3 tiểu đoàn Neptune chiếm Crimea: Không đánh thuế giấc mơ

Hải quân Ukraine sẽ triển khai 3 tiểu đoàn tên lửa hành trình Neptune nhắm vào bán đảo Crimea, tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ.

Hải quân Ukraine sẵn sàng giành lại Crimea

Lưc lượng Hải quân Ukraine đang chuẩn bị tiến hành hoạt động quân sự quy mô lớn chống Hạm đội Biển Đen của Nga. Đây là tuyên bố của tân Tư lệnh Hải quân Ukraine, Chuẩn Đô đốc Alexei Neizhpapa khi trả lời phỏng vấn báo Dumskaya của Ukraine.

Vị Tư lệnh Hải quân Ukraine nói thêm rằng, nước này dự định lấy lại Crimea nhưng điều này là không hề dễ dàng, "sẽ có nhiều tổn thất cả về binh sĩ của chúng tôi và dân thường, do vậy nên hải quân nước này cần phải chuẩn bị chiến tranh với Nga”.

Theo ông, chính quyền Kiev đang trông chờ thời điểm quân đội Nga tấn công vào khu vực Kherson để đưa nước sông Dnepr chảy vào bán đảo Crimea. Dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra đối đầu là giữa hai nước là việc Nga nỗ lực khôi phục kênh đào Severno-Crimeasky trên bán đảo này.

"Các đơn vị của chúng tôi sẵn sàng đón đợi những hành động như vậy. Tôi không thể tiết lộ tất cả kế hoạch, nhưng có thể nói cho các vị một chi tiết nhỏ: Tầm hoạt động của hệ thống tên lửa Neptune cho phép nó có thể bắn từ đất liền của Ukraine đến sát Sevastopol. Rồi ở đó chúng ta sẽ thấy" - chuẩn đô đốc Neizhpapa nhấn mạnh.

Trước đó, cũng chính ông Neizhpapa tuyên bố rằng, Hải quân Ukraine dự định năm 2021 sẽ triển khai ba tiểu đoàn tên lửa hành trình chống hạm Neptune ở Biển Đen và Biển Azov, mà mục tiêu của nó thì không cần nói rõ, ai cũng có thể biết đó là bán đảo Crimea.

Hải quân Ukraine hy vọng tên lửa hành trình chống hạm Neptune sẽ kiềm chế được Hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea

Hải quân Ukraine hy vọng tên lửa hành trình chống hạm Neptune sẽ kiềm chế được Hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea

Crimea đã trở thành một phần lãnh thổ của Nga sau khi cư dân ở đây phản đối chính quyền đảo chính dựng lên ở Kiev vào tháng 2/2014. Vào ngày 16/3, họ đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, với kết quả đa số cử tri trong khu vực đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định này.

Hiện nay, chính quyền Kiev, Hoa Kỳ và các nước EU coi bán đảo Crimea là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, còn Moscow tuyên bố rằng, cuộc bỏ phiếu diễn ra theo đúng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và thuận theo ý kiến của dân chúng là điều quan trọng nhất.

Hạm đội Biển Đen Nga quá mạnh so với hải quân Ukraine

Được biết, người tiền nhiệm của ông Alexei Neizhpapa là Đô đốc Igor Voronchenko (vừa hết nhiệm kỳ vào giữa tháng 6 vừa qua) trước đó đã tỏ thái độ bi quan về việc giành lại bán đảo Crimea từ tay Nga.

Tại diễn đàn Age of Crimea hồi tháng 2 năm nay ông Voronchenko đã từng than phiền rằng, trong 6 năm gần đây, hải quân Nga đã tăng cường mạnh tiềm lực của Hạm đội Biển Đen.

Vị Đô đốc Ukraine lưu ý rằng, Nga đã triển khai 7 tàu ngầm trong khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải, sáu tàu trong số đó theo ông là "hiện đại và rất hiệu quả" mà hải quân Ukraine không thể đối phó được.

Hệ thống phòng không S-400 Nga ở bán đảo Crimea

Đồng thời tại Crimea sau khi sáp nhập vào Nga đã xuất hiện thêm các hệ thống tên lửa bờ đối hạm Bal và Bastion, khiến các tàu chiến đối phương không thể tiếp cận bờ biển bán đảo Crimea.

“Thực tế là trong sáu năm nay Nga đã tái vũ trang toàn bộ đội tàu chiến của Hạm đội Biển Đen. Trước đây là 29 tàu thì bây giờ đã có 42 tàu, trong đó 12 tàu mang vũ khí tên lửa. Tổng hỏa lực tên lửa Kalibr của họ hiện nay là 72 cơ cấu phóng, và nếu tính cả đội tàu ở biển Caspian và lực lượng vũ khí bờ biển, bao gồm các tổ hợp Bastion và Bal, thì sẽ vào khoảng 120 hệ thống tên lửa” - ông Voronchenko nói.

Bao quanh bán đảo Crimea là lực lượng không quân rất mạnh, bao gồm tất cả các loại máy bay, gồm máy bay ném bom chiến lược, máy bay ném bom tiền tuyến, máy bay cường kích, tấn công, tiêm kích đa năng, máy bay trinh sát và máy bay tuần tiễu chống ngầm.

Ngoài ra, ở bán đảo này cũng đã có những hệ thống tên lửa phòng không tầm cao/tầm xa S-400 Triumf, S-300…, có khả năng đánh chặn mọi loại máy bay và tên lửa; ngăn chặn khả năng bị tấn công từ trên không. Do đó, việc giành lại bán đảo này bằng biện pháp quân sự là điều vô cùng khó khăn.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/3-tieu-doan-neptune-chiem-crimea-khong-danh-thue-giac-mo-3410034/