30 năm kinh tế tư nhân Việt Nam: Động lực phát triển và những kỳ vọng

Song song với việc cải thiện môi trường cho khu vực tư nhân phát triển, cần phải tập trung cải cách nhiều hơn nữa để thu hút một thế hệ FDI tiếp theo...

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia

Việt Nam đã chứng kiến mức gia tăng thu nhập bình quân đầu người gấp gần 6 lần kể từ khi bắt đầu "đổi mới" vào năm 1986 và trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ. Tăng trưởng kinh tế không chỉ nhanh mà còn ổn định và bao trùm. Dù đo lường theo cách nào thì đây cũng là thành tựu chuyển đổi kinh tế thành công đáng kể nhất mà chúng ta chứng kiến trong thời gian gần đây.

BƯỚC NGOẶT CHO TRIỂN VỌNG KINH TẾ VIỆT NAM

Ngược dòng thời gian, Việt Nam theo đuổi mô hình phát triển kinh tế kế hoạch hóa tập trung và mặc dù mô hình này có những thành công ban đầu, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng sâu sắc vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đánh dấu việc chính thức từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khởi xướng công cuộc "đổi mới" và đã chứng tỏ là bước ngoặt trong chính sách và triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Những thay đổi này không diễn ra dễ dàng mà đòi hỏi thay đổi về tư duy và phải được quản lý thận trọng thông qua việc áp dụng phương thức tiếp cận "thí điểm và mở rộng quy mô" để tìm kiếm những giải pháp khả thi và đồng thuận. Nghị quyết 10 năm 1988 của Đảng về hệ thống khoán hộ, được coi là cải cách quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, là biểu tượng của công cuộc cải cách thực sự do Việt Nam tạo ra và do Đảng lãnh đạo, đã gieo hạt cho thành công về kinh tế trong tương lai.

Ý tưởng về hệ thống khoán hộ được khởi xướng lần đầu và triển khai thí điểm năm 1966 bởi ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, một tỉnh không xa Hà Nội. Mặc dù ban đầu bị chỉ trích nặng nề trong những năm 1970, ý tưởng của ông sau đó đã được chấp nhận và áp dụng. Sau này, ông Kim Ngọc được vinh danh là "cha đẻ của khoán hộ" và ghi danh trong lịch sử cải cách kinh tế ở Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, Nghị quyết 10 và những cải cách tiếp theo đã mang lại những thành tựu ấn tượng trong nông nghiệp như chúng ta chứng kiến ngày nay – với tốc độ tăng trưởng vượt hơn hẳn hầu hết các quốc gia châu Á. Tất nhiên, chúng ta cũng chứng kiến những bước tiến thực sự trong các lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển của khu vực tư nhân, thu hút FDI và thương mại quốc tế.

Cá nhân tôi đã được tận mắt chứng kiến những sự chuyển đổi này. Từ lần đầu tiên tôi tới làm việc tại Việt Nam cách đây 25 năm, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ khi nhiều cán bộ Việt Nam của tôi tại thời điểm đó giờ đã trở thành những doanh nhân rất thành công, và một số hiện đã trở thành đối tác của IFC. Trái đất tròn – bây giờ đây tôi làm việc cho họ!

KINH TẾ TƯ NHÂN: ĐỘNG LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG?

Mặc dù có những tiến bộ như vậy, lộ trình cải cách nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia có thu nhập cao trong một thế hệ vẫn chưa kết thúc.

Nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế. Cải cách doanh nghiệp nhà nước đã đi được một chặng đường dài. Tuy nhiên, phạm vi hiện diện, quản trị và hiệu quả hoạt động còn yếu của nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn là rào cản đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Mặc dù khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tỷ trọng tương đối của khu vực này vẫn còn nhỏ và trì trệ, năng lực cạnh tranh còn thấp. Hầu như không có tương tác giữa FDI và các doanh nghiệp tư nhân trong nước: cơ hội tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất hạn chế. Doanh nghiệp FDI quy mô lớn chủ yếu vẫn phục vụ thị trường nước ngoài và hoạt động theo phương thức và công nghệ hiện đại, rất đối lập với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phục vụ thị trường trong nước, hầu như không gia nhập chuỗi giá trị với doanh nghiệp lớn.

Hơn nữa, mới chỉ có số lượng hạn chế doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả và đổi mới sáng tạo, có quy mô đủ để có thể hội nhập hiệu quả vào chuỗi sản xuất toàn cầu, cũng như nâng cao tiêu chuẩn trên thị trường trong nước. Tình trạng kém phát triển của khu vực tư nhân trong nước đồng nghĩa với việc những thành tựu ấn tượng trong thương mại và đầu tư nước ngoài không tự động chuyển đổi thành việc tạo ra một khu vực tư nhân năng động và cạnh tranh.

Nhìn về phía trước, câu hỏi đặt ra là đâu là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai? Mặc dù đóng vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ nên tập trung vào những ngành/lĩnh vực có tính chất xúc tác cho đầu tư của khu vực tư nhân hoặc những ngành/lĩnh vực mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không khả thi. Tỷ trọng tương đối của FDI trong GDP thường giảm đi khi nền kinh tế phát triển hơn.

Ngoài ra, lợi ích và chất lượng FDI mà quốc gia có khả năng thu hút sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hấp thụ và sức khỏe của khu vực trong nước. Trong hầu hết các trường hợp, nguồn lực trong nước là nền tảng cho phát triển bền vững. Do đó, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước cần có sự quan tâm và quyết tâm lớn về chính sách từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Để vượt lên thách thức này một lần nữa, phản ứng của Đảng lại là một Nghị quyết 10 ban hành năm 2017 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Dù việc đặt tên có thể chỉ là sự trùng lặp hoặc thậm chí là dấu hiệu may mắn, Nghị quyết 10 lần này được kỳ vọng sẽ có một tác động mang tính chuyển đổi tương tự như nghị quyết cùng tên đã có đối với nông nghiệp hơn 30 năm trước. Tuy rằng, bối cảnh và phạm vi của hai nghị quyết khá khác nhau.

Với Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên trong lịch sử cải cách kinh tế ở Việt Nam, vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân được Đảng chính thức công nhận.

KỲ VỌNG MỘT TÁC ĐỘNG MANG TÍNH CHUYỂN ĐỔI

Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc này. Chúng ta đều nhớ quãng thời gian cách đây chưa xa khi hoạt động kinh doanh tư nhân bị coi thường và phân biệt đối xử. "Khu vực tư nhân" vẫn là một thuật ngữ cấm kỵ, chưa nói đến việc được chính thức công nhận, và thường được gọi là "khu vực ngoài nhà nước" trong các văn kiện chính thức của Đảng và Chính phủ tới tận cuối những năm 90. Thậm chí Đảng viên đã không được phép tham gia kinh doanh.

Nói một cách đơn giản, Nghị quyết 10 thứ hai phản ánh một hành trình đã đi và là quá trình học tập và thích nghi liên tục của Đảng để đáp ứng những thách thức ngày càng tăng, như Tổng Bí thư và Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết "từ phân biệt đối xử, coi nhẹ, đến công nhận khu vực tư nhân là "một trong những động lực" và bây giờ "là động lực quan trọng" để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam".

Nghị quyết 10 này có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn Nghị quyết 10 trước đây vì nó bao phủ tất cả các ngành của nền kinh tế, mà ngày nay đã trở nên phức tạp và tinh vi hơn nhiều. Sự mở cửa sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi việc điều chỉnh các chính sách và lộ trình hành động linh hoạt và hiệu quả nhằm thích ứng với hoàn cảnh liên tục thay đổi và những cú sốc kinh tế ngoài khả năng kiểm soát của Việt Nam, với việc phản ứng nhanh với đại dịch COVID-19 hiện nay là một ví dụ.

Hơn nữa, theo sự phát triển của nền kinh tế, số lượng các bên liên quan trong nước có lợi ích xung đột với nhau cũng trở nên lớn hơn nhiều; và điều này khiến cho nguyên tắc đồng thuận được áp dụng trong quá khứ trở nên khó thực hiện hơn.

Định hướng đã rõ ràng, điều quan trọng là hành động của Chính phủ để hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực tư nhân trở thành "động lực quan trọng". Cải cách kinh tế vẫn luôn và cần phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ cũng như chính quyền các cấp, đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu không ngừng vận động trước những cú sốc bất ngờ như đại dịch COVID-19.

COVID-19 đã thúc đẩy nhanh những thay đổi trong cách chúng ta làm việc, tiêu dùng và giao tiếp. Những thay đổi này dẫn đến việc định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp - như tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số - và sẽ tác động đáng kể đến quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Trong bối cảnh này, khả năng ứng phó nhạy bén với những cú sốc kinh tế và những xu hướng toàn cầu mới của mỗi doanh nghiệp sẽ quyết định liệu doanh nghiệp đó và rộng hơn là một nền kinh tế có xây dựng được một nền tảng kinh tế đủ vững chắc để phục hồi và duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Để khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng và trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, song song với việc cải thiện môi trường cho khu vực tư nhân phát triển, cần phải tập trung cải cách nhiều hơn nữa để thu hút một thế hệ FDI tiếp theo có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong nước cùng hiệu ứng lan tỏa. Điều này đòi hỏi một sự điều chỉnh về nhận thức – chìa khóa để thu hút được các nhà đầu tư mà Việt Nam đang tìm kiếm chính là sự thuận lợi trong kinh doanh, chứ không phải những ưu đãi tài chính.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chi trả nhiều hơn khi họ nhận thấy một môi trường có sự minh bạch và nhất quán, hoặc nơi họ có thể dễ dàng tìm được địa điểm kinh doanh hoặc các kỹ năng và chuyên môn mà họ cần. Do vậy, mấu chốt của các chính sách thu hút FDI thế hệ mới sẽ là hỗ trợ hiệu quả để các nhà đầu tư hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh chứ không phải là cắt giảm chi phí đầu tư. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi COVID-19 khiến việc cải cách chính sách càng trở nên cấp bách hơn.

Để thích ứng với những điều kiện kinh doanh mới do đại dịch mang lại, Chính phủ, cũng như các doanh nghiệp, cần có một tầm nhìn chiến lược và thực tế trong việc tìm kiếm những cách thức sáng tạo để xây dựng nền kinh tế có khả năng thích ứng cao và bảo vệ các doanh nghiệp có khả năng tồn tại.

Khi cân nhắc lộ trình tương lai, việc thực hiện cần có sự quyết tâm và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ cũng như chính quyền các tỉnh. Với những gì đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có lý do để tin rằng Nghị quyết 10 sẽ được thực hiện thành công và bổ sung một chương nữa vào câu chuyện thành công kinh tế đáng chú ý của Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều việc phải làm, Việt Nam ngày nay có vị thế mạnh mẽ hơn nhiều để có thể hiện thực hóa sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế bền vững. Đôi khi, để có thể đạt được tiến bộ thực sự, trước tiên ta phải nhìn lại để có thể thấy rõ con đường phía trước.

(*) Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC là tổ chức toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại các quốc gia đang phát triển. IFC hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996.

Kyle Kelhofer (*)

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/30-nam-kinh-te-tu-nhan-viet-nam-dong-luc-phat-trien-va-nhung-ky-vong-20201013124818153.htm