30 năm đổi mới nhìn vào mâm cơm của người Việt

Hội thảo khoa học dinh dưỡng, an ninh và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập do Viện Y học Ứng dụng Việt Nam và Croplife (Tổ chức cây trồng Thế giới) diễn ra chiều ngày 18/9 tại Hà Nội với sự tham gia của cả các chuyên gia quốc tế và nội địa.

Chủ đề được nhiều người quan tâm là báo cáo về sự thay đổi trong khẩu phần ăn của PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia qua 30 năm.

Quang cảnh buổi hội thảo

Sau 30 năm, tổng lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ của một người Việt tăng từ 789 gram/người/ngày lên 877 gram/người/ngày trong đó thức ăn động vật tăng từ 91 gram lên khoảng 200 gram. Nếu như năm 1985 mỗi người Việt ăn tới 457 gram gạo/ngày, giờ chỉ còn 373 gram, giảm gần 100 gram/ngày.

Thức ăn động vật của người Việt sau 30 năm xu hướng đều tăng nhưng sự thay đổi lớn nhất là thịt và sữa. Hiện chúng ta tiêu thụ 85 gram thịt/ngày (bằng với người Nhật) tăng gấp khoảng 7 lần so với 1985 còn trứng sữa tăng khoảng 20 lần, từ 1,7 gram lên 32,3 gram tuy nhiên sữa chỉ tập trung cho người già và trẻ em, người trưởng thành khá thờ ơ với chúng.

Trong khi đó mức tiêu thụ cá có tăng nhưng chưa được như mong muốn, trước 40 gram/người/ngày giờ lên 59,8 gram còn rau không những không tăng mà lại giảm khoảng 10%. Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người mỗi ngày nên ăn 400gram rau, Bộ Y tế cũng khuyến cáo ăn 400 gram nhưng người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 190gram/ngày. Mức tiêu thụ quả chín năm 2000 so với 1985 tăng khá nhiều nhưng từ đó đến nay lại không đổi thay, chỉ dừng ở mức khoảng 60 gram/người/ngày. Một đất nước có tiềm năng sản xuất rau quả rất cao nhưng lại thiếu rau trầm trọng trong mỗi bữa ăn hàng ngày là một nghịch lý.

Sau 30 năm mức cung cấp năng lượng qua bữa ăn của người vẫn dậm chân tại chỗ 1925kcal/ngày tuy nhiên cơ cấu năng lượng đến từ protid, lipid lại gia tăng ngoạn mục, làm cho khẩu phần ăn dần cân đối hơn trong đó tỷ lệ % protid vượt qua mức yêu cầu khuyến cáo còn tỷ lệ % lipid gần đạt. Ngược lại, nếu như năm 1985 có 84% năng lượng của người Việt do gạo cung cấp giờ chỉ giảm còn 66,4%.

Mức năng lượng cung cấp qua bữa ăn không thay đổi nhưng lại có sự phân cấp giàu nghèo rất rõ rệt, khác hẳn với thời kỳ đầu của đổi mới, khi bữa ăn nhà nào hầu như cũng đơn sơ như nhau. Mức thiếu đói dưới 1.500kcal/người/ngày ở các vùng miền đều có nhưng chỉ còn dưới 10%. Ngược lại, ở Việt Nam hình thành tầng lớp dân cư dư thừa năng lượng khi có trên 40% gia đình có mức tiêu thụ năng lượng trên 24.00kcal, dễ khiến thừa cân béo phì và các bệnh tim mạch.

Một bữa ăn của nhà khá giả ở quê

Mức lý tưởng tiêu thụ năng lượng 21.00-2.300kcal/người/ngày không nhiều. Bởi thế, dinh dưỡng không hợp lý tạo nên gánh nặng bệnh tật cho xã hội Việt Nam khi mỗi ngày có 256 người chết vì ung thư trong đó có khoảng 43% là liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Bởi thế mà ngành y tế khuyến nghị người Việt cần thay đổi tỏng cách ăn, sử dụng nhiều sữa và chế phẩm sữa làm sao cho khẩu phần đầy đủ canxi, giảm l½ lượng muối đang sử dụng vì theo khảo sát gần đây chúng ta sử dụng tới 9,3 gram/người/ngày. Thói quen ít ăn rau, ít ăn các loạt hạt, các củ quả nhiều chất xơ được các nhà khoa học chỉ ra là một trong những nguyên nhân khiến cho người Việt dễ mắc bệnh.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/30-nam-doi-moi-nhin-vao-mam-com-cua-nguoi-viet-post226993.html