30 phút, 20 năm 'mặc định'…

Tháng 8/1999, đang là phóng viên của Báo Nhà báo & Công luận tại Đà Nẵng. Qua sự giới thiệu của anh Lê Tấn Hòa ( Nay là Trưởng Đại diện Thời báo Kinh doanh tại Đà Nẵng), Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Niên gặp tôi 30 phút, trước khi lên máy bay về Hà Nội. Chỉ 30 phút đó, cuộc đời làm báo của tôi đã được ' mặc định' gắn bó với Báo LĐ & XH suốt 20 năm qua. 20 năm, thật quá nhiều những kỷ niệm, những ký ức không phai đối với một phóng viên báo Ngành LĐ-TB&XH ở một địa bàn được coi như ' Tâm bão, rốn lũ', vùng đất khốc liệt nhất qua 2 cuộc kháng chiến.

Tác nghiệp nơi “ Tâm bão, rốn lũ”:

Chưa đầy một tháng sau khi được giao Phụ trách Văn phòng Miền Trung của Báo LĐ& XH tại Đà Nẵng thì miền Trung nhận liên tiếp hai trận lũ lịch sử vào tháng 9 và tháng 10 năm 1999. Trong bối cảnh, văn phòng chưa có địa điểm làm việc ổn định, phương tiện tác nghiệp không có, nhân sự rất mỏng, chỉ có tôi, PV Thanh Hà và nhân viên kế toán văn phòng Ngô Thị Bích Hà. Xác định, đây là thời điểm tốt để VP Đà Nẵng thể hiện vai trò và vị trí của một tờ báo Ngành chuyên sâu về an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh việc phân công nhau đến tất cả các điểm nóng, rốn lũ như Hòa Phú, nơi bị lũ quét có tới 11 người chết, Hòa Châu, nơi có 8 người chết, Hội An, nơi cả thành phố chìm trong lũ…để viết bài phản ánh kịp thời những đau thương, mất mát của người dân sau cơn lũ lịch sử thì chúng tôi đã vận dụng và mở rộng tất cả các mối quan hệ để kêu gọi, quên góp hàng hóa, nhu yếu phẩm và cả tiền bạc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để đến cứu trợ cho đồng bào vùng lũ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB& XH Lê Duy Đồng phát biểu tại Lễ Khai trương VP Đà Nẵng tháng 3/2001.

Chỉ trong thời gian ngắn, văn phòng đã huy động được một lượng lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm đáng kể ( Trị giá hơn 47 triệu đồng) từ các doanh nghiệp như Nhà máy mỳ ăn liền COLUSA, cơ sở Mười Thương…để chuyển đến tận tay những gia đình bị tổn thất trong cơn lũ ở Hòa Phú, Hòa Châu huyện Hòa Vang, Cẩm Thanh, Cẩm Kim TP Hội An, Hòa Cường, Khuê Trung, TP Đà Nẵng…

Trong những đợt lũ lịch sử đó, các đồng chí Lãnh đạo Bộ LĐ-TB& XH liên tục có những chuyến công tác kiểm tra, xử lý tình hình tại những vùng rốn lũ. Tôi đã có những chuyến đi tháp tùng, phục vụ với các Thứ trưởng Nguyễn Lương Trào tại Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam và Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi ra đến Thừa Thiên- Huế. Trong chuyến công tác với Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc đã để lại cho tôi nhiều bài học và kỷ niệm thật là sâu sắc. Ngày hôm đó, nhận được thông tin, Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc đang trên đường vào kiểm tra tình hình tại Quảng Ngãi, trong khi đường bộ đã bị chia cắt hoàn toàn. Không còn con đường nào khác, nghe tin Sư đoàn không quân 372 có những chuyến bay cứu trợ vùng lũ, tôi đánh liều phóng xe máy vào sân bay quân sự Đà Nẵng, dựng xe bên hàng rào sân bay, tôi tìm cách “ lọt” vào trong. Lúc này có một chuyến trực thăng đang chuẩn bị đưa đ/c Trung tướng Lê Văn Hân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào vùng lũ Quảng Ngãi. Với tờ giấy giới thiệu trên tay, tôi liều tới nói khó với Trung tướng xin được “ bám càng” vào Quảng Ngãi để tác nghiệp. Thật may, trung tướng đã cho và nói: “ lên nhanh, đi”. Nhờ chuyến bay này tôi đã chớp được tấm ảnh từ trên cao: Sông Trà Khúc và TP Quảng ngãi chìm trong lũ. Lúc đó Tòa soạn đã thanh toán nhuận ảnh cho tấm ảnh này được 50.000đ, một mức nhuận bút kỷ lục đối với tôi.

Nguyên Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc ( Bìa phải) kiểm tra tình hình lũ lụt tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi ( Tháng 9/1999)

Ngay chiều tối hôm đó tôi đã kịp dự buổi làm việc của Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.Tại buổi làm việc, ông Trần Lê Trung, PCT tỉnh đề nghị với Thứ trưởng cho Quang Ngãi một số chuyến bay thả hàng cứu trợ xuống vùng lũ huyện Nghĩa Hành đang bị cô lập, chia cắt. Thứ trưởng đã trả lời: Sáng mai tôi đi Nghĩa Hành về sẽ có quyết định. Sáng hôm sau, anh Phạm Thanh Hải, GĐ Sở LĐ-TB& XH dẫn đoàn về xã Hành Thịnh, điểm được cho là lụt nặng nhất và đang bị chia cắt. Lúc này lũ đã rút nhưng đường xá rất lầy lội. cách UBND xã Hành Thịnh chừng 500 m có một bụi tre bị lũ cuốn trôi, vắt ngang đường, không xe nào qua lại được. Sau khi xuống xe quan sát, Thứ trưởng nói tất cả mọi người xuống xe, mượn dao, rựa dọn bụi tre. Chỉ sau hơn 15 phút, bụi tre đã được dọn, đường thông cả đoàn vào thẳng UB xã. Sau đó, dù không có chuyến trực thăng cứu trợ nào nhưng bà con xã Hành Thịnh vẫn kịp thời nhận được rất nhiều hàng cứu trợ. Tại Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế, Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc đã trực tiếp yêu cầu địa phương dẫn đi kiểm tra các kho dự trữ, kho tiếp nhận hàng cứu trợ và yêu cầu các địa phương ngay lập tức mở kho, chuyển hàng cứu trợ về cho nhân dân. Đây thật sự là những bài học, những kỷ niệm sâu sắc của tôi trong nghiệp làm báo Ngành.

Tuyên truyền, đấu tranh và thực hiện Chính sách NCC.

Có thể nói, khu vực miền Trung là một trong những khu vực khốc liệt nhất trong các cuốc kháng chiến. Chính vì vậy, ở đây có số đối tượng người có công Cách mạng rất cao, trong đó tỉnh Quảng Nam có tỷ lệ và số lượng NCC cao nhất nước. Là cơ quan Báo Ngành, đóng trên địa bàn Văn phòng Đà Nẵng đã có hàng trăm bài viết tuyên truyền về lĩnh vực thực hiện chính sách người có công Cách mạng. Những tấm gương điển hình của tập thể, cá nhân luôn được phản ánh đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, xã hội luôn có những mặt trái. Có khá nhiều trường hợp đã lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC để lợi dụng, trục lợi làm ảnh hưởng lớn đến tính nhân văn, sự công bằng của một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Hai mươi năm qua, tôi đã có hàng chục bài viết đấu tranh, phanh phui các vụ việc lợi dụng chính sách NCC. Điển hình như vụ bà Hồ Thị Lân quê Quảng Trị, trú tại Đà Nẵng đã dựng hẳn hồ sơ là vợ liệt sĩ ( có cả xác nhận của một nguyên Bí thư huyện ủy) để hưởng chính sách cho mình và con trai. Dù người chồng thật sự của bà Lân là một sỹ quan cảnh sát của chế độ cũ. Sau vụ này bà Hồ Thị Lân đã bị đưa ra xét xử và kết án tù, thu hồi toàn bộ tiền chính sách đã hưởng. Hay như vụ ông Nguyễn Đức T. là thương binh 4/4, ở tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Lợi dụng là thương binh, dù đã được hưởng đầy đủ chính sách cũng như các khoản hỗ trợ khác nhưng ông T. liên tục có những hành vi nhũng nhiễu các cơ quan chức năng ở địa phương. Có những thời điểm chỉ trong 1 năm ông T làm tới 14 lá đơn xin tiền, xin nhà. Cứ đến dịp 27/7 hoặc giáp Tết, dù sức khỏe tốt ông vẫn vào bệnh viện nằm để nhận tiền hỗ trợ. Với bài viết: “ Cũng là một kiểu lộng quyền” tôi đã vạch mặt, chỉ tên những hành vi sai trái, nhũng nhiễu của T. Sau bài viết này, Lãnh đạo TP Đà Nẵng và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố có lời khen và thể hiện sự đồng tình còn ông Nguyễn Đức T. thì kêu xã hội đen đến tận Văn phòng đòi …xử tôi. Một vụ việc đáng nhớ khác, đó là vụ ông Phan Diêu, quê Tiên Phước, Quảng Nam trú tại Hà Nội. Dù không đúng đối tượng nhưng ông Diêu vẫn liên tục làm đơn yêu cầu được công nhận là người thờ cúng liệt sĩ và bà mẹ VNAH nhằm để hưởng những chính sách vượt trội của TP Hà Nội đối với NCC CM. Sau khi có kết luận chính thức của Thanh tra và UBND tỉnh Quảng Nam, tôi đã có bài viết phê phán về hành vi này. Quá cay cú và tức giận, ông Diêu đã làm đơn kiện tôi đến Lãnh đạo Tòa soạn và các cơ quan chức năng. Tráo trở hơn, ông ta còn mạo nhận tên tôi làm đơn nói xấu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ chính sách của Nhà nước gửi đến tất cả các cơ quan Lãnh đạo và hơn 60 tỉnh thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Chúc mừng Văn phòng Báo LĐ&XH tại Miền Trung nhân dịp được UBND tỉnh Quảng Nam tăng Bằng khen ( tháng 7/2017)

Trong những năm qua Văn phòng Đà Nẵng được Lãnh đạo Tòa soạn giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng 3 Mẹ VNAH tại tỉnh Quảng Nam. Với trách nhiệm và tình cảm của những người con, các cán bộ, phóng viên của Văn phòng Đã Nẵng đã thường xuyên quan tâm chăm sóc, thăm hỏi và phụng dưỡng tận tình khi các mẹ lúc bình thường cũng như lúc ốm đau. Chu đáo, hiếu nghĩa khi các mẹ qua đời. VP đã kêu gọi và trực tiếp đóng góp xây một căn nhà tình nghĩa cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chí tại Tam Sơn, huyện Núi Thành. Với những đóng góp của mình, Văn phòng Đà Nẵng đã 2 lần được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen về thành tích thực hiện chính sách NCCCM

Thăm và trao tiền Phụng dưỡng cho Mẹ VNAH Lê Thị Tiến xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam.

Trao tặng nhà tình nghĩa cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chí xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Hai mươi năm làm báo Lao động & Xã hội, đầy ắp những kỷ niệm và bài học sâu sắc mà chắc chắn sẽ là những kỷ niệm và bài học không thể nào quên.

Giang Sơn

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/30-phut-20-nam-mac-dinh-d79319.html