Để ngành giáo dục thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 20-5, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo 'Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: vấn đề và giải pháp'.

Hội thảo thu hút khoảng 150 đại biểu đến từ một số bộ, ban, ngành T.Ư, các chuyên gia giáo dục và đại diện một số cơ sở giáo dục trên cả nước. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho định hướng chiến lược phát triển GD-ĐT ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phục vụ soạn thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Đổi mới thể chế phát triển GD-ĐT ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số; Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam… cùng những đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với tốc độ nhanh và tạo ra những thay đổi thế giới mạnh mẽ hơn bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó. Cách mạng công nghiệp mới đang tạo ra những cơ hội và tốc độ phát triển cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn cho nhiều quốc gia. Thích ứng và chớp lấy cơ hội từ cách mạng công nghiệp mới để phát triển, yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định. Chính vì thế, cần có các chính sách và cơ chế mới thích ứng với thay đổi trên toàn cầu hiện nay.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Phạm Văn Linh cho biết: Trong hai thập niên gần đây, tốc độ phát triển khoa học công nghệ diễn ra nhanh như vũ bão, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và hình thành nhiều ngành nghề, phương thức sản xuất mới dựa trên nền tảng của thông tin thông minh và phân tích cơ sở dữ liệu lớn. Do vậy, xã hội đòi hỏi có một nền giáo dục kiểu mới để tạo nguồn nhân lực thích ứng với nền kinh tế số. Mặc dù nhiều nghị quyết đã ban hành, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học đã được sửa đổi, nhưng trong điều kiện hiện nay, GD-ĐT hơn lúc nào hết cần có cơ chế và chính sách mới nhằm khơi dậy niềm đam mê của người học, người thầy, nhà trường và toàn xã hội để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới…

Bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn bất cập của giáo dục Việt Nam. Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng: Chương trình đào tạo hiện nay vẫn nặng về lý thuyết; phương pháp giảng dạy lỗi thời làm học sinh thụ động, máy móc; chất lượng đội ngũ giáo viên tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, yếu kém; hệ thống bảng lương cho giáo viên còn nhiều bất cập… Do vậy, các trường đại học phải giúp Chính phủ tạo ra tri thức theo hướng giáo dục mở để người lao động có thể tiếp nhận tri thức ở bất cứ đâu, thời gian nào; cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo GD-ĐT, sớm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thanh Long cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 đó là các điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới chưa đồng bộ, nhất là về giáo viên và cơ sở vật chất. việc quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo nhà giáo còn chậm; trường đại học sư phạm và trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm chưa được ưu tiên đầu tư... Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thanh Long đề nghị cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục hoàn thiện giáo dục quốc dân theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập.

Theo Nhân Dân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/3-tre-mam-non-bi-bong-vi-co-giao-dot-con-tam-dinh-chi-lop-tre-tuoi-tho-1262642.html