấy vô cùng tai hại. Người dùng phải biết rõ mình ngâm thuốc để làm gì mới có thang phù hợp. Ví dụ thuốc bổ thì bổ tạng phủ nào, cơ thể có suy nhược hay không, rượu thuốc để bồi bổ hay trị bệnh.

Một số loại thuốc như mã tiền có độc tính khi ngâm chỉ dùng để xoa bóp ngoài chứ không dùng để uống. Lý do nhiều người ngâm cả lá ngón - một loại lá rất độc, gây chết người - là vì dễ nhầm lẫn với cây chè vằng. Trong khi đó, chè vằng chỉ dùng để uống trà, không dùng ngâm rượu. Chè vằng hoa trắng còn cây lá ngón có hoa vàng.

- Thứ ba là sai lầm trong cách sử dụng. Cách dùng sai phổ biến là uống rượu thuốc như rượu thường, sử dụng lượng quá nhiều. Rượu thuốc mỗi lần dùng chỉ nên uống 20-50 ml, tương đương một chung nhỏ. Người dân nên uống trong bữa ăn để đỡ kích ứng dạ dày. Rượu thuốc không phải để uống say mà cần điều độ, đều đặn với một liều lượng mỗi ngày.

Sơ cứu khi ngộ độc rượu thuốc

Theo TS-BS Ngọc Lan, khi bị ngộ độc rượu ngâm, người bệnh sẽ có những biểu hiện như buồn ói, tiêu chảy, dị ứng ngứa, tê môi, tê lưỡi..., nặng có thể co giật, liệt cơ, hôn mê, thậm chí tử vong.

Khi thấy người có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối cho bệnh nhân nằm, đầu và vai cao hơn thân. Nếu người bệnh ứ đọng đờm dãi, thở khò khè, bất tỉnh thì cho nằm nghiêng sang một bên, sau đó tìm cách gây nôn hết, xát mạnh hai bên má.

Người bệnh cần ủ ấm và theo dõi liên tục, đảm bảo thở đều, êm, nhận biết được khi gọi hỏi. Tuyệt đối không để bệnh nhân ngủ li bì, cứ vài giờ phải đánh thức, nếu người bệnh tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết.

“Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp đào thải rượu nhanh hơn. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, trà xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... là loại nước giải độc rượu dạng nhẹ” - BS Lan lưu ý.

TRƯỜNG NGÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/3-sai-lam-chet-nguoi-khi-tu-ngam-ruou-thuoc-784858.html