4 cách hỏi thăm kết quả phỏng vấn đúng và hiệu quả

Tâm lý thông thường của đa số các ứng viên sau buổi phỏng vấn là ngồi đợi nhà tuyển dụng liên lạc với mình. Tuy nhiên, chủ động theo dõi thông tin và có cách hỏi thăm kết quả phỏng vấn phù hợp sẽ giúp tối đa hóa những ưu điểm bạn đã thể hiện trước đó và gia tăng cơ hội trúng tuyển. Vậy làm thế nào để hỏi thăm thật khéo léo, tinh tế và không làm phiền nhà tuyển dụng? 4 cách dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời.

Không vội vã, dồn dập

Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn tìm việc làm ở Đà Nẵng hay các địa phương khác, đừng quên hỏi nhà tuyển dụng thời gian bạn sẽ nhận được kết quả cuối cùng.Nếu họ không nói rõ mốc thời gian, bạn nên liên lạc với nhà tuyển dụng trong khoảng 7-10 ngày sau buổi phỏng vấn. Nếu họ đã đưa ra một thời hạn cụ thể thì hãy đợi đến một, hai ngày sau mốc thời gian đó để liên lạc khi bạn chưa nhận được phản hồi.

Lưu ý, đừng liên lạc một cách quá dồn dập, hối thúc. Sai lầm này có thể khiến bạn bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp, thậm chí phản tác dụng bởi bạn đang tỏ ra thiếu tinh tế trong cách hỏi thăm kết quả phỏng vấn và làm phiền họ.

Hãy giữ thái độ, ngôn từ chừng mực và phù hợp

Khi liên lạc với nhà tuyển dụng, bạn không nên gọi và hỏi thẳng tuột rằng: “Tôi có được làm việc ở đây không?”, “Sao lâu có kết quả thế ạ?” hay “Tôi rất muốn làm việc ở đây, hãy cho tôi cơ hội!”. Những câu nói trên không những không đem lại hiệu quả mà còn dễ gây phản cảm. Vì vậy, hãy thật khéo léo, chuyên nghiệp và lịch sự. Bạn không cần thể hiện quá hàn lâm, văn vẻ khách sáo hay thể hiện sự sắc sảo mà chỉ cần nhẹ nhàng, chừng mực. Ngoài ra, cũng phải để ý cách diễn đạt đầy đủ thông tin, dễ hiểu, súc tích nhất có thể. Sự thể hiện của bạn sẽ tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng và biết đâu có thể tác động ít nhiều tới việc bạn có được tuyển hay không.

Thể hiện thái độ tích cực

Hãy luôn cho nhà tuyển dụng thấy một thái độ cầu tiến và lạc quan vừa đủ. Chẳng ai muốn đọc hay nghe những lời với nội dung tiêu cực, tuyệt vọng, hay thậm chí đầy bức xúc cả. Thúc giục, phàn nàn hay đưa ra những nhận xét không tích cực về nhà tuyển dụng có thể gây cản trở cơ hội nhận được công việc bạn mong muốn. Hãy thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm tới công việc này, nhưng đừng để lộ vẻ lo lắng hay tuyệt vọng. Bên cạnh đó, cố gắng tập trung vào những mặt tích cực nhất trong kỹ năng, kinh nghiệm và làm nổi bật nó trong mắt nhà tuyển dụng. Với thái độ lạc quan, luôn cố gắng hết mình trong mỗi việc làm, trau dồi kỹ năng để hoàn thiện bản thân, bạn nhất định sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng và tìm được công việc phù hợp với bản thân.

Lưu ý khi liên lạc bằng email/điện thoại

Nếu liên lạc bằng email, hãy bắt đầu thư với kính ngữ và tên của người phỏng vấn. Tiếp đó, hỏi về kết quả phỏng vấn đồng thời ghi rõ vị trí ứng tuyển, ngày phỏng vấn để nhà tuyển dụng có thể nhanh chóng hình dung về bạn. Cuối cùng, kết thúc email với lời cảm ơn và mong đợi nhận được câu trả lời sớm nhất.

Cũng giống như khi liên lạc qua điện thoại, hãy giới thiệu về bản thân trước khi vào vấn đề chính. Nếu chưa có kết quả, hãy cho thấy rằng bạn vẫn luôn quan tâm đến công việc làm này và xin một cái hẹn với thời gian trả lời chính xác. Trước khi kết thúc cuộc gọi, đừng quên cảm ơn họ vì đã dành thời gian lắng nghe và chia sẻ thông tin với bạn. Chú ý câu cú, ngôn từ mạch lạc, súc tích, dễ hiểu nhất cũng như một tông giọng rõ ràng, âm lượng vừa đủ cũng là cách hỏi thăm kết quả phỏng vấn không khiến nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu.

Hà Phương

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/xa-hoi/4-cach-hoi-tham-ket-qua-phong-van-dung-va-hieu-qua-a305273.html