3 vấn đề khiến cuộc khủng hoảng Triều Tiên chưa thể kết thúc

Triều Tiên muốn tự bảo vệ bản thân, Mỹ dường như lực bất tòng tâm, trong khi Trung Quốc thể hiện mình là một quốc gia nhìn xa trông rộng. Giải pháp nào cho 'bài toán' Triều Tiên vẫn là một câu hỏi hóc búa.

Triều Tiên cho rằng chỉ có phát triển loại vũ khí mạnh mẽ nhất mới có thể bảo vệ đất nước.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trong cuộc họp báo chung ngày 9/11 tại Bắc Kinh rằng: “Mỹ và Trung Quốc đều đồng ý không nhân rộng cách tiếp cận thất bại của quá khứ”.

Một tuần sau, ông Tập cử đặc phái viên Tống Đào đến Triều Tiên để thảo luận một số vấn đề, nhưng ông Kim Jong-un đã không có cuộc gặp nào với vị khách đến từ Bắc Kinh.

Vào ngày ông Tống trở về nước, Mỹ tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại danh sách cái gọi là “quốc gia tài trợ khủng bố”. Đáp lại, sau đó Triều Tiên thử nghiệm tên lửa liên lục địa tối tân nhất.

Những diễn biến căng như dây đàn trong vòng chưa đầy một tháng qua đã khiến nhiều người bắt đầu tự hỏi: Liệu Mỹ sẽ lựa chọn phương án cuối cùng là áp dụng giải pháp quân sự để buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân? Hay Trung Quốc sẽ chấp nhận cắt đứt nguồn hỗ trợ tài chính, năng lượng và lương thực để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí?

Đến cuối cùng, chính quyền Kim Jong-un sẽ chấp nhận phi hạt nhân hóa vì áp lực của một trong hai nước hay vì cả hai?

Thật không may, câu trả lời cho những câu hỏi trên có lẽ là “không” và có thể thế giới có thể cần phải chấp nhận một Triều Tiên với danh nghĩa là quốc gia hạt nhân, học giả Yu-Hua Chen từ đại học Quốc gia Australia viết trên tờ National Interest.

Lý do chính giải thích cho vấn đề tại sao chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn tranh cãi từ năm 1993 cho đến nay, là do cả ba nước nói trên không ai chịu nhượng bộ.

Vấn đề của Triều Tiên

Với Triều Tiên, quốc gia này tin rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân là chìa khóa cho sự tồn vong của đất nước.

Kể từ khi Bình Nhưỡng thể hiện sự quan tâm đối với loại vũ khí nguy hiểm gây tranh cãi từ hơn 20 năm trước, giới quan sát tưởng rằng họ muốn sử dụng chương trình hạt nhân như một đòn bẩy để mặc cả cho viện trợ kinh tế hơn là tìm kiếm quan hệ ngoại giao tốt hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Tuy nhiên, những diễn biến trong hai thập kỷ sau này cho thấy dường như ý định thực sự của Triều Tiên chỉ đơn giản là sở hữu thứ vũ khí mạnh mẽ nhất mà các cường quốc thế giới đều có.

Tổng thống Bill Clinton đã bỏ ý định tấn công lò phản ứng hạt nhân Triều Tiên do lo ngại về hậu quả.

Chỉ bằng việc có một vũ khí như vậy, Bình Nhưỡng mới có thể ngăn chặn một cuộc can thiệp tiềm năng từ Washington.

Do đó, càng về sau này, người ta càng tin rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân bất chấp việc phải đối mặt với những khó khăn trong phát triển kinh tế.

Cũng như không có lý do để tin rằng Mỹ hay Trung Quốc có thể gây sức ép buộc quốc gia này từ bỏ ý định của mình.

Thậm chí nếu Trung Quốc đồng ý bảo vệ cho người hàng xóm, chính quyền Kim Jong-un cũng sẽ không bao giờ đồng ý với kế hoạch này chỉ trong ngày một ngày hai.

Trước đó, từng có nhiều học giả gợi ý khả năng Trung Quốc có thể đảm bảo sự an toàn của Triều Tiên để đổi lấy Triều Tiên giải giáp vũ khí.

Vấn đề với ý tưởng này là ở chỗ: Triều Tiên có sự mất lòng tin sâu sắc với Trung Quốc.

Cây bút Yu-Hua Chen đánh giá, trái ngược với ấn tượng bình thường mà công chúng nhìn thấy về mối quan hệ giữa hai nước, Triều Tiên chưa bao giờ đặt niềm tin hoàn toàn vào Bắc Kinh.

Bất chấp sự phản đối của Triều Tiên, quyết định đơn phương của Trung Quốc trong việc gây dựng quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992 tiếp tục đào sâu sự ngờ vực.

Từ quan điểm của Triều Tiên, Trung Quốc không phải là một đối tác họ có thể hoàn toàn giao phó những quyết định quan trọng nhất. Thay vào đó, họ hiểu rằng Bắc Kinh cũng có những tính toán và lợi ích riêng của mình.

Vấn đề của Mỹ

Vấn đề lớn nhất của Mỹ hiện nay là sự bất khả thi trong việc lựa chọn hành động quân sự do chi phí lớn, thiếu thông tin tình báo chính xác và sự trả đũa không nương tay của Bình Nhưỡng.

Mỹ chắc chắn có sức mạnh quân sự mạnh mẽ hơn và tiên tiến hơn so với Triều Tiên, nhưng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ là không thể xảy ra trong thực tế.

Năm 1994, Mỹ đánh giá kế hoạch ném bom lò phản ứng hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên có thể gây từ 300.000 đến 750.000 thương vong, chưa kể những thiệt hại khác.

Triều Tiên có vị trí địa chiến lược với Trung Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam khi đó đã đích thân gọi cho Tổng thống Bill Clinton nhiều lần để can ngăn ông khởi động kế hoạch này vì lo ngại cái giá phải trả quá lớn và sự trả đũa của Triều Tiên.

Nối tiếp nhận thức này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng khẳng định trong năm nay rằng:” Sẽ không có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa”.

Viễn cảnh tấn công cũng là bất khả thi đối với Mỹ khi không có một quốc gia nào trên thế giới đủ năng lực tình báo để phát hiện các hầm chứa đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cựu Tham Mưu trưởng Không quân Mỹ Merrill McPeak từng nói vào năm 1994 rằng, sẽ không có ai biết được Triều Tiên giấu vũ khí ở đâu, trừ khi “bạn tìm cách vào sâu trong đất nước họ”.

Vấn đề của Trung Quốc

Trung Quốc coi Triều Tiên là một quốc gia vùng đệm quan trọng, ngăn lại lực lượng của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Một số học giả Trung Quốc như Giáo sư Jia Qingguo của đại học Bắc Kinh, cho rằng “vùng đệm đã lỗi thời” theo học thuyết chiến tranh hiện đại.

Tuy nhiên, lợi ích của một vùng đệm không chỉ có chức năng quân sự trong thời chiến. Nó cũng đóng vai trò tự nhiên trong thời bình. Đặc biệt hơn, vùng đệm mà Trung Quốc đang có lại rất đắc địa...

Vì vậy, theo các chuyên gia phân tích, khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục xem Mỹ như là một đối thủ địa chính trị tiềm ẩn ở châu Á, thì dường như quan điểm "phòng thủ bằng vùng đệm" của nước này sẽ còn chi phối mọi quyết định và hành động trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/3-van-de-khien-cuoc-khung-hoang-trieu-tien-chua-the-ket-thuc-a350254.html