30 năm thu hút FDI: Canon Việt Nam với triết lý Cộng Sinh cùng phát triển

Sau hơn 17 năm hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam không ngừng phát triển và là một trong những doanh nghiệp FDI hàng đầu về tốc độ tăng trưởng và quy mô sản xuất.

Ông Keisuke Taniguchi, Phó Giám đốc cấp cao, Ban quản lý hành chính, Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh. BNEWS/TTXVN

Với 100% vốn đầu tư Nhật Bản, sau hơn 17 năm hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu với tốc độ tăng trưởng và quy mô sản xuất ngày càng được gia tăng tại Việt Nam. Không chỉ là nơi có môi trường làm việc năng động hiệu quả; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, Canon Việt Nam còn là doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động thể hiện trách nhiệm an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, song song với những đóng góp to lớn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân kỷ niệm 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Keisuke Taniguchi, Phó Giám đốc cấp cao, Ban quản lý hành chính, Công ty TNHH Canon Việt Nam để nhìn lại chặng đường đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, nhìn lại quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất sau hơn 17 năm có mặt tại Việt Nam, Canon Việt Nam tự ghi nhận điều gì là thành công nhất?

Ông Keisuke Taniguchi: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công các loại máy in phun, in laze; các loại linh kiện, bán thành phẩm máy in; cũng như sản xuất, gia công các loại máy quét ảnh scanner, linh kiện, bán thành phẩm máy quét ảnh scanner… sau gần 2 thập kỷ đầu tư và sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi đã nỗ lực và đóng góp gần 2% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với 3 nhà máy tại Bắc Ninh, Hà Nội và các vùng lân cận, Canon Việt Nam hiện có hơn 23.000 lao động.

Bên cạnh những thành công ấy, điều khiến Canon Việt Nam cảm thấy tự hào nhất là đã có rất nhiều hoạt động trực tiếp, hữu ích đóng góp vì lợi ích cộng đồng; đã chung tay cùng Chính phủ Việt Nam mang lại điều kiện sống, làm việc, học tập tốt hơn cho cộng đồng; góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp giáo dục của đất nước Việt Nam.

Phóng viên: Triết lý kinh doanh Kyosei là điểm sáng ấn tượng và cũng là niềm tự hào của Canon; trong đó, có Canon Việt Nam. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Keisuke Taniguchi: Phương châm hoạt động của Tập đoàn Canon là Kyosei, phiên âm Hán - Việt là “Cộng Sinh”. Nghĩa hẹp của từ này là “Cùng sống và làm việc vì lợi ích chung”. Tuy nhiên, với Tập đoàn Canon, từ này được hiểu theo nghĩa rộng là: “Tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và văn hóa, cùng nhau chung sống và làm việc hòa hợp để hướng tới tương lai”.

Bạn thấy đó, hiện nay, Tập đoàn Canon đã có rất nhiều cứ điểm trên toàn thế giới và nơi đâu cũng đều đang triển khai Triết lý Kyosei. Các công ty đều phải thúc đẩy quan hệ tốt với khách hàng, với cộng đồng, cũng như với Chính phủ nước sở tại hay khu vực và môi trường ở đó như là một phần của việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Mục tiêu mà Canon đặt ra là góp phần làm phồn vinh thế giới và hạnh phúc của nhân loại. Từ đó tạo nên tốc độ tăng trưởng liên tục và đưa thế giới tiếp cận gần hơn với phương châm Kyosei. Triết lý này luôn tồn tại và theo sát tất cả các công ty trong tập đoàn của chúng tôi và Canon Việt Nam cũng là một trong những cứ điểm thực hiện rất tốt điều này.

Phóng viên: Nổi lên là doanh nghiệp FDI thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với cộng đồng, Canon Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì, những dự án giáo dục, văn hóa, xã hội như thế nào và có chính sách chuyên biệt gì dành cho các hoạt động này thưa ông?

Ông Keisuke Taniguchi: Dựa trên triết lý kinh doanh cộng sinh của Tập đoàn Canon, ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, Canon Việt Nam luôn nhận thức và có những đóng góp hữu ích cho xã hội. Qua đó, thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng nhằm hướng tới một tương lai phát triển, tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

Thời gian qua, Canon Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa và chia làm 3 chủ đề chính:

Chủ đề “Phát triển cho cộng đồng”: Theo đó, chúng tôi tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục tinh thần chia sẻ khó khăn, niềm vui và hạnh phúc với cộng đồng.

Chủ đề “Chắp cánh thế hệ tương lai”: Với các chương trình hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp cận tới những nơi mà Chính phủ chưa đủ ngân sách hoặc nguồn lực để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo cho trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước.

Chủ đề “Vì một màu xanh chung”: Bao gồm các hoạt động nhằm hỗ trợ Chính phủ triển khai các giải pháp khắc phục những vấn đề môi trường không chỉ trên phạm vi đất nước mà còn trên toàn cầu.

Chúng tôi hy vọng rẳng, với những nỗ lực của mình trong sản xuất và sự tích cực cống hiến cho xã hội, sẽ góp phần nhỏ bé của Canon Việt Nam vào sự phát triển và thịnh vượng chung cho đất nước.

Phóng viên: Trong thời gian tới đây, Canon Việt Nam đã có định hướng và kế hoạch phát triển như thế nào, thưa ông?

Ông Keisuke Taniguchi: Cũng như rất nhiều doanh nghiệp FDI khác đang đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi đã chủ động xây dựng một số kế hoạch phát triển thị trường và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được những mục tiêu ấy rất cần sự ủng hộ của Chính phủ; sự tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan, ban ngành…

Cụ thể như, chúng tôi đang rất cần nguồn cung cấp nhân lực ổn định, trong nhiều lĩnh vực và phương diện. Mong muốn, Chính phủ Việt Nam sớm có hệ thống đào tạo tốt để ươm mầm và nuôi dưỡng nhân tài; đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất. Nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định và luôn sẵn sàng sẽ là yếu tố then chốt mà doanh nghiệp nào cũng đang cần, đang thiếu, không chỉ riêng Canon Việt Nam.

Bên cạnh đó, Canon Việt Nam mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ các cơ quan Chính phủ; nhất là các đơn vị hoạch định chính sách. Bởi thực tế cho thấy, tùy vào từng thời gian, địa điểm và cách thức khác nhau, đôi khi sự thay đổi chính sách của các cơ quan, ban ngành khiến cho vấn đề này lúc thì được công nhận, lúc thì lại không công nhận, dẫn tới khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chính sách không ổn định sẽ là nguyên nhân dẫn tới sự bất ổn định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mong Chính phủ sớm cải cách vấn đề này. Môi trường đầu tư ổn định, các chính sách đầu tư kinh doanh nhất quán sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm trong sản xuất và đầu tư.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thạch Huê (Thực hiện)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/30-nam-thu-hut-fdi-canon-viet-nam-voi-triet-ly-cong-sinh-cung-phat-trien/95235.html