325 năm Biên Hòa - Đồng Nai: Xuôi ngược mấy cù lao

Định sinh ra trên một con thuyền! Hồi đó, ba má nó còn sống trên con thuyền cũ của gia đình xuôi ngược trên đoạn hạ nguồn sông Đồng Nai với nghề buôn bán nông sản và chài lưới. Má mang bầu, tới ngày sinh không đưa đi bệnh viện kịp, phải nhờ một bà bạn chài giúp sinh ra nó. Bốn năm sau, khi Định sắp đi học mẫu giáo, ba nó mới chịu lên bờ cất nhà để ở. Nhà trên bờ để gia đình ở là chính, còn ông vẫn sống trên con thuyền hầu hết thời gian, nhiều đêm ngủ luôn dưới thuyền.

Ba Định tên là Phước. Ông hay kể cho vợ con nghe chuyện cha má ông ngày trước là một trong hai, ba gia đình sống trên một cái cồn nhỏ trên sông gần chợ Biên Hòa, đối diện với đình Tân Lân thờ ông Trần Thượng Xuyên trên bờ. Cái cồn nhỏ ấy chỉ rộng vài sào, có mấy cây gáo mọc tự nhiên nên bà con gọi là cồn Gáo. Từ cồn vào bờ không xa, đi xuồng vài ba phút đã tới. Vậy mà cha ông vẫn không kịp đưa má ông đi sinh. Đứa bé được sinh ra ngay trên chiếc xuồng nhỏ đang chèo vô bờ, chính là ba Định. Chưa hết, người cha còn lúng túng làm rớt con xuống sông, vội bỏ xuồng lao xuống cứu con. Bởi vậy ông mới đặt tên con là Phước. Ba Định nói: “Tui là thằng con của dòng sông Đồng Nai này mà!”.

Tranh minh họa: Phạm Công Hoàng

Đâu khoảng năm tám hai, tám ba thì cái cồn Gáo nhỏ xíu bị dòng nước sông cuốn mất phần đất trên cao. Người ta cắm mấy cây sào tre để đánh dấu cho thuyền bè đi tránh. Lâu dần, phần đất phía dưới cũng bị tan rã hết, mấy cây sào tre biến mất theo. Người trẻ sau này và người nơi khác đến, ít ai còn biết nơi đây từng có cái cồn Gáo!

Định thích xuống thuyền với ba. Nó cũng là “thằng con của dòng sông” mà! Nhưng ông Phước bắt nó phải ở trên bờ lo học hành là chính. Chỉ khi nào ông cần, nó mới được ra sông.

***

Sáng nay Định xuống thuyền từ sớm. Ông Phước lái thuyền ra bến hẹn đón khách. Họ gồm năm người bạn của ba Định từ thành phố qua chơi. Sáng nay lộ trình của họ là đi dạo một vòng cù lao Phố rồi thẳng lên cù lao Rùa, cù lao Tân Triều thăm vườn bưởi, ngủ lại đây thêm một đêm mới về.

Ngồi trên thuyền, mấy người khách bàn tán về cù lao Ba Xê. Thì ra nhiều chuyện quá quen thuộc với một đứa trẻ như Định lại có thể là mới lạ với nhiều người khác! Nhà ở cù lao Ba Xê, Định kể cho khách nghe thực ra ở trên đoạn sông này có tới hai cù lao nhỏ trước thuộc quyền của hai chị em là bà Sang và bà Xê. Cù lao Bà Sang nay thuộc Sài Gòn, còn cù lao Bà Xê bị mất dấu, thành Ba Xê lại thuộc tỉnh Đồng Nai.

Ông Phước cho thuyền chạy nhánh sông Cái để các bạn ngắm Cồn Cỏ:

- Cồn Cỏ hay cù lao Cỏ là một cái cồn nhỏ diện tích chỉ có 7 ha. Chiều dài của cồn gấp nhiều lần chiều rộng nên nhìn như con cá mắc cạn nằm trên rạch nước. Trên cồn chỉ có vài gia đình sinh sống. Nó nằm giữa nhánh sông Cái, sát với cù lao Phố rộng hơn nó gấp cả trăm lần! Từ bờ Biên Hòa hay cù lao Phố, muốn qua cồn Cỏ chỉ có phương tiên duy nhất là xuồng ghe. Cuộc sống của bà con trên cồn rất thanh bình, nhà không cần đóng cửa, ranh đất không ai làm hàng rào… Cuộc sống hàng ngày của họ êm ả trôi qua với công việc đánh cá sông hay trồng trọt…Tuy nhiên…thuyền của chúng ta chỉ đi qua chứ không lên bờ, tói ngã ba sông ta sẽ vòng qua bến lên cù lao Phố…

Định cảm thấy thất vọng. Mấy lần nó xin ba cho lên cồn Cỏ cho biết đều không được, lần này cũng “ao”. Coi bộ đâu phải cứ là người cùng địa phương thì chỗ nào cũng biết!

Như bữa nay, lần đầu tiên Định được đi trên sông phía dưới chiếc cầu sắt Rạch Cát rồi lại lướt dưới cầu Gành, hai chiếc cầu sắt mà người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Xe qua lại hai chiếc cầu tạo nên những tiếng động lớn, hù dọa người đi dưới sông. Định ngước mặt lên nhìn cầu. Trời xanh trên cao bắt đầu có nắng. Nó thầm nói: “Tui là con của dòng sông đây mà!”.

***

Bên nhánh sông Cái cũng có bến đò Kho là nơi lên cù lao Phố. Nhưng từ bến đò này mà đi thăm các chùa chiền, di tích lịch sử trên cù lao thì quãng đường khá xa, không tiện. Con thuyền quành qua mũi đất, ghé bến lên ngay sân trước chùa Ông, ngôi miếu cổ được nâng lên thành chùa, do người Hoa xây dựng, thờ Quan Công từ hơn ba trăm năm trước.

Khách được dẫn vào viếng chùa Ông. Định ở lại thuyền với ông Phước, sắp xếp mấy cái áo phao lại trên ghế ngồi cho gọn gàng. Khi thấy đoàn khách trở ra, Định nói với ba:

- Cho con đi theo họ nghen ba.

- Ừ! Nghe nói họ chỉ đi qua đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, qua chùa Đại Giác thôi…

- Cả chùa Thủ Huồng nữa ba à…

- Thì đi đi…

Cả ba nơi này, Định chẳng xa lạ gì, đi cùng nhóm khách, chẳng qua nó muốn nhìn lại cảnh cũ mà thôi.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nằm cách chùa Ông không xa, cũng nhìn ra sông. Nơi đây ngày một được mở rộng phía ngoài đền thờ chính đã có từ lâu. Ông Nguyễn Hữu Cảnh là tướng triều Nguyễn, vâng lệnh vua vào kinh lược vùng đất Đông Phố ngày ấy, đặt bản doanh ở cù lao Phố. Khi ông đem quân đi đánh giặc ở miền Tây thắng trận trở về, chẳng may bị bệnh mà qua đời ngay trên chiến thuyền của mình. Ông được đưa về quê hương Quảng Bình chôn cất. Ở cù lao Phố, ngươi dân xây ngôi mộ vọng gần đền thờ ông.

Định thích ngắm gì ở đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh? Đường xe lửa Bắc Nam đi qua chiếc cầu Gành nằm bên cạnh, cao hơn nền đình vài mét, không phải dễ gặp một chuyến xe lửa hú còi đi ngang. Chỉ có phía sông là Định thích ngắm. Nó nghe ba kể nhiều lần một câu chuyện đến thuộc lòng nên lần nào đứng bên mé sông cũng mong gặp được con cá thần quẫy nước bay lên mặt sông để lễ lạy ông Nguyễn Hữu Cảnh… Định biết đó chỉ là truyền thuyết dân gian nhưng ai biết đâu, một lần nào đó nó nhìn thấy cá thần thì sao…!

Đi bộ thêm một đoạn xa hơn thì đến chùa Đại Giác, một trong ba ngôi chùa cổ ở Biên Hòa, có tuổi trên ba trăm năm. Chùa Đại Giác còn có tên là chùa Tượng vì khi xây dựng lại, vua Gia Long đã cho voi đến dậm đất làm nền chùa. Vua còn cung tiến chùa pho tượng Phật bằng gỗ mít. Công chúa Ngọc Anh, con gái vua từng lánh nạn tại đây, thì tặng chùa bức đại tự “Đại Giác tự”. Trước sân chùa có tượng Phật Quan Âm và một cây bồ đề đem từ Ấn Độ qua trồng.

Chùa Thủ Huồng nằm sau chùa Đại Giác, còn gọi là chùa Sau, tương truyền là do ông Thủ Huồng lập nên. Thủ Huồng là một viên quan nhỏ thời Nguyễn, do ăn hối lộ của dân mà giàu có. Khi vợ chết, ông được hồn vợ dẫn đi chợ Mãnh Ma, chứng kiến cảnh các hồn ma bị tra tấn, lại thấy cả cái gông dành sẵn cho mình. Trở về dương thế, ông lo làm việc thiện để hy vọng sẽ được nhẹ tội khi xuống âm phủ. Chính ông đã làm nên những nhà bè ở ngã ba sông cho ngư dân có chỗ nghỉ ngơi, ngày nay là khu vực Nhà Bè…

Nhóm khách được cậu bé Định thuyết minh, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trên đường trở lại thuyền để tiếp tục hành trình, họ nhắc chuyện ông Thủ Huồng đầu thai thành một vị vua nhà Thanh bên Tàu, người bảo tin, người nói là bịa đặt…

***

Thuyền đi qua cù lao Rùa nhưng không lên bờ mà đi thẳng tới cù lao Tân Triều nổi tiếng với những vườn bưởi, nhất là giống bưởi đường lá cam.

Đứng trong một vườn bưởi, một người bạn của ba Định kể ngày xưa ông linh mục cai quản ngôi nhà thờ Tân Triều đã đem từ nước mình qua đây mấy cây bưởi. Thu hoạch trái, ông chia cho bà con giáo dân ăn thử, ai cũng khen ngon. Họ xin chiết nhánh đem về nhà trồng ở ranh giới đất nhà nọ với nhà kia. có người gọi là “cây ranh”. Đất Tân Triều vốn trồng trầu, sau một đợt dịch, các vườn trầu bị chết gần hết. Bà con nhân giống cây bưởi thành nhiều khu vườn rộng, thu hái bưởi đem lên chợ Biên Hòa bán. Bưởi ngon, được người dân trong và ngoài tỉnh mua ăn, gọi Biên Hòa là “xứ bưởi”. Từ đó bưởi đường lá cam ở Tân Triều được gọi là Bưởi Biên Hòa.

Nhóm khách tò mò muốn được tham quan nhà thờ Tân Triều là một trong những ngôi nhà thờ cổ nhất ở Biên Hòa xưa. Định có việc làm. Nó gọi điện cho thằng bạn nhờ ba thuê giúp một chiếc xe lam ba bánh chở mọi người đi.

Trưa, mọi người dùng bữa ăn đặc biệt mà món gì cũng có bưởi: gỏi bưởi, nem vỏ bưởi, chè bưởi, rượu bưởi… Khách mua bưởi về làm quà. Có người chê trái bười có mã không tròn trịa. Định phải giải thích:

- Trái bưởi có núm vẹo qua một bên mới là bưởi đường lá cam chính hiệu, còn những trái bưởi tròn đẹp là bưởi da xanh ruột hồng…

Ngồi trên thuyền xuôi dòng Đồng Nai về lại cù lao Ba Xê, một người khách bỗng thắc mắc:

- Không hiểu sao bưởi đường lá cam phải trồng ở Tân Triều mới ngon?

Ông Phước đáp:

- Dân Tân Triều nói rằng đất cù lao quê họ là loại đất không chân do phù sa bồi lấp nhiều năm mà thành… Đất không chân khác với đất có chân tức là đất gồm nhiều tầng lớp khác nhau. Cây bưởi đường lá cam là giống cây có rễ đuôi chuột nên hợp với đất không chân, có thể ăn sâu mà hút dưỡng chất. Bởi vậy nếu đem trồng nơi khác trên đất có chân, bưởi Tân Triều không lớn mạnh được…

Ông Phước còn tranh thủ kể chuyện núi và chùa Bửu Long bờ bên trái, chùa Long Thiền bờ bên phải, khi chiếc thuyền đi ngang đoạn sông này. “Đây cũng là hai trong ba ngôi chùa cổ ở Biên Hòa…”.

***

Trả khách ở điển hẹn trên bờ rồi chạy thuyền về bến nhà, trong khi ông Phước lên bờ về thăm gia đình thì thằng Định nói: “Để con nằm chơi trên thuyền một lát nữa”.

Nó nhớ lại những gì thu nhận được từ chuyến đi. À! Như là còn thiếu gì đó… Chẳng hạn như hai cái cù lao Bà Sang và Ba Xê còn được gọi là cù lao Đôi, ngày xưa trồng lác cung cấp cho bà con trên cù lao Phố làm chiếu. Còn nũa… Sao không nghe ai hỏi vì sao lại gọi cù lao Thạnh Hội là cù lao Rùa? Dễ mà! Vì cái cù lao này có hình dáng giống một… con rùa! Vậy thôi! Cũng không ai hỏi sao cù lao trồng bưởi đường lá cam lại tên là Tân Triều. Không phải là chúa Nguyễn Ánh ghé qua đây bàn việc lập “triều đình mới” đâu. mà Tân nghĩa là bến, triều là nước sông. Tân Triều là bến sông…

Định luôn nghĩ mình là “thằng con của dòng sông Đồng Nai” như ba nó, thì nó yêu sông, yêu mấy cái cù lao trên sông là lẽ đương nhiên. Nó tin là mình sẽ còn khám phá được nhiều câu chuyện hay khác về dòng sông, về mấy cái cù lao mà bao năm qua nó từng theo cha xuôi ngược…

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/325-nam-bien-hoa-dong-nai-xuoi-nguoc-may-cu-lao-2026528/