30 năm nữa sẽ phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh?

Ông Didier Queloz (người Thụy Sĩ) – một trong ba nhà khoa học được giải Nobel Vật lý năm nay khẳng định, trong vòng 30 năm nữa, chúng ta sẽ tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Nhà khoa học Didier Queloz.

Nhà khoa học Didier Queloz.

Nhà khoa học Didier Queloz cho rằng, việc phát hiện sự sống ngoài hành tinh sẽ có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của chúng ta.

“Tôi không thể tin rằng, chúng ta là những sinh vật duy nhất sống trong vũ trụ", ông Queloz nói: "Đơn giản là vì có rất nhiều hành tinh, rất nhiều ngôi sao, còn hóa học là phổ quát. Các quá trình hóa học dẫn đến hình thành sự sống trên Trái đất cũng phải diễn ra ở mọi nơi khác”.

Theo ông Queloz, trong vòng 30 năm nữa, nhân loại sẽ tạo ra công nghệ tiên tiến hơn, cho phép phát hiện những dấu hiệu hoạt động sinh học trên các hành tinh xa xôi.

Nhà khoa học Queloz (đang làm việc tại ĐH Cambridge, Anh), được Giải Nobel Vật lý năm nay do một phát hiện từ năm 1995. Khi đó, cùng với nhà khoa học Michel Mayor (ĐH Geneva, Thụy Sĩ), ông đã phát hiện ngoại hành tinh 51 Pegasi b, giống như sao Mộc, quay quanh ngôi sao ở cách chúng ta 50 năm ánh sáng. Hai nhà khoa học này phát hiện hành tinh 51 Pegasi b nhờ hiệu ứng Doppler trong quang phổ thiên văn.

Tính từ khi phát hiện 51 Pegasi b đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện khoảng 4.000 ngoại hành tinh nữa. Điều đó làm tăng thêm hi vọng tìm thấy sự sống ngoài Hệ Mặt trời.

“Chúng ta đã mở ra cánh cửa mới trong Vật lý thiên văn. Chúng ta đã chứng tỏ được rằng có những ngoại hành tinh tương tự như những hành tinh trong Hệ Mặt trời. Điều này mở rộng tầm nhìn của chúng ta, đồng thời làm xuất hiện nhiều câu hỏi mới liên quan đến sự sống ngoài hành tinh” – ông Queloz nói.

Bà Lisa Kaltenegger (người Áo) – một trong những chuyên gia nổi tiếng thế giới về ngoại hành tinh cho rằng, chúng ta đang ở rất gần “câu trả lời về vấn đề chúng ta có đơn độc trong vũ trụ hay không”.

Kaltennegger cho biết: “Chúng ta đã phát hiện ra rằng cứ 5 ngôi sao thì có một ngôi sao có hành tinh tương tự Trái đất quay xung quanh. Chỉ riêng trong thiên hà của chúng ta, đã có 200 tỷ ngôi sao. Như vậy, cơ hội tìm thấy sự sống trong vũ trụ là lớn”.

Theo bà Kaltenegger, mục tiêu hiện nay của chúng ta là tạo ra những kính viễn vọng lớn hơn, giúp xác định trong khí quyển các ngoại hành tinh có dấu vết sự sống hay không.

Mới đây, các nhà khoa học thông báo, lần đầu tiên phát hiện hơi nước trong khí quyển ngoại hành tinh (thuộc nhóm siêu Trái đất) có tên là K2-18b. Ngoại hành tinh này ở cách chúng ta khoảng 110 năm ánh sáng. Không loại trừ khả năng là trên ngoại hành tinh này có sự sống.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/30-nam-nua-se-phat-hien-ra-su-song-ngoai-hanh-tinh-4041146-b.html