30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Bài 3: Mặt trái của dòng vốn FDI

Cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, FDI được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước công nghệ phát triển vào Việt Nam, góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng.

Doanh nghiệp ôtô trong nước vẫn chủ yếu là lắp ráp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn từ khu vực FDI để hỗ trợ cho phát triển kinh tế… vẫn chưa được như kỳ vọng. Đó còn chưa kể, trong một số trường hợp, các DN sử dụng cả công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng tới môi trường.

Mục tiêu quan trọng hàng đầu của chính sách thu hút FDI là công nghệ hiện đại và lan tỏa vào cả nền kinh tế, nhưng thực tế, mặc dù Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào, song sự phát triển của những tập đoàn này chưa thể hiện được mục đích mong muốn khi chưa thể kéo khu vực DN trong nước cùng phát triển.

Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ rõ, các DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ DN Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Rõ ràng đây là minh chứng cho thấy, DN Việt Nam được hưởng lợi rất ít từ hiệu ứng lan tỏa do dòng vốn FDI mang lại qua quá trình chuyển giao công nghệ.

Một trong những kỳ vọng về tính lan tỏa của khu vực FDI vào trong nước đó là có thể đưa ngành ôtô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Song trong khoảng hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp này cho thấy chưa tiếp cận khoa học công nghệ giữa khu vực DN trong nước và DN FDI.

Cho đến thời điểm này, mục tiêu nội địa hóa 60% của ngành công nghiệp ôtô đã không thành công. Sau một thời gian khá dài nỗ lực đến nay, công nghệ sản xuất ôtô vẫn chỉ dừng lại ở nhập khẩu linh kiện và lắp ráp và phân phối trên thị trường nội địa...

Cho đến thời điểm này, tỉ lệ nội địa hóa cho dòng xe du lịch dưới 9 chỗ bình quân chỉ đạt khoảng trên 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18 %, Toyota Việt Nam đạt chưa đến 40% cho riêng dòng Innova - những con số cách xa với mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô: với mức 40% cho năm 2005 và 60% vào năm 2010.

Trao đổi với phóng viên, TS Lưu Bích Hồ- chuyên gia kinh tế cho rằng: Chúng ta đã trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư nước ngoài với yêu cầu rất rõ ràng, ngay từ đầu về chuyển giao công nghệ và cam kết nội địa hóa. Thế nhưng, hơn 2 thập niên kể từ khi giấy phép thành lập liên doanh với nước ngoài đầu tiên được cấp cho Toyota, Ford và Chrysler vào năm 1995, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa hình thành, chúng ta mới chỉ đơn thuần đi lắp ráp ôtô.

Không chỉ thất vọng vì một số DN FDI đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như thất bại trong việc chuyển giao công nghệ tiên tiến của khu vực DN này, thực trạng “chuyển giá, trốn thuế” cũng khiến cho dư luận xã hội nhìn DN FDI không mấy thiện cảm.

Số liệu thống kê cho biết, có đến 50% số DN FDI tại Việt Nam kê khai lỗ, nhưng càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất cho thấy, thực trạng “lỗ giả lãi thật” đã và đang tồn tại. Coca-Cola Việt Nam và PepsiCo Việt Nam là những ví dụ điển hình của việc “chuyển giá trốn thuế” của các DN FDI.

Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, các DN này thường xuyên báo lỗ, hoặc có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp.

Những bất cập nói trên là minh chứng cho thấy mặt trái của đồng vốn FDI. Chính vì thế, giới chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời cảnh báo: Việt Nam đã qua cái thời quá khát vốn đầu tư, do đó đây là thời điểm cần phải lựa chọn những dự án thực sự có chất lượng cao, tạo ra sự lan tỏa đến các lĩnh vực khác, chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào một số ít lĩnh vực.

Riêng với vấn nạn “chuyển giá, trốn thuế”, theo TS Lê Đăng Doanh, hành vi này của các DN FDI cần phải được chỉ rõ và xử lý một cách nghiêm khắc, song từ đây cũng cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chức năng. Chính bởi vậy, vị chuyên gia khuyến cáo, cơ quan quản lý cần thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát hành vi chuyển giá của các DN FDI, nhằm tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/30-nam-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-bai-3-mat-trai-cua-dong-von-fdi-tintuc419151