3 thứ cần chuẩn bị kỹ càng khi chạy trail

Runner Nguyễn Đức Khánh, người tham dự nhiều giải chạy trong nước, có những chia sẻ cùng Zing về những thứ phải đối mặt khi quyết định theo đuổi môn thể thao này.

Xung quanh sự việc đáng tiếc xảy ra tại Dalat Ultra Trail, cộng đồng đang có những bình luận trái chiều. Để hiểu rõ hơn về tính khắc nghiệt cũng như những nguy cơ các runner phải đối mặt, Zing có cuộc trao đổi với Nguyễn Đức Khánh, một người tham gia chạy bộ lâu năm và từng chinh phục cự ly 100 km tại Vietnam Mountian Marathon.

- Chào anh Khánh. Là một người tham gia nhiều giải chạy với nhiều đặc tính khác nhau, anh có thể chia sẻ sự khác biệt giữa chạy road và chạy trail, chúng khác nhau như thế nào? Hiện nay, phong trào chạy ở Việt Nam phát triển ra sao, có những đường chạy nổi tiếng nào thu hút đông đảo người chơi quốc tế.

- Road running và trail running cùng là hoạt động chạy bộ, nhưng cũng có thể coi là 2 môn thể thao riêng biệt. Sự khác nhau giữa 2 môn đến từ nhiều thứ: Phương pháp, giáo án tập luyện, trang thiết bị tập luyện và thi đấu, kinh nghiệm của vận động viên.

Trong 3 năm qua ở Việt Nam, rất nhiều giải chạy trail mới, thu hút nhiều vận động viên, ví dụ: Hệ thống giải của Topas Travel gồm VMM (Sapa), VJM (Puluong), VTM (Mộc Châu), các giải ở Đà Lạt do nhiều đơn vị khác nhau tổ chức như Dalat Ultra Trail, Laan Ultra Trail, Cau Dat Farm Ultra Trail.

 Đường chạy trail có địa hình phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn chạy road. Ảnh: NVCC.

Đường chạy trail có địa hình phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn chạy road. Ảnh: NVCC.

- Với đường chạy trail, VĐV khi tham dự cần chuẩn bị những gì để tự đảm bảo an toàn cho bản thân. Cá nhân anh thì sao? Ngoài sức khỏe, công cụ hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng?

- Theo tôi có 3 thứ cần chuẩn bị kỹ càng khi tham gia một giải chạy trail.

Tập luyện đầy đủ. Tốt nhất là nên tập theo một giáo án hoàn chỉnh có thời gian kéo dài ít nhất là 3 tháng trước cuộc thi. Nếu tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên thì càng tốt.

Nghiên cứu kỹ càng cuộc thi mà mình sắp tham gia. Nghiên cứu kỹ về địa hình, lộ trình, các điểm khó khăn, nguy hiểm. Nếu là lần đầu tiên tham gia một giải chạy, nên tham khảo kỹ càng những người từng tham gia hoặc các thông tin từ ban tổ chức.

Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị. Chuẩn bị càng đầy đủ càng tốt. Những thứ không thể thiếu như: Giày chạy trail, balo có đựng đủ nước và lương thực, đèn pin, điện thoại và sạc dự phòng, còi cứu hộ, chăn bạc giữ nhiệt.

- Anh từng tham dự nhiều giải chạy cả trail và road. Anh đánh giá thế nào về sự khác biệt của mỗi cuộc đua này. Dalat Ultra Trail có phải là đường đua khắc nghiệt nhất Việt Nam hiện nay?

- Mỗi giải chạy trail lại có một đặc tính riêng và khác biệt với nhau. Rất khó để nói giải nào khó hơn giải nào, vì còn phải căn cứ trên nhiều yếu tố định lượng như: Độ đa dạng của địa hình, cao độ leo lên và xuống, điều kiện thời tiết hơn là những đánh giá cảm tính.

Ngay cả cùng giải trail, nếu tổ chức ở những thời điểm khác nhau trong năm, bạn cũng sẽ thấy nó như biến thành giải chạy khác, đã thay đổi nhiều về độ khó, độ phức tạp rồi.

- Những tai nạn dù nhỏ hay lớn là điều luôn thường trực ở bất cứ cuộc thi nào. Anh có kinh nghiệm gì cho những tình huống bất trắc (lạc đường, gặp chướng ngại vật khó, điều kiện thời tiết không ủng hộ...)

- Khi tham gia vào giải chạy trail, dù là cự ly nào, bạn cũng phải chấp nhận rằng rủi ro luôn luôn có, và bạn đang tham gia vào một loại hình thể thao có tính chất mạo hiểm.

Những tình huống bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và việc bạn cần làm là bình tĩnh và vận dụng hết những gì mình đã tích lũy được trong quá trình tập luyện và chuẩn bị như mình đã nói ở trên để vượt qua. Câu nói “đổ mồ hôi trên thao trường để tránh đổ máu trên chiến trường” cũng có phần đúng trong trường hợp này.

- Anh từng chạy hơn 100 km liên tục tại VMM trong 1 ngày. Khi hoạt động với tần suất như vậy, cơ thể phải đối mặt với những vấn đề gì?

- Khi hoạt động liên tục trong gần 24 giờ, rất nhiều vấn đề xảy ra đối với cơ thể của VĐV. Những vấn đề phổ biến nhất gồm: Đau mỏi các cơ bắp (với chạy trail thường thì sẽ đau mỏi toàn thân), buồn ngủ, đói và khát, hạ thân nhiệt (nếu thời tiết quá lạnh hoặc có mưa kéo dài…), sốc nhiệt (nếu thời tiết nắng nóng quá mức).

Nghe như vậy nhiều người sẽ nói nguy hiểm như vậy thì tham gia để làm gì. Đúng là nó nguy hiểm thật nếu bạn cứ liều mạng tham gia mà không tập luyện và chuẩn bị gì. Cần nhớ rằng để có thể vượt qua cuộc thi 100 km, mình và hầu hết VĐV đã trải qua quá trình tập luyện nghiêm túc vài tháng trước đó và có kinh nghiệm chạy bộ nhiều năm với những cự ly ngắn hơn.

Trước khi chạy 100 km trong ngày thi, mình cũng đã có những buổi tập tăng dần cự ly từ 50 đến 60, 70 km trước đó để hiểu được những vấn đề mình sẽ phải đối mặt trong ngày thi chính thức.

- Ở các giải chạy trail, quy định về thời gian check-in giữa các điểm là bao lâu. Trong trường hợp VĐV vượt quá thời gian quy định, ban tổ chức có biện pháp gì để giảm thiểu rủi ro.

- Quy định này thuộc về ban tổ chức và áp dụng riêng cho từng cuộc thi, từng cự ly. Không có tiêu chuẩn chung nào cả.

- Cám ơn anh về cuộc trao đổi.

Pha chạy 38,6 km/h của VĐV Mỹ Truyền thông gọi màn biểu diễn với máy chạy bộ trong phòng gym của Zac Newbell là không tưởng, khi VĐV bóng bầu dục này chạy với vận tốc lên tới 38,6 km/h.

Đỗ Hải

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-thu-can-chuan-bi-ky-cang-khi-chay-trail-post1098886.html