4 bài học quan trọng để cán bộ mạnh dạn đột phá

Để tạo sự chuyển động tích cực cho hệ thống công quyền thì tất yếu cần những người có bản lĩnh, dám nghĩ khác và làm khác.

Thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã liên tục tham mưu, đề xuất các chính sách liên quan đến vấn đề bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong thực tế hiện nay có một hiện tượng đáng quan ngại mà hệ thống công quyền ở nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối diện là tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2023.

Điển hình là một số địa phương ở phía Nam như TP.HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại chín tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ khi tính đến hết quý I-2023, tỉ lệ giải ngân đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước (10,35%).

Để tạo sự chuyển động tích cực cho hệ thống công quyền thì tất yếu cần những người có bản lĩnh, dám nghĩ khác và làm khác. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thách thức của cán bộ đột phá

Một trong những nguyên nhân chính lý giải cho thực tế nêu trên là những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, diễn ra chủ yếu ở cấp độ thực thi chính sách. Cụ thể, đó là tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, an phận. Nguyên tắc làm việc của họ là “không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng”.

Mặt khác, một bộ phận cán bộ vẫn đến cơ quan làm việc nhưng lại thường trực suy nghĩ “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít”, cho nên tốt nhất “không làm thì không sai”. Thậm chí có người còn có tâm lý “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.

Để tạo sự chuyển động tích cực cho hệ thống công quyền thì tất yếu cần những người có bản lĩnh, dám nghĩ khác và làm khác - tức là dám đột phá. Tuy nhiên, những ý tưởng và hành động đột phá sẽ đối diện với nhiều rào cản. Trước hết, đó là “nỗi lo đơn độc, một mình chịu trận” nếu ý tưởng đột phá không thành công hoặc được đem ra xem xét lại trong một bối cảnh khác.

Thứ hai, nếu ban lãnh đạo trực tiếp luôn thường trực tâm lý an phận thì sẽ không có cơ hội cho những ý tưởng đột phá. Thứ ba, nếu các thành viên trong đơn vị rơi vào tình trạng “sức ì tập thể” thì các kế hoạch đột phá rất khó khả thi, kể cả trong trường hợp được sự ủng hộ từ ban lãnh đạo.

Điều này cũng có nghĩa là cán bộ với ham muốn đột phá là những người không chỉ phải có khả năng lường trước và vượt qua được những rào cản tiềm ẩn, mà còn phải dám chấp nhận những rủi ro trong tương lai. Bởi lẽ những ý tưởng và hành động đột phá khởi nguồn từ tư duy và cách làm việc khác so với khuôn mẫu phổ biến, thậm chí không tuân theo các quy định hiện hành.

Vì thế, trong điều kiện thuận lợi và được nhìn nhận khách quan thì cán bộ đột phá sẽ được ghi nhận, khen thưởng. Tuy nhiên, trong một bối cảnh khác cũng không thể loại trừ nguy cơ có thể bị phán xét về quan điểm, thái độ, hành vi, bất chấp những kết quả tích cực được tạo ra.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng.

Ứng phó với rủi ro

Trong lịch sử, nước ta cũng từng trải qua những giai đoạn, thời điểm khó khăn bủa vây. Chính những thách thức nan giải đã làm xuất hiện những tấm gương cán bộ bản lĩnh, dám tư duy và hành động đột phá vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Điển hình cho lãnh đạo cấp địa phương là các bí thư Kim Ngọc, Đoàn Duy Thành với những ý tưởng về khoán hộ, khoán chui từ những năm 1970. Tổng Bí thư Trường Chinh và xác quyết đổi mới trước thềm Đại hội Đảng lần thứ VI, hay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tinh thần “xé rào” và “những việc cần làm ngay” những năm đầu ổi mới.

Từ những tấm gương tiêu biểu nêu trên, chúng ta có thể rút ra ít nhất bốn bài học. Đầu tiên, cán bộ với ý tưởng đột phá nhìn thấy cả những thách thức và cơ hội từ hiện trạng nan giải. Thứ hai, họ hoàn toàn lường trước được rằng họ có thể đối diện với những rủi ro hết sức đa dạng về chính trị, lợi ích, pháp lý.

Thứ ba, họ vẫn quyết định hành động theo ý chí và niềm tin dựa trên cơ sở thực tiễn của mình để hướng tới kết quả tích cực. Thứ tư, di sản để lại từ những quyết định, hành động đột phá rồi cũng được nhìn nhận, đánh giá công tâm trong tiến trình vận động và phát triển của đất nước.

Còn đặt trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang cần những cán bộ nhiệt huyết, ý thức cao về trách nhiệm và bổn phận công vụ, cùng với ý tưởng sáng tạo. Nói cách khác, chúng ta đang rất cần những đột phá ở cấp độ hành vi cá nhân trong thực thi chính sách nhằm thúc đẩy tốc độ vận hành của bộ máy công quyền. Bởi thế, cần nhận thức rõ ràng rằng lợi ích công sẽ là cơ sở quan trọng nhất để đẩy lùi nỗi sợ sai, ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.

Những quyết định, hành động dựa trên động lực và mục đích phục vụ, bảo vệ lợi ích công không chỉ cung cấp tính chính danh cho sự đột phá, mà còn chứng minh cho sự liêm chính của cán bộ dám tư duy khác và làm khác trong bối cảnh hiện nay.

Điều này cũng có nghĩa là trong bất kỳ tình huống nào, cả ở hiện tại và trong tương lai, những kết quả tích cực trong phục vụ lợi ích công chính là tấm khiên chắn vững chắc cho cán bộ trước những phán xét, đánh giá.

Tư duy khác và làm khác để đem lại lợi ích cho các chủ thể khác (cá nhân, doanh nghiệp, địa phương) sẽ là bằng chứng thuyết phục về sự không tư lợi thiển cận của những cán bộ công quyền dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung của cộng đồng.

Cần đẩy lùi sự trì trệ công quyền

Trước những biểu hiện ách tắc của bộ máy công quyền ở một số địa phương hiện nay, hẳn nhiên chúng ta kỳ vọng những cá nhân cán bộ dám đột phá, sáng tạo để thúc đẩy sự chuyển động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa của cả khu vực công.

Hiện Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong công điện hôm 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt, không chỉ khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám tư duy mới, dám làm, mà còn sẵn sàng xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể nếu đơn vị còn tiếp tục để xảy ra những nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực…

Tuy nhiên, về lâu dài, không thể chỉ trông chờ vào đột phá cá nhân để bộ máy công quyền vận hành linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng đúng mong đợi của người dân. Thay vào đó, chúng ta cần hướng đến một nền hành chính công vụ duy lý và hiện đại, vận hành theo pháp luật và được bảo vệ bởi pháp luật.

Nhóm giải pháp đầu tiên chúng ta cần tính đến là những nguyên lý và mô hình thể chế của bộ máy công quyền.

Thứ hai là cần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tư nhân hóa những chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể công mà các chủ thể tư nhân có thể đảm nhiệm. Giải pháp này sẽ giúp thu hẹp phạm vi hoạt động của hệ thống công quyền, nhờ đó tập trung được nguồn lực để xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, đảm nhiệm những chức năng, nhiệm vụ then chốt.

Tiếp đến, cần đề cao việc áp dụng các nguyên tắc cạnh tranh thị trường và sử dụng công cụ “hợp đồng” trong các quan hệ mạng lưới và liên ngành, sự hợp tác mang tính đối tác giữa các chủ thể chính quyền và chủ thể ngoài chính quyền. Sự tham gia phục vụ các lợi ích công của các chủ thể tư nhân với các chủ thể công sẽ thúc đẩy tiến trình đổi mới của bộ máy công quyền theo hướng linh hoạt hơn, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của công dân.

Cạnh đó, cần đẩy mạnh sự vận dụng các nguyên tắc và kỹ năng quản lý của khu vực tư nhân vào các đơn vị khu vực công.

Nguồn PLO: https://plo.vn/4-bai-hoc-quan-trong-de-can-bo-manh-dan-dot-pha-post730861.html