30.4 và câu hỏi văn chương có chữa lành vết thương lịch sử?

Hai cuốn sách văn học gây rất nhiều bất ngờ, thậm chí sửng sốt, trong bối cảnh kỷ niệm sự kiện lịch sử 30.4 (*).

Hai tác phẩm có bối cảnh sự kiện lịch sử 30.4, vừa được Phanbook & NXB Phụ nữ phát hành. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Hai tác phẩm có bối cảnh sự kiện lịch sử 30.4, vừa được Phanbook & NXB Phụ nữ phát hành. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Hai tác giả đều sống và viết tại Paris. Thuộc hai thế hệ. Nhưng họ, có thể xem là những đại diện hàng đầu của văn chương Việt Nam đương đại.

Thư gửi Minalà tiểu thuyết liên văn bản, từ 30 bức thư của Th, một nữ văn sĩ Việt Nam sống tại Paris viết cho Mina, cô bạn Afghanistan đã mất liên lạc sau ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học ở Nga.

Trên phông nền rộng của lịch sử, đặc biệt là lịch sử những cuộc di dân, tị nạn trải từ Hà Nội đến Sài Gòn, qua nước Nga thời Perestroika, Trung Đông và Paris hiện đại.

Kabul của nội chiến sôi sục và những cuộc tị nạn chiến tranh của dân Afghanistan vào châu Âu phần nào thức dậy bối cảnh lịch sử ly tán của Sài Gòn, Việt Nam sau 1975. Nước Pháp, châu Âu thế kỷ 21 của khủng hoảng chính trị, kinh tế và di dân cũng hiện lên sống động trên những trang viết, hòa vào dòng chảy văn chương di dân toàn cầu; làm đậm sắc thái đương đại của tác phẩm đặc biệt này.

Có lẽ đã rất lâu rồi, văn học Việt Nam mới có một tiểu thuyết đáng chờ đợi – vừa đảm bảo độ “nóng” của các vấn đề thời sự chính trị (sự bê bối của các dự án kinh tế “cá mập” tàn phá công sản, hành tung mờ ám của những “tư bản đỏ nhiệm kỳ”, những rập rình an ninh tình báo trong thế giới ngoại giao và cả bối cảnh cục diện các khối chính trị thế giới bên ngoài xô đẩy lịch sử đất nước…) vừa chạm đến những vấn đề sâu xa của lịch sử tinh thần thời hiện đại của người Việt.

Những trang viết như những mảnh sử tâm hồn chưa nguôi khói nóng trên tro tàn của cuộc nội chiến được viết với bút pháp linh hoạt, đầy giễu nhại, hài hước đen của một cây bút tiểu thuyết đã để lại dấu ấn về lối viết qua 7 tác phẩm gây tiếng vang trước đây, có thể kể: Made in Vietnam, Chinatown, T mất tích, Thang máy Sài Gòn hay Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư…

Cô gái Mina đại diện cho nỗi thống khổ của dân tị nạn Afghanistan di thê hướng về các cửa ngõ vào châu Âu làm đồng hiện một lịch sử di dân khác, không kém khốc liệt:

“Mina, đến đây tao phải mở một cái ngoặc đơn để nhắc nhở mày rằng sau ngày đất nước tao Bắc Nam thống nhất vào tháng Tư năm 1975, người Sài Gòn muốn sang phương Tây thường chỉ có mỗi cách là trèo thuyền, nếu may mắn không nằm lại trong dạ dày cá mập hay bụng đại dương hoặc dưới họng súng của hải tặc Mã Lai thì sẽ bơi tới được hải phận quốc tế nhắm mắt đưa chân theo các tàu cứu hộ vào các trại tị nạn, rồi mới xếp hàng đợi Cao ủy Liên Hiệp Quốc cho đi nước nào thì đi nước đây, đêm nằm vắt tay lên trán, Đức hay Pháp, Anh hay Thụy Sỹ, Mỹ hay Canada, Úc hay Bỉ, cũng căng thẳng sống còn chẳng kém cán bộ và nhân dân miền Bắc Việt Nam vào những ngày đó khi phải bắt thăm thiếu vải “bắt cởi trần phải cởi trần – cho may ô mới được phần may ô”.

Tóm lại, Mina, mỗi người Sài Gòn đặt chân được đến Pháp sau 1975 không có gì trong tay nhưng đều mang trong người một câu chuyện ly kỳ đáng một cái tiểu thuyết.” (Trang 104).

Hoa cúc dại của Kim Ân cũng là cái nhìn về lịch sử qua các nhát cắt của nghệ thuật truyện ngắn, với lối viết của một bậc thầy kể chuyện.

Trang sử chiến tranh khép lại, nhưng vết thương chung nguồn máu lại mở ra trong những tâm hồn người, còn nhức nhối. Đó là chiến tuyến của hôm qua và những đòi hỏi nghiệt ngã về sự chung sống ngày hôm nay.

Rất nhiều cuộc gặp gỡ của những cựu thù trên trận mạc, trong ý hệ đã được dựng lại trong 13 truyện ngắn của tập sách này với những day dứt.

Bóng ma dẫn một nhân vật đi về địa phủ để chỉ gặp lại những lãnh đạo loay hoay với các câu hỏi luẩn quẩn ở lại với hôm qua (Cái bóng), nấm mồ đất tạm bợ ôm vào lòng nó hai tử thi khác chiến tuyến (Nấm mồ) hoặc những dật dờ bản ngã của những người lính đi qua chiến tranh cùng những hồi ức thi vị (Đêm mất ngủ, Hoa cúc dại)… Tất cả dệt nên một vùng không gian văn chương đặc thù, mê hoặc mà chỉ có những nhà văn từng trải trận mạc và đi qua các giao điểm nghiệt ngã của một sinh khí chính trị đặc thù mới có thể làm được.

Người ta không thể sống mãi với những vết thương hay sự giày vò hôm qua. Thông điệp nhân văn ấy đâu chỉ làm lành vết thương, mà còn là tiếng nói chính trực đối thoại với những định kiến độc đoán, những ý hệ bệ rạc nhưng dập dìu “sống mãi”.

Nhìn ở khía cạnh này, sẽ thấy khí chất của một người viết như Kim Ân rất cần cho không gian trí thức của văn chương hôm nay.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(*) Đọc: Thư gửi Mina (tiểu thuyết của Thuận, 355 trang) và Hoa cúc dại (tập truyện ngắn của Kim Ân, 321 trang). Cả hai tác phẩm này đều do Phanbook & NXB Phụ nữ, 2019

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/30-4-va-cau-hoi-van-chuong-co-chua-lanh-vet-thuong-lich-su-18378.html